Thời gian này, nhiều người có xu hướng chọn uống bia không cồn, thay vì uống bia bình thường như trước đây. Theo họ, uống bia không cồn sẽ không bị say, giúp an toàn hơn khi lái xe và nếu có bị cảnh sát giao thông đo, nồng độ cồn cũng không lên...
Phân tích rõ hơn bia không cồn, bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) thông tin bia không cồn cũng được sản xuất như bia bình thường nhưng nó được thêm giai đoạn loại bỏ bớt cồn trong bia, có thể bằng cách chưng ở nhiệt độ thấp để cồn bay hơi.
Theo cơ chế thì bia lúa mạch mà chưng cất tách cồn thì sẽ không hại gan mà còn ích lợi cho tiêu hóa. So sánh với bia có cồn, bia không cồn sẽ ít gây hại cho gan hơn.
Về việc uống bia không cồn, khi thổi nồng độ cồn, chỉ số có lên không, bác sĩ Minh Đức cho rằng theo nguyên tắc, nếu bia không có cồn thì khi thổi nồng độ cồn sẽ không lên.
Tương tự, bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho hay trong bia thường có các thành phần chính là cồn êtylic, nước và phụ gia tạo mùi vị. Bia không cồn được lấy hết cồn ra.
Khi uống bia không cồn, dù với số lượng nhiều cũng không gây say, không ghi nhận có cồn trong máu nên khi thổi, nồng độ cồn không lên.
Bác sĩ Lưu Phương cho biết thêm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe người uống là do cồn gây nên. Với bia không cồn thì hầu như không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên người uống thường cảm thấy không ngon, khi chỉ có mùi vị bia nhưng không có cồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận