02/11/2024 06:30 GMT+7

Ước mơ của chú bé 'chim cánh cụt'

Trong các thí sinh nhận giải cao cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" cấp quốc gia có một đại sứ đặc biệt đến từ Quảng Trị: chú bé không bàn chân lẫn bàn tay từ khi chào đời.

Ước mơ của chú bé 'chim cánh cụt' - Ảnh 1.

Bị thiếu khuyết cả hai bàn tay, bàn chân nhưng Sơn vẫn tích cực tham gia các hoạt động của trường

Cuối tháng 10-2024, tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" cấp quốc gia. Trong các thí sinh nhận giải cao có một cậu bé đặc biệt đến từ Quảng Trị.

Đó là em Hoàng Đức Sơn, học sinh lớp 10A Trường THPT Vĩnh Linh, bị khuyết thiếu cả bàn chân lẫn bàn tay từ khi chào đời.

Trong bài dự thi, Sơn đã viết rất cảm động về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, tấm gương truyền động lực mạnh mẽ cho mình qua cuốn tự truyện Tôi đi học mà mẹ đã mua cho em ngày còn bé.

Từ câu chuyện nghị lực của thầy Ký, Sơn đã tự kể về cuộc vượt khó để đến trường của mình, một cuộc vượt khó gian nan chẳng kém gì hành trình vượt khó của người thầy giáo mà em ngưỡng mộ.

Người thầy đầu tiên

Đối với Sơn, cha mẹ là hai người thầy đầu tiên. Cha em cũng bị khuyết tật giống hệt em, nhưng dù không có bàn tay, bàn chân, anh vẫn luôn sống "tự đứng trên đôi chân của mình".

Sơn kể hồi trẻ cha em là vận động viên từng thi đấu các kỳ Para Games. Sơn luôn thấy cha mình lao động cần cù lo cho gia đình, trong khi mẹ em là nguồn yêu thương, động viên vô bờ bến của hai cha con.

Sơn tâm sự: "Hồi bé, việc tập đi với em không hề dễ dàng vì không có đôi bàn chân. Em đi cứ lảo đảo, ngã lăn ra như chim cánh cụt. Lúc em mới tập đi, da thịt còn quá mỏng, máu rướm ra từng giọt, đau rát. Cha mẹ lấy vải quấn vào chân em để bước đi của con đỡ đau.

Từ khi em còn nhỏ, cha mẹ đã dạy em tự làm việc cho bản thân, dạy em tự đánh răng, tắm rửa, tự xúc cơm ăn, dù chân tay không được như người thường...".

Việc tập viết chữ của Sơn cũng vô cùng gian nan. Ban đầu, em thử kẹp viên phấn giữa hai mu bàn tay nhỏ teo tóp, nhưng em cảm thấy tay mình cứng đờ không chịu nghe theo ý muốn. Vài chục hộp phấn cho cuộc tập viết đầy thử thách chỉ còn là những mẩu vụn gãy nát.

Tập mãi, tập mãi, rồi Sơn cũng quen việc cầm phấn bằng mu bàn tay dù chẳng giống ai. Cha mẹ kiên nhẫn dạy em tập tô các nét ngang, dọc trong khoảng sân láng xi măng trước nhà.

Cha mẹ cũng dạy em không bỏ cuộc, bằng chính sự kiên nhẫn của mình. Họ không chỉ là người thầy truyền cho con trai mình bài học về nghị lực, kỹ năng thích nghi cuộc sống, mà quan trọng nhất là tình yêu thương vô bờ.

Ngoài việc nhà nông, cha mẹ Sơn đi phụ hồ để có thêm thu nhập. Thật khó tưởng tượng một người không có đôi bàn tay lại có thể làm những việc như bê gạch, trộn vữa... để kiếm sống.

"Cha Sơn chịu thương chịu khó lắm. Người ta đi làm thợ hồ được 300.000 đồng, anh đi làm được trả ít hơn nhưng vẫn đi làm miết, làm hết sức để lo cho con", mẹ Sơn tâm sự.

Vì Sơn chào đời mang khuyết tật giống hệt cha, cha mẹ em đã quyết định không sinh thêm con. Tình yêu thương họ dồn cả cho đứa con trai hiểu chuyện và luôn cố gắng vươn lên.

Chín năm Sơn đi học là chín năm đưa đón không quản ngại nắng mưa của cha mẹ em. Sáng nào cha cũng chở em bằng xe máy đến trường rồi mới về đi làm, buổi trưa họ lại thay nhau tới trường đón con về.

Ước mơ của chú bé 'chim cánh cụt' - Ảnh 2.

Cha đưa con đi mua giày nhưng tiệm không thể có đôi nào cho họ

Can đảm bước tới, rồi cánh cửa sẽ mở ra

Sơn không là học sinh xuất sắc, nhưng ý thức vươn lên của em luôn khiến thầy cô giáo vui lòng. Nếu như việc viết chữ luôn là thách thức với Sơn, thì em không gặp trở ngại với việc đọc sách và em coi sách là thầy, là bạn.

Sơn là một trong những học sinh thường xuyên đến thư viện trường để mượn sách về đọc.

Tôi biết Sơn qua lời kể của một cô giáo dạy ở Vĩnh Linh một thời gian trước khi Sơn được trao giải thưởng cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc". Tôi quan tâm đến cậu là một điều gần như hiển nhiên bởi vì tôi là một người cùng cảnh ngộ.

Xem những bức ảnh ngày bé của em, tôi thấy có một bức ảnh cứ níu tâm trí tôi lại. Đó là bức ảnh chụp cha con Sơn khi em 6 tuổi. Người cha bế đứa con trai bé nhỏ ngồi trên chiếc ghế nhựa trong cửa hàng bán giày, đôi mắt ưu tư đăm đăm nhìn về một điểm nào đó.

Bất cứ ai thoạt nhìn bức ảnh cũng nhận ra hai cha con họ đều khuyết cả bàn chân lẫn bàn tay!

Gót chân tròn của họ lộ ra dưới gấu quần như những dấu hỏi lớn. Khi đó, cậu bé Sơn đến tuổi đi học, và cha đưa em tới cửa hàng giày với hy vọng tìm cho con đôi giày phù hợp để đi! Nhưng cửa hàng giày không có một đôi giày nào có thể dành cho em.

Một ý nghĩ hay nói đúng hơn là một niềm tin xuất hiện trong đầu tôi: "Không có đôi giày nào dành cho Sơn, nhưng có thể vẫn có một tương lai tốt đẹp dành cho em, nếu như em thực sự cố gắng".

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ đã biết đến tôi qua loạt phóng sự Không gục ngã. Bị mất vận động một phần đáng kể do căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ gây ra, tôi chỉ được đến trường hết lớp 8.

Từ đó, trong căn phòng rộng 10m2 ở một làng nhỏ của tỉnh Thái Bình tôi đã mày mò tự học tiếng Anh và tất cả những gì có thể học để tự cứu mình. Tôi trở thành tác giả, dịch giả văn học chuyên nghiệp với hơn 60 cuốn sách dịch và 4 cuốn sách sáng tác.

Tôi không những có thể sống một cách vững chãi mà còn có thể góp phần giúp đỡ những học sinh khuyết tật mà tôi biết, khích lệ các em theo đuổi giáo dục như một cách đáng lựa chọn để thay đổi hoàn cảnh.

Trong bài dự thi của mình, Sơn viết ước mơ sau này mở quầy sách nhỏ tại trung tâm Hồ Xá, Vĩnh Linh, nhằm kết nối các bạn khuyết tật yêu thích đọc sách, giúp các bạn gặp gỡ, phát triển kỹ năng qua sách.

Sau lễ trao giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc", tôi nói với Sơn: "Em muốn thực hiện ước mơ đó ngay bây giờ không? Chúng ta hãy cùng biến ước mơ đó thành hiện thực nhé!". Cậu bé Sơn mỉm cười.

Khi tôi chia sẻ câu chuyện vượt khó của Sơn, một người bạn của tôi đã lập tức gửi tặng cậu bộ sưu tập 50 tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới nên đọc trước tuổi 15, trong khi một người bạn khác lên tiếng "tiếp sức" cho Sơn đến trường trong ba năm trung học bằng khoản hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi năm.

Hơn cả giá trị vật chất, sự quan tâm của mọi người là khích lệ quý báu để cậu tiếp tục vươn lên...

Ước mơ của chú bé 'chim cánh cụt' - Ảnh 3.

Sơn cố gắng tập viết khi mới đi học - Ảnh: Thư viện tỉnh Quảng Trị

Đại sứ văn hóa đọc

Cuối năm lớp 9 tại Trường TH và THCS Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, Sơn được thầy cô, đặc biệt là cô thủ thư Trương Thị Thu Hả, khích lệ tham gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc". Là một học sinh thích đọc sách, cậu quyết định thử sức.

Bài dự thi của Sơn có đoạn: "Cảm ơn thầy Ký đã truyền cho em động lực qua những trang sách, cảm ơn các cô ở trường đã nhận em vào học, vì bản thân em không lành lặn, gây nhiều vất vả cho thầy cô hơn".

Và chính em cũng không ngờ bài viết của mình được chấm điểm cao.

Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa

Khi tôi gửi tặng Sơn cuốn tự truyện Cuộc sống không giới hạn của diễn giả không chân không tay Nick Vujicic do chính tôi dịch, tôi đã nhắn nhủ cậu bé kiên cường Hoàng Đức Sơn rằng:

"Cô tin rằng con có đủ sức mạnh để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Cô cũng tin rằng con sinh ra trên đời này có một sứ mệnh. Đó là nhắc nhở những người có đủ hai bàn tay cố gắng vươn lên mỗi ngày, quý trọng những gì mình đang có, và vào những lúc cần thiết hãy chìa bàn tay ra với những người đang cần được giúp đỡ".

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi muốn khích lệ Sơn can đảm mở những cánh cửa để bước vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Hy vọng rằng ngoài gia đình giàu tình yêu thương của em, thế giới sách cùng những người bạn, người thầy trong cuộc sống sẽ nâng bước cho em tìm tới những cánh cửa đó.

Ước mơ của chú bé 'chim cánh cụt' - Ảnh 4.Chàng trai 'chim cánh cụt' truyền nghị lực sống

TTO - Với hai mỏm cụt còn lại, Phúc tự làm các công đoạn, lắp đặt sản phẩm, đóng gói, gửi hàng và quay clip truyền cảm hứng trên mạng xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp