19/08/2016 09:27 GMT+7

Ước mơ từ miền Trung

MAI HOA - VĂN ĐỊNH
MAI HOA - VĂN ĐỊNH

TT - “Em muốn học ngành môi trường” - nữ sinh lớp 12 Chu Thị Thảo (thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang nuôi ước mơ về một sự đổi thay cho cả miền quê yêu dấu của mình.

Quà đã đến tay các gia đình ngư dân nghèo của thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị sáng 18-8 - Ảnh: Q.NAM
Quà đã đến tay các gia đình người dân nghèo của thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị sáng 18-8 - Ảnh: Q.NAM

Ước mơ của Chu Thị Thảo không giống như những ước mơ “học ngành dễ xin việc” hay “ngành không phải đóng học phí” của nhiều học sinh nghèo vùng quê. Thật ra, cô gái ấy cũng chưa hình dung được nhiều về ngành mà mình sẽ học. Khung trời tuổi thơ của em cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác từng lấp lánh rất nhiều ngôi sao ước mơ: em muốn thành bác sĩ, muốn thành cô giáo, muốn thành luật sư... Những ước mơ thay đổi dần theo năm tháng và giờ đây khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, em mơ thành kỹ sư môi trường.

Tuổi thơ của Thảo không chỉ có màu hồng của ước mơ. Hồi em học lớp 6, mẹ em đã ra biển rồi không về với em nữa. Hồi ấy, ba chị em Thảo còn nhỏ lắm, đều đang tuổi ăn tuổi lớn. Mình bố đi biển không cáng đáng hết được. Ở nhà, mẹ em ngoài công việc nhà, chăm lo cho đàn con “để không đứa nào phải nghỉ học” vẫn thường cùng người làng ra bãi đá ven bờ biển lấy rau mứt (người thành phố hay gọi là rong biển) về bán kiếm thêm tiền cho con đi học.

Hôm đó, mẹ Thảo đi cùng một bà cụ trong làng. Một lát sau, bà lật đật chạy về báo mẹ em bị sóng đánh đập đầu vào đá rồi cuốn ra xa. Bố em khi đó cũng đang ở nhà, vội vàng lao ra bờ biển. Thảo còn nhớ hôm ấy trời mưa, mẹ mặc áo mưa nên vẫn nổi lập lờ trên mặt nước, bố em bơi ra đưa mẹ vào...

Từ ấy đến nay, bố em đi biển, tần tảo nuôi ba chị em ăn học. Chị gái đầu đã tốt nghiệp, đi dạy ở TP.HCM. Chị gái thứ hai vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế. Em cũng chuẩn bị vào đại học. Cuộc sống dù cơ cực nhưng mấy bố con cùng nhau cố gắng vẫn còn lo được. Mấy tháng nay, sau sự cố môi trường, bố em không còn đi biển. Chỉ mình Thảo chứng kiến những lần bố phải đi vay đi mượn để lo công việc của gia đình, dòng họ. Em buồn.

“Dù khó khăn nhưng bố em, ngày trước là cả mẹ em nữa, lúc nào cũng động viên mấy chị em cố gắng học, chưa bao giờ nhắc chuyện cho tụi em nghỉ” - Thảo kể. Ông trưởng thôn ở cạnh nhà em xác nhận: “Mấy chị em nó học giỏi có tiếng ở làng. Bố thì gà trống nuôi con. Mấy chị em cũng chịu khó lắm”. Hôm chúng tôi đến, bố em đã đi vào miền Nam làm giỗ bà nội và bác. Chị gái em vừa tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm cũng vắng nhà. Cô nấu nước trà xanh, nhân trần... mang xuống bến tàu bán.

Đứng trong gian buồng đầy giấy khen của cả ba chị em, Thảo cười: “Ngày trước em từng ước mơ nhiều thứ, rồi lại thay đổi. Bây giờ em muốn học ngành môi trường, em nghĩ đây là công việc mà quê em đang cần”.

Hành trình “Thương về miền Trung” đến với người dân Quảng Trị

Sáng 18-8 ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), 1.200 phần quà của Công ty Unilever Việt Nam đã được trao tận tay những người dân nghèo tại đây. Hoạt động này nằm trong chương trình “Thương về miền Trung” do Công ty Unilever Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Đã mấy tháng rồi người dân Cửa Tùng mới có lại một buổi sáng ấm áp như thế. Khu hội trường của đồn công an Cửa Tùng có những lúc không đủ chỗ ngồi cho người dân đến nhận quà. Mỗi phần quà lần này gồm 5kg gạo, bột nêm, xà phòng, sữa tắm và một số nhu yếu phẩm.

Ông Phan Thanh Biên - 68 tuổi, khu phố An Đức 2 - là một trong những người đến buổi trao quà sớm nhất. Ông Biên nói đã gắn bó với nghề biển mấy chục năm qua. “Cần câu cơm” của gia đình là chiếc thuyền nan công suất 10CV để đi đánh bắt ở vùng biển gần bờ, nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn. “Mấy tháng nay quá khổ rồi nên giờ nghe có quà mừng lắm” - ông thổ lộ.

Bà Hoàng Thị Bắc, chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cửa Tùng, cho biết người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ biển, nhưng gần đây cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. “Nghe có Công ty Unilever Việt Nam về tặng quà ai cũng mừng. Nhất là khi khốn khó như hiện nay thì mỗi phần quà dù nhỏ cũng vô cùng ý nghĩa với người dân” - bà Bắc chia sẻ.

Tính đến hết ngày 18-8, chương trình “Thương về miền Trung” đã trao tận tay khoảng 38.000 phần quà cho người dân gặp khó khăn. Ban tổ chức chương trình kêu gọi cộng đồng cùng đồng hành để san sẻ với bà con miền Trung thông qua hình thức: với mỗi sản phẩm của Unilever có giá trị trên 30.000 đồng được bán ra, Công ty Unilever Việt Nam sẽ đóng góp 10.000 đồng quyên góp cho hành trình “Thương về miền Trung” đến khi đạt được mục tiêu cam kết là 50.000 phần quà với tổng giá trị 7,5 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, từ đây đến ngày 25-8 chương trình sẽ tiếp tục đến và trao thêm 12.000 phần quà tương tự cho người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

QUỐC NAM

MAI HOA - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp