16/04/2023 09:43 GMT+7

Ươm mầm cho làng golf Việt

Ở tuổi 13, Lê Nguyễn Minh Anh (Anna Lê) được cha mẹ đầu tư cho sang Hàn Quốc du học với mục tiêu trở thành một golfer chuyên nghiệp hàng đầu.

Golfer trẻ Anna Le được gia đình đầu tư cho sang Hàn Quốc du học để trở thành golfer chuyên nghiệp - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Golfer trẻ Anna Le được gia đình đầu tư cho sang Hàn Quốc du học để trở thành golfer chuyên nghiệp - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Dù thường được xem là môn thể thao dành cho các doanh nhân cũng như giới thượng lưu, golf trên thực tế vẫn là một môn thể thao quen thuộc ở hệ thống Olympic và cần có nền tảng đào tạo trẻ bài bản.

Không nhất thiết phải giàu

Những năm gần đây, các học viện golf ngày càng nở rộ ở Việt Nam. Nhiều phụ huynh đưa con em đến với đủ các mục tiêu - từ rèn luyện sức khỏe cho đến vươn tầm thành VĐV chuyên nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm, giám đốc một trung tâm thể dục ở TP.HCM, cho biết từ 2 năm trước đã cho cậu con trai đi học golf. "Ban đầu cho con học chơi golf với mục đích rèn luyện nhiều kỹ năng. Đây là môn thể thao cá nhân rèn cho trẻ tính độc lập, tự tin và kiên nhẫn. Những ai từng chơi golf đều biết đến các tố chất này quan trọng thế nào. Tất nhiên đi kèm đó vẫn là mục tiêu rèn luyện thân thể", chị Tâm nói.

Từng là VĐV điền kinh đỉnh cao (môn nhảy cao, chồng chị - VĐV Nguyễn Duy Bằng - từng giữ kỷ lục nhảy cao của Việt Nam), chị Ngọc Tâm từ nhỏ đã tập cho cậu con trai Nguyễn Duy Thái chơi nhiều môn thể thao để hướng đến việc phát triển cơ thể toàn diện.

"Với riêng golf, người dân mình thường không có nhiều ấn tượng vì nghĩ môn thể thao này thượng lưu quá, xa xôi quá. Nhưng thật ra để chơi thể thao đúng cách thì môn nào cũng tốn kém cả, không riêng gì golf đâu. 

Con tôi học golf 10 buổi đầu tốn học phí khoảng 20 triệu đồng, sau đó được chọn vào đội năng khiếu nên không tốn học phí nữa. Chỉ tốn tiền sân bãi, thuê bóng, chi phí cho bố mẹ đi theo... vào khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này không nhỏ, nhưng không nhất thiết phải giàu có mới cho con học golf được", chị Ngọc Tâm nói.

Trên thực tế, rất nhiều golfer hàng đầu thế giới xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Một số hiệp hội golf, như ở Thái Lan, còn có chính sách hỗ trợ những VĐV trẻ tiềm năng. Điển hình như Ariya Jutanugarn, golfer Thái Lan từng giữ ngôi số 1 thế giới, xuất thân từ gia đình kinh doanh một tiệm bán dụng cụ thể thao. Cha cô thậm chí phải bán xe của mình để đầu tư cho hai cô con gái chơi golf.

Chris McCalmont, HLV golf có tên tuổi của nhiều golfer dự LPGA Tour, nói: "Không quan trọng bạn xuất thân từ gia đình giàu hay nghèo, chỉ cần bạn có tài năng, Hiệp hội sẽ chi trả mọi thứ".

Giấc mơ đẳng cấp thế giới

Tất nhiên, từ chỗ "học golf cho vui" đến con đường chuyên nghiệp vẫn rất khác nhau. Ông Lê Minh Tiến, cha của golfer trẻ Anna Lê, cho biết tổng chi phí đào tạo nên một golfer đẳng cấp thế giới có thể lên đến 2-3 triệu USD. Bản thân ông cũng chấp nhận chi ra khoảng 150.000 USD/năm khi cho cô con gái đi du học Hàn Quốc.

"Ở Việt Nam bây giờ có khá nhiều phụ huynh cho con đi học golf rồi. Không như suy nghĩ của mọi người, môn thể thao này không đòi hỏi phải là con nhà giàu, con đại gia thì mới theo học được đâu. Trên thực tế, các golfer trẻ xuất thân từ tầng lớp trung lưu sẽ có thêm động cơ, có thêm quyết tâm", ông Tiến nói.

Sau khoảng 3 năm học golf, nhận thấy con gái có tố chất và đam mê lớn với golf, ông Tiến mới xác định cho con sang Hàn Quốc để tiếp cận nền tảng đào tạo thể thao hàng đầu của xứ sở kim chi. Anna Lê hiện đang theo học tại trường trung học trực thuộc Korea Golf University - đại học chuyên biệt về golf ở Hàn Quốc.

"Ở Hàn Quốc không có chính sách thu nhận học viên nước ngoài. Họ phải cử HLV sang xem xét năng lực của con gái tôi rồi mới chấp nhận cho bé sang học. Đây cũng là một quyết định không dễ dàng với gia đình tôi, vì cha mẹ hiển nhiên không muốn xa con gái ở lứa tuổi này. 

Nhưng đã xác định cho con theo đường thể thao đỉnh cao là phải chấp nhận. Người Hàn Quốc vốn nổi tiếng về kỷ luật, tôi cũng muốn con mình được rèn luyện ở môi trường như vậy", ông Tiến nói.

Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu

Talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" năm nay có chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4, với sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín.

Ngài Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt - là một trong những diễn giả chính của chương trình năm nay. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu cũng sẽ được diễn ra ngay sau đó.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá đến công chúng. BTC sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có một suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện, Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up qua ba mùa đã quy tụ gần 600 golfer. Năm nay, giải đấu thường niên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21-4 tại sân golf Thủ Đức (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức). Vào tối cùng ngày sẽ diễn ra gala trao giải cho golfer xuất sắc và chương trình giao lưu, kết nối cùng các start-up tiêu biểu.

MINH HUỲNH

Ngày càng nhiều phụ huynh cho con học golf

Ngày càng có nhiều phụ huynh cho con theo học golf - Ảnh: N.T.

Ngày càng có nhiều phụ huynh cho con theo học golf - Ảnh: N.T.

HLV Võ Phụng - giám đốc đào tạo một học viện golf ở TP.HCM - cho biết: "Ở học viện của tôi có 40 em từ 5 đến 13 tuổi đang tập chơi golf. Trong số này có 10 bạn định hướng lên chuyên, số còn lại chủ yếu tập cho khỏe. Số lượng cụ thể tính chung cả nước tôi không nắm rõ, nhưng tôi thấy nhu cầu cho trẻ học golf cũng cao.

Vì golf giúp các em có hoạt động thể chất và còn được ở trong môi trường xanh. Đặc biệt, môn này rèn cho em sự trung thực, điềm đạm. Chơi golf không thể gian lận được và luôn cần tâm lý tốt để thực hiện cú đánh chính xác. Ra sân chơi golf còn giúp các em rèn kỹ năng xác định phương hướng trong tự nhiên.

Tuổi có thể bắt đầu học chơi golf là từ 5 tuổi và sau 1 năm có thể chơi thuần thục. Sau đó tùy theo định hướng của phụ huynh, năng khiếu của bé mà chọn con đường lên chuyên hay chơi để rèn luyện sức khỏe. Một golfer cần nhất tính điềm đạm, tâm lý tốt".

Ươm mầm cho làng golf Việt - Ảnh 6.

Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up: Đẳng cấp qua từng nămTuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up: Đẳng cấp qua từng năm

Sau ba lần tổ chức thành công, Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up - giải đấu nằm trong chuỗi sự kiện thường niên Tuổi Trẻ Start-Up Award do báo Tuổi Trẻ tổ chức - sẽ trở lại vào tháng 4 này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp