Từ trái qua: Huy Hoàng, Sơn Đỉnh và ông Trần Đức Phấn tại sân bay Nội Bài - Ảnh: K.XUÂN
Chiều 20-10, đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic trẻ năm 2018 tại Argentina đã về đến Hà Nội.
"Tôi không cần đi Mỹ tập huấn"
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng - HCV 800m tự do - cho biết ngay tối cùng ngày anh phải bay vào Cần Thơ để tập luyện. Huy Hoàng nói anh phải chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc nên không thể về thăm bố mẹ tại Quảng Bình.
Để có được HCV Olympic trẻ, Huy Hoàng cho biết trong 3 năm qua anh dường như không được nghỉ ngơi, chỉ có tập luyện và tập luyện. Tại Trung tâm thể thao quốc gia Cần Thơ, Huy Hoàng được sự hỗ trợ của nhiều HLV, trong đó người trực tiếp huấn luyện anh là HLV Hoàng Vũ (Việt Nam), còn chuyên gia Hoàng Quốc Huy (Trung Quốc) là người chỉ đạo chung, lên giáo án huấn luyện.
"Trong số các HLV thì HLV Hoàng Vũ là người hỗ trợ tôi nhiều nhất, không có thầy thì tôi không thể có được thành tích này" - Huy Hoàng nói.
Theo Huy Hoàng, anh không nghĩ tới việc đi Mỹ tập huấn như đàn chị Ánh Viên. Huy Hoàng chia sẻ: "Tôi mong muốn sau thành tích mang về cho thể thao Việt Nam, mình sẽ được mọi người chú ý hơn và giúp tôi có thêm tài trợ để có điều kiện tập luyện tốt nhất. Tôi không quan tâm việc đi nước ngoài tập huấn bởi ở đâu có hồ bơi tốt là tôi có thể tập luyện.
Tôi mong được ăn uống đủ chất để đảm bảo sức khỏe cho việc tập luyện. Hiện ở Cần Thơ, chúng tôi được ăn no nhưng để đủ dinh dưỡng thì chưa và điều này ảnh hưởng đến việc phát triển thành tích".
Đón Huy Hoàng tại sân bay Nội Bài, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đã gửi lời chúc mừng và trao cho Huy Hoàng 30 triệu đồng tiền thưởng.
"Nếu không là VĐV, tôi đã đi biển đánh cá"
Đó là tâm sự của lực sĩ Ngô Sơn Đỉnh sau khi giành HCV Olympic trẻ hạng 56kg ở môn cử tạ, với thành tích 262kg. Sơn Đỉnh cho biết đến giờ này anh cũng không nghĩ mình có thể bước lên bậc cao nhất của đại hội Olympic trẻ. Bốn năm trước, nếu như không đi theo nghiệp thể thao, Sơn Đỉnh đã trở thành một ngư dân đi biển đánh cá để kiếm sống.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tiền Giang, Sơn Đỉnh cho biết gia đình anh có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Mẹ buôn bán nhỏ, cha quanh năm vắng nhà vì đi biển, cuộc sống vô cùng khốn khó. Cậu bé Sơn Đỉnh đen nhẻm lúc đó chẳng có mơ ước gì ngoài suy nghĩ lớn lên sẽ đi biển đánh cá giống cha mình. Cho đến một ngày anh được các HLV tuyển chọn đi tập tạ, và cuộc đời Đỉnh rẽ sang hướng khác.
Sơn Đỉnh tâm sự: "Năm tôi 13 tuổi, chuyên gia của đội cử tạ Việt Nam Trần Gia Toàn về trường cấp II tuyển VĐV cho đội cử tạ và tôi trúng tuyển. Lúc đó tôi không biết tập tạ thế nào nhưng nghe nói đi theo thể thao được Nhà nước lo cho ăn học nên cha mẹ tôi cũng không phản đối gì. Tôi tập được 4 năm và thấy rất vui với môn này. Nếu không theo thể thao, tôi sẽ đi biển đánh cá. Giờ có thành tích, tôi muốn thi đấu tiếp để mang huy chương về cho Tổ quốc và giúp đỡ gia đình".
HCV Olympic trẻ chưa phản ánh được điều gì
Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic trẻ 2018 - cho biết với 2 HCV, 1 HCB, đứng vị trí 26 trên bảng xếp hạng, đoàn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Dù vậy, ông Phấn cũng thẳng thắn cho rằng thành tích ở đấu trường Olympic trẻ chưa phản ánh điều gì và càng không thể so sánh với thành tích ở đấu trường Olympic. Muốn có HCV Asiad, huy chương Olympic, đòi hỏi sự đầu tư và khổ luyện rất lớn.
Ông Phấn cho biết: "Thành công nhất tại đại hội chính là các VĐV đã vượt qua chính mình. Tuy nhiên, ngay sau thành tích này chúng ta cũng phải đối mặt với những lo lắng mới. Cụ thể, do môn cử tạ nội dung 56kg nam sẽ bị loại khỏi chương trình thi đấu nên Sơn Đỉnh buộc phải đôn lên thi đấu ở hạng cao hơn mà độ khó vì thế lại càng lớn.
Sau thành tích đã đạt được, Huy Hoàng, Sơn Đỉnh phải có kế hoạch đầu tư dài hơi, trọng điểm để hướng tới đạt chuẩn Olympic cũng như giành HCV ở Asiad 2022".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận