18/10/2014 09:25 GMT+7

​Ước mơ đẹp từ những xóm chài nghèo

ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG - MINH KỲ
ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG - MINH KỲ

TT - Để được tiếp tục đến trường, 306 học sinh sinh viên con ngư dân đã phải vượt qua bao dông tố của cuộc đời...

Hồng Nhung và mẹ bên những giấy khen của Nhung - Ảnh: Đoàn Cường
Hồng Nhung và mẹ bên những giấy khen của Nhung - Ảnh: Đoàn Cường

Thường xuyên xa mẹ xa cha, sống thiếu thốn nhưng các bạn vẫn cố gắng học tốt vẫn giữ gìn trọn vẹn giấc mơ đẹp: rồi sẽ có một ngày những người con của xóm chài nghèo khó này sẽ thành kỹ sư, bác sĩ tương lai...

Học giỏi để đỡ tốn tiền cha mẹ

Ngày đến nhà, em Trần Thị Hồng Nhung (lớp 8/5 Trường THCS Lý Thường Kiệt, con gái ngư dân Trần Hà, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa đi học về tới. Nhung thay vội chiếc áo học sinh rồi xuống bến đò xóm Chùa phụ ba mẹ chao hến, thu dọn cào, mái chèo...

Cô Xạo (mẹ Nhung) buồn rười rượi nói: “Trời mưa lạnh, cả hai vợ chồng đi cào hến hết buổi sáng chỉ được có 2 ang, bán được 18.000 đồng. Nhà bảy miệng ăn chỉ dựa vào chừng đó”. Thu dọn xong ghe, Nhung mang rổ rá đi rửa sạch rồi dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho cả nhà ăn.

Cứ sau tết, ba Nhung lại khăn gói vào Quảng Ngãi lên tàu ra Hoàng Sa đánh bắt, có chuyến đi trúng thì 20 ngày về, cũng có khi hơn tháng mới cập bến. Cô Xạo ở nhà phải vùi mình dưới nước mỗi ngày 2-3 tiếng đãi hến thuê cho người ta...

“Những lúc vợ chồng tôi kẻ ra biển người ra sông như vậy thì chuyện nhà cửa, ăn uống, học hành của mấy đứa nhỏ đều nhờ bé Nhung cả. Nó thay cha mẹ làm hết” - cô Xạo tâm sự.

Vợ chồng quần quật suốt ngày nhưng vẫn cứ túng quẫn. Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, cái gì cũng thiếu thốn. Căn nhà cấp 4 đơn sơ được chính quyền xây cho. Vì cuộc sống quá khó khăn, cả bà nội và bà ngoại đều phải vô Sài Gòn bán vé số. Thương gia cảnh nghèo khó, có người cho chiếc tivi hết “đát”, có người tặng chiếc xe máy cà tàng để làm phương tiện đi lại.

Cô Xạo ngậm ngùi kể câu chuyện mới đây vợ chồng phải cắn răng đi vay tiền để xây nhà vệ sinh. “Từ trước đến nay toàn phải đi vệ sinh nhờ nhà bà con. Mà tội mấy đứa con lớn, con gái đầu đã 17-18 tuổi, thấy con e thẹn mà đau lòng lắm” - cô Xạo tâm sự. Ngay tiền học phí cho bốn đứa con học kỳ 1 là 4 triệu đồng, cô Xạo phải lên trường xin đóng một nửa, còn một nửa cuối kỳ sẽ mượn tiền đóng tiếp.

Thương cha mẹ, bốn đứa con đang tuổi học đều là học sinh giỏi. Riêng Nhung bảy năm liền là học sinh giỏi và đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn văn TP Tam Kỳ.

“Ngày trước đi học em phải nhờ bạn chở vì không có xe, nhờ thi học sinh giỏi có giải nên được tặng xe đạp để đi. Em sẽ ráng học giỏi để ba mẹ không phải tốn tiền mua sách vở, áo quần cho tụi em...” - Nhung hồn nhiên nói.

Ước mơ bác sĩ của cô học trò mồ côi

Suốt mấy năm nay, bà con thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đều thương cảm cảnh đời côi cút, thiếu vắng tình thương ba mẹ của cô học trò Cao Thị Lý lớp 8/2 Trường THCS Lê Đình Chính.

Chúng tôi đến nhà Lý khi trời nhá nhem tối. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ ấy là cô bé nhỏ nhắn, làn da ngăm, đang vo gạo nấu bữa cơm tối. “Gạo trong nhà đã hết mà chưa thấy mẹ gửi tiền về mua. Mấy bữa nay em phải đi mượn gạo quanh xóm về nấu cơm cho ông cháu cùng ăn” - Lý tâm sự.

Ba Lý mất trong một lần đi biển khi em còn trong bụng mẹ. Mẹ Lý là bà Cao Thị Cúc hằng ngày đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi ba đứa con.

Cách đây ba năm, vì cuộc sống ở quê quá cực khổ, bà Cúc rời quê ra TP Đà Nẵng đi bốc gạch, phụ hồ thuê. Mỗi tháng bà gửi tiền về cho con ở nhà tự lo sắm sửa, ăn học. Vài tháng bà mới về thăm nhà một lần. Hai anh trai của Lý đã lớn, đi biển, nhưng tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống cho bản thân.

Từ nhỏ Lý đã sống cảnh côi cút một mình riết rồi thành quen. Cứ đi học về là em tự nấu nướng, giặt giũ quần áo, dọn quét nhà. Xong Lý lại lên nhà chăm sóc ông ngoại đã ngoài 80 tuổi và dì là Cao Thị Hoa (30 tuổi) bị mắc chứng bệnh tâm thần...

Những buổi không đi học, Lý lại ra xưởng cá bò tại thôn 6 để làm cá, phơi cá. Mỗi buổi làm cá chỉ vỏn vẹn được 10.000-15.000 đồng, em để dành mua thức ăn, sách vở, đồ dùng học tập.

Sống cảnh côi cút, Lý luôn được bà con hàng xóm, chính quyền địa phương cùng nhà trường quan tâm, tạo mọi điều kiện để em học tập tốt. Nhà trường miễn học phí, hàng xóm người cho quần áo, người cho con cá con tôm, miếng thịt giúp đỡ cô học trò mồ côi ba ấy.

Khó khăn là một chuyện, học là một chuyện. Liên tục từ lớp 1-6 Lý luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lớp 7 em đạt học sinh tiên tiến. “Em sẽ cố gắng học thật tốt, sau này lớn lên thành bác sĩ. Em cũng ước sẽ làm được nhiều tiền để giúp mẹ bớt khổ”, Lý xúc động nói.

Ngọc Huyền đang cho bò ăn - Ảnh: Minh Kỳ
Ngọc Huyền đang cho bò ăn - Ảnh: Minh Kỳ

Vượt khó đến trường

Sau những giờ lên lớp, em Tô Thị Ngọc Huyền, học sinh lớp 8C Trường THCS Phổ Vinh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) lại tất bật làm việc nhà. Dù cuộc sống khá vất vả nhưng em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến của trường.

Huyền là con út trong gia đình có ba chị em gái. Bảy năm trước, mẹ Huyền mắc bệnh bướu cổ, động kinh. Sau đó hai năm, chị gái của Huyền cũng mắc căn bệnh động kinh.

Cả hai mẹ con phải dùng thuốc hằng ngày để ngăn ngừa bệnh trở nặng. Gánh nặng gia đình dồn lên vai ba Huyền là ngư dân Tô Văn Hợi đi bạn trên tàu cá đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.

Hiện hai chị gái của Huyền đang học THPT. “Thời gian gần đây đánh bắt ít cá. Sau cả tháng lênh đênh trên biển chỉ được chia vài trăm nghìn đồng. May là nhà tôi còn có 1,5 sào ruộng mới khỏi đói. Dù khó khăn đến mấy đi nữa, vợ chồng tôi cũng ráng sức cho các cháu đi học với mong muốn cho các con bớt khổ” - mẹ Huyền cho biết.

Sau giờ lên lớp, Huyền vội trở về nhà cắt cỏ cho bò, dọn dẹp nhà và nấu cơm. Do phải chịu cảnh cơ cực từ nhỏ nên Huyền thấp bé so với các bạn cùng lớp. “Cuộc sống thiếu thốn, khá khó khăn nhưng em Huyền vẫn chăm chỉ học tập. Trong bảy năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến” - thầy Nguyễn Đường, hiệu trưởng Trường THCS Phổ Vinh, tự hào về người học trò của mình.

Trong năm học vừa qua, nhà trường đã vận động giáo viên và học sinh chung tay giúp đỡ gia đình Huyền gần 12kg gạo và gần 500.000 đồng. “Ban giám hiệu đang tiếp tục vận động học sinh và giáo viên giúp đỡ gia đình em nhưng sức chỉ có giới hạn” - thầy Đường bộc bạch.

“Em mong muốn mẹ và chị bớt bệnh, cha làm được nhiều tiền để em được tiếp tục đến trường như các bạn” - Huyền đau đáu bày tỏ ước mơ của mình.

Gần 1 tỉ đồng “Tiếp sức con ngư dân đến trường”

Ngày 18-10 tại TP Đà Nẵng, chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” của báo Tuổi Trẻ sẽ trao 306 suất học bổng “Tiếp sức con ngư dân đến trường” dành cho con ngư dân năm tỉnh thành ven biển miền Trung: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Mỗi suất học bổng trị giá 2,5 triệu đồng (học sinh THCS), 3 triệu đồng (học sinh THPT) và 5 triệu đồng (sinh viên).

Kinh phí của đợt trao học bổng này là 975 triệu đồng do Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tài trợ

Sau lễ trao tại TP Đà Nẵng, vào ngày 25-10 chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” sẽ tiếp tục trao học bổng “Tiếp sức con ngư dân đến trường” cho con ngư dân bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Học bổng “Tiếp sức con ngư dân đến trường” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, báo Tuổi Trẻ phối hợp với chín tỉnh, thành đoàn và hội nghề cá chín tỉnh thành ven biển miền Trung từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tổ chức nhằm tuyên dương con ngư dân, đặc biệt là ngư dân đang khai thác, đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, vượt khó và học giỏi.

* Học bổng “Tiếp sức con ngư dân đến trường” dành cho học sinh, sinh viên 5 tỉnh thành ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

* Tài trợ: Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo VN.

T.BÌNH

 

ĐOÀN CƯỜNG - LÊ TRUNG - MINH KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp