Mất hai giờ để tham quan khu Meiji, nhưng tôi mất hết một giờ đứng trầm ngâm dưới cây cổ thụ già ở sân đền chính. Nơi đó người ta đặt những phong bì để khách du lịch ghi lời ước nguyện của mình rồi bỏ vào hòm. Khu di tích cũng bán những tấm gỗ nhỏ trị giá 500 yen để khách ghi lời cầu nguyện của mình vào và treo dưới gốc cây - được cho là linh thiêng, thần thánh.
Phóng to |
Ảnh: H.P. |
Và bạn thân mến, bạn cứ thử tưởng tượng đang đứng trước vài ngàn ước nguyện như thế, cảm xúc của bạn sẽ như thế nào đây?
Ai trong chúng ta cũng đều có những ước nguyện của riêng mình, nhưng hầu như ít ai nói ra những cầu mong ấy. Chúng ta lưu ước mơ trong tim, viết ước mơ vào nhật ký, thì thầm khấn vái với đấng linh thiêng... chứ hiếm khi ta chia sẻ nó với những người xung quanh. Vì thế, việc đọc những ước mơ có một sức lôi cuốn kỳ lạ...
Trong một giờ, tôi đã đắm mình giữa những nguyện cầu được viết bằng nhiều thứ ngôn ngữ: tiếng Nhật, Anh, Pháp... và cả tiếng Việt. Mỗi tấm gỗ chỉ ghi vài dòng chữ, nhưng dường như chúng kể cho ta nghe nhiều câu chuyện. Vài dòng để ghi một lời gửi gắm đến đấng linh thiêng nên sức cô đọng thật lớn, nhiều khi nó nói cho chúng ta nghe chuyện của cả một đời người. Bởi những số phận khác nhau, những tính cách khác nhau sẽ viết những dòng khác nhau trong tấm gỗ nhỏ. Và bởi phải viết ít chữ trong ít phút nên cái bật ra đầu tiên cho phép chúng ta tin rằng đó là cái chân thật nhất!
Tôi ngạc nhiên khi nhận thấy trong hầu hết những lời cầu nguyện, người ta thường không xin cho mình hoặc xếp ước mơ của mình vào cuối danh sách. Như một cô bé người Singapore đã viết: “Con ước bố con sẽ giảm cân được để con có thể ôm bố một cách dễ dàng”. Một phụ nữ vùng Marseille của Pháp lại cầu mong sức khỏe cho con mèo của bà ở nhà. Sực nhớ lại những lần đi chùa tôi cũng lẩm nhẩm khấn vái (nhiều khi nó đã trở thành một lời khấn thuộc lòng - cứ thắp hương là sẽ khấn như thế).
Tôi cầu xin sức khỏe cho ba mẹ tôi, bình an cho cả gia đình và thường kết thúc bằng ước nguyện cho tôi được sớm... tăng lương! Chúng ta thật sự hào phóng trong những ước mơ chăng? Hay chúng ta cho rằng mục tiêu của bản thân có đạt được hay không, điều đó nằm ở sức mình là chính. Còn hạnh phúc của những người ta yêu quý đôi khi vượt khỏi khả năng của ta, và vì ta không làm được gì nên nó mới thật sự đáng để cầu xin!
Điều kỳ lạ là trong rất nhiều tấm gỗ xinh xắn treo dưới gốc cổ thụ già lại không phải là những điều cầu nguyện, không phải là những lời xin xỏ ơn trên bình thường, mà đó là những lời cảm ơn. Tôi bật cười khúc khích trước một tấm gỗ có vẽ hình trái tim và dòng chữ lồng bên trong: “Con cảm ơn Thượng đế vì đã mang chúng con đến với nhau và đến đây. Con sẽ tiếp tục biết ơn ngài ở bất cứ nơi nào con đến sau này, nếu ngài vẫn giữ chúng con bên nhau!”. Hay một câu ngắn gọn mà đầy xúc động như thế này: “Cảm ơn Thượng đế đã lắng nghe con, đã hiểu những khó khăn và cổ vũ những thành công của con!”.
Tôi tin những người chỉ viết lời cảm ơn là những người thật sự hạnh phúc. Họ đang vui với cái đủ của mình. Và tấm gỗ treo nơi đây như một lời gửi gắm rằng họ muốn duy trì khoảnh khắc mãn nguyện cuộc sống này mãi mãi...
Tôi cũng mua cho mình một tấm gỗ và bạn biết tôi ghi gì trong đó không? Tôi cũng viết một lời cảm ơn: “Cảm ơn tất cả những người đã gửi ước mơ nơi đây, tôi hạnh phúc vì được chia sẻ điều đó với các bạn..”.. Tiếc là tôi ghi bằng tiếng Việt, nhưng có hề gì, quan trọng là tôi thật sự hạnh phúc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận