Trong các cuộc giao lưu ấy bao giờ tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi phản ánh những trăn trở, ước nguyện của các bạn nam thanh nữ tú về cơ hội lập nghiệp.
Phóng to |
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan |
Quả thật tôi thường rất bí khi được yêu cầu hóa giải các băn khoăn của họ vì mỗi thời mỗi khác. Trong những trường hợp ấy tôi đành chia sẻ những cảm nghĩ có phần chủ quan về cơ hội lập nghiệp trong hoàn cảnh hiện nay.
Bản thân sống mòn, cơ quan đèo bòng
"Ở nhiều nước công nghiệp phát triển, một trong những tiêu chuẩn tuyển vào đại học là phải kinh qua những hoạt động xã hội, nghĩa là chưa học đã phải hành, và hệ thống giáo dục của họ mở ra nhiều kênh để các bạn trẻ có điều kiện hướng nghiệp ngay trên ghế nhà trường. " |
Trong quá trình làm việc tôi đã gặp không ít bạn theo sự sắp xếp của đấng sinh thành đã nhầm đường lạc lối, làm không đúng năng lực, ngồi không đúng ý nguyện nên cứ vật vờ sống mòn, bản thân không hài lòng mà cơ quan cũng buộc phải đèo bòng.
Còn nhà trường thường cố công nhồi nhét kiến thức, trong đó không ít kiến thức chẳng bao giờ dùng đến, ít chú trọng việc khuyến khích sự sáng tạo, chẳng quan tâm mấy đến việc hướng nghiệp, chẳng dành nhiều thời giờ dạy bảo kỹ năng sống và làm việc. Có cơ hội tới thăm nhiều nước tôi thường để ý xem hệ thống giáo dục của họ ra sao. Hóa ra ở nhiều nước công nghiệp phát triển, một trong những tiêu chuẩn tuyển vào đại học là phải kinh qua những hoạt động xã hội, nghĩa là chưa học đã phải hành (tất nhiên họ có cơ chế phòng ngừa tệ khai man), và hệ thống giáo dục của họ mở ra nhiều kênh để các bạn trẻ có điều kiện hướng nghiệp ngay trên ghế nhà trường. Tiếc rằng hệ thống giáo dục của ta đổi mới quá chậm, làm cho nó ngày càng chệch xa với yêu cầu của đất nước, xu thế của thiên hạ.
Đó là cơ chế tuyển dụng ẩn chứa quá nhiều bất cập, cơ chế sử dụng nhân tài chưa bước ra khỏi các cuộc hội thảo triền miên. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, không những tôi “bí”, thậm chí hổ thẹn khi không trả lời được những câu hỏi đầy nỗi niềm của các bạn trẻ được đào tạo rất bài bản, thậm chí đỗ cao nhưng không tìm được việc làm vì vấp phải bức tường đá của “chủ nghĩa thân quen”, lợi thế “con ông cháu cha”, tệ nạn “chạy việc, chạy chỗ”, sử dụng, đãi ngộ không theo tài đức…
Đó là chưa kể tình trạng rất ít thấy các cuộc tâm tình, trao đi đổi lại giữa những người có trách nhiệm với giới trẻ nhằm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ để từ đấy tìm phương cách tháo gỡ. Nói vậy để thấy những băn khoăn, bức xúc của các bạn trẻ là có lý; không có sự thay đổi từ gia đình đến nhà trường và xã hội thì chẳng nên chê trách các em. Ở đây câu châm ngôn “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” thật rất đúng chỗ.
Lập nghiệp ở nơi người ta cần mình
Lớp trẻ thời nào cũng vậy, có một đặc tính là nuôi nhiều hoài bão cao xa; trong khi đó gia đình, nhà trường, xã hội lại chưa giúp các em định hướng lập nghiệp đúng cách nên không ít em lạc đường. Trao đổi với các em, tôi thường gợi ý hãy giữ lấy hoài bão nhưng khi bước vào đời nên tự lượng sức mình và nhu cầu xã hội. Vốn làm nghề ngoại giao, tôi gợi ý các bạn đó hành xử theo câu phương ngôn phổ biến trong nghề chúng tôi là hãy giữ cho “trái tim nóng, cái đầu lạnh”.
Tạo hóa dành cho mỗi người một khả năng, một sở trường khác nhau; ai yếu kém về khoa học tự nhiên thì dù cho môn quản trị kinh doanh có “hot” bao nhiêu cũng chẳng nên lao vào; ai không có năng khiếu ngoại ngữ thì chớ nên chọn nghề đối ngoại… Bên cạnh năng khiếu còn cần sự đam mê, hoài bão mới có thể công thành danh toại.
Nhu cầu xã hội muôn màu muôn vẻ, các bạn trẻ hãy tìm đến nơi xã hội cần chứ chẳng nên cố chạy theo những lĩnh vực xã hội không cần hoặc thừa người. Tôi cứ tự hỏi nếu ai cũng lao vào lĩnh vực quản trị kinh doanh, nhất là ngân hàng, chứng khoán một thời, né tránh những ngành sản xuất vật chất thì đất nước lấy đâu ra sự phát triển mà kinh doanh? Lẽ thường tình ai cũng muốn sống và làm việc ở nơi đô hội nhưng ở đó rất khó chen chân, trong khi ở những nơi khác lại thừa công việc, thiếu người làm. Vậy nên lập nghiệp ở nơi người ta cần đến mình hay xô đẩy ở nơi chẳng ai đoái hoài?
Lại nữa, nhiều bạn rất muốn làm những điều to tát ngay khi mới bước vào đời. Ý nguyện đó rất đáng tôn trọng nhưng không phải ai, ở đâu, lúc nào cũng có điều kiện thực hiện. Thực tế cho thấy chỉ có thể làm được cái to bắt đầu từ cái nhỏ, miễn là mình có niềm đam mê làm việc, học hỏi ngọn nguồn. Nay tôi tham gia dạy học sau đại học nên có dịp tiếp xúc với nhiều bạn trẻ mới vào nghề, qua đó thấy nhiều bạn “phán” rất hay về “những chuyện chiến lược” nhưng lại không viết nổi một cái biên bản tiếp xúc. Còn bản thân tôi khi mới vào nghề chỉ được giao những việc “vụn vặt” thượng vàng hạ cám, lắm việc nhàm chán nhưng điều đó lại giúp mình thông thạo nghề nghiệp, khi có cơ hội làm những việc lớn hơn thì việc gì cũng tường.
Không có tiên ông giúp mình thành đạt
Thấy việc không khớp với ước mơ mà cứ ngồi than vãn thì chẳng có tiên ông nào hiện lên giúp mình thành đạt. Nói cho cùng thì thành đạt hay không mình vẫn đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, người lớn chớ nên đẩy lớp trẻ đầy kiến thức, tài năng và hoài bão vào những việc vô bổ như chè nước, điếu đóm mà hãy mạnh dạn giao cho họ những việc thậm chí vượt khả năng của họ, qua đó vừa được việc, vừa nuôi dưỡng tài năng.
Thế hệ chúng tôi thường được dạy bảo “lao động là quang vinh”, “hãy làm mọi việc xã hội cần”. Những lời răn dạy ấy có lẽ vẫn còn nguyên giá trị; bên cạnh đó, trong cơ chế thị trường, có thể thêm một vế nữa là nuôi được mình. Tiếp xúc với giới trẻ thời nay tôi thật sự khâm phục nhiều bạn hết sức tinh anh, năng động, biết tìm ra những “kẽ hở” của thị trường, lập nghiệp bằng nhiều việc tưởng như rất tầm thường nhưng chưa có hoặc rất ít người làm nên dần dần thành đạt.
Tôi cũng gặp rất nhiều doanh nhân trẻ ăn nên làm ra, hết sức thành đạt; mặt khác tôi cũng biết không ít người tham vọng quá lớn, bung ra quá sức, nên bị đổ bể, phá sản. Vô hình trung các bạn ấy đã thực hiện trên thực tế một nguyên tắc cơ bản của cơ chế thị trường là “làm những việc thị trường cần chứ không chỉ những việc mình muốn” và một lẽ sống “liệu cơm gắp mắm”, “tham thực cực thân”.
Tôi rất hiểu rằng nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng biết làm sao được khi cuộc sống cho thấy sống trên đời phải có hoài bão, còn làm thì theo khả năng và nhu cầu của xã hội. Làm đúng và hết khả năng bản thân, ước mơ mới có thể trở thành hiện thực. Đó cũng là bài học đường đời của nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi, đối với lớp trẻ ngày nay chắc cũng vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận