Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng: có một tỉ lệ nhất định trẻ mang trong mình những đặc điểm gen có khuynh hướng bạo lực từ cha mẹ, song tỉ lệ này không nhiều. Và nếu được uốn nắn, giáo dục bài bản vẫn có thể hình thành nên những tính cách tốt đẹp.
Cháu H.A., 8 tuổi (Biên Hòa, Đồng Nai), được cha mẹ đưa đến trung tâm để được hỗ trợ tâm lý. Ở trường, cháu thường xuyên dùng vũ lực đánh bạn trong lớp, giáo viên nhắc nhở, khuyên bảo nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Tôi hỏi cháu vì sao lại hay đánh bạn, cháu ngây thơ trả lời là do cha mẹ dạy cháu từ nhỏ để bảo vệ bản thân. Ngạc nhiên vì cách trả lời của H.A., chúng tôi chia sẻ với phụ huynh của cháu và được biết: Hồi 4-5 tuổi cháu hơi nhút nhát, thường xuyên bị các bạn hàng xóm bắt nạt, cha cháu thấy vậy nên dạy cháu rằng: nếu bị đứa nào bắt nạt, dọa dẫm thì con nên ra tay đánh lại để tự vệ, đứa lớn hơn thì con dùng que gậy, lần sau chúng sẽ không còn bắt nạt con nữa.
Qua trao đổi thêm với cha cháu H.A., chúng tôi thấy rằng cách dạy của cha mẹ là nguyên nhân chính dẫn đến hình thành thói quen bạo lực ở cháu.
Một đứa trẻ sinh ra sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc và lớn lên dần trong thế giới xung quanh. Trẻ bắt đầu hình thành những phẩm chất nhân cách trong đời sống hoạt động và giao tiếp, có cả cái tốt và cái xấu đan xen. Khi ý thức hình thành và phát triển, trẻ bắt đầu tiếp nhận sự tác động bởi môi trường xung quanh, và gia đình là môi trường đầu tiên của trẻ. Nếu cha mẹ dạy cho trẻ ngôn ngữ hay, hành vi, ứng xử phù hợp thì trẻ phát triển theo hướng tốt, ngược lại là sự lệch chuẩn.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ phụ huynh giáo dục con cái theo kiểu giáo dục tự do. Họ coi sự phát triển của trẻ theo một cách tự nhiên mà không cần phải uốn nắn, điều chỉnh, với suy nghĩ lớn lên sẽ trưởng thành. Một số cha mẹ còn nuông chiều con quá trớn, lỏng lẻo trong việc quản lý, giáo dục và định hướng giá trị sống cho trẻ. Thậm chí có không ít phụ huynh cho rằng giáo dục là trách nhiệm chính của nhà trường, và họ phó thác hoàn toàn cho thầy cô, họ chỉ cần lo chu cấp tiền bạc để đảm bảo việc ăn uống, học thêm, thậm chí còn lo lót cho thầy cô để con được điểm cao... Chính vì vậy, có nhiều trẻ đã không có được sự uốn nắn kịp thời khi có suy nghĩ hoặc hành vi lệch lạc. Qua thời thơ ấu rồi sang tuổi thanh thiếu niên, nếu như nền tảng vào đời của trẻ là những suy nghĩ và hành vi lệch lạc, trẻ sẽ càng phát triển trong sự lệnh chuẩn khi vẫn không có sự dạy dỗ, uốn nắn kịp thời của gia đình và cả nhà trường.
Hãy luôn đi cùng trẻ từ những bước đầu đời đến tuổi trưởng thành, trong đó cha mẹ sẽ là những người hỗ trợ đầu tiên cho những mầm tốt. Cha mẹ hãy dìu dắt để trẻ lĩnh hội được những bài học đầu tiên về ngôn ngữ, hành vi ứng xử và những quy tắc đạo đức phù hợp. Cha mẹ hãy cùng với nhà trường tạo ra cho trẻ những cơ hội để các em vững vàng đề kháng trước những cám dỗ, dục vọng của đời sống xã hội. Tất cả từ gia đình, nhà trường, xã hội, cần phải chung tay để ươm mầm hướng thiện cho trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận