Trước khi có Thông tư về 'tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các loại hình báo chí' của Bộ Thông tin truyền thông, thì bản thân Đài truyền hình trung ương đã tự có trách nhiệm ‘dán nhãn’ các chương trình không phù hợp với trẻ em.
VTV có Ban thanh thiếu niên (VTV6), Kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7) chuyên sản xuất các chương trình riêng cho thanh, thiếu niên Việt Nam.
Tuy nhiên, khi truyền hình đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp với các đơn vị tư nhân sản xuất chương trình, tình trạng mất kiểm soát nội dung bắt đầu xảy ra.
Kênh VTV3 sau khi lấn sân sản xuất các chương trình dành cho thiếu nhi, đã tạo nên nhiều chương trình hấp hẫn, nhưng thiếu thân thiện với trẻ em.
Nội dung các chương trình giải trí dành cho trẻ em ở VTV3 bắt đầu ở ngưỡng cảnh báo ‘đỏ’ khi khuyến khích trẻ em hát ca khúc người lớn, thực hiện các vũ đạo của người lớn.
Càng về sau các chương trình càng có xu hướng khai thác trẻ em triệt để. Như Gương mặt thân quen, không chỉ yêu cầu thí sinh hát mà còn phải hóa trang cả ngoại hình giống các ca sĩ người lớn, yêu cầu các bé trai giả gái.
Nhiều khán giả không khỏi ngạc nhiên khi nhìn một bé gái hóa trang già dặn và hát như nữ danh ca Thanh Lam.
Ngoài ra, giờ phát sóng cũng rất có vấn đề. Những chương trình hấp dẫn cả người lớn và thiếu nhi như Bước nhảy hoàn vũ nhí, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí… thường xuyên được xếp khung giờ từ 21h đến 23h.
Đây không phải khung giờ phù hợp với khán giả nhỏ tuổi, và cũng không phù hợp cho những thí sinh nhí phải tham gia biểu diễn trực tiếp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV cho biết VTV đang triển khai ‘dán nhãn’ cảnh báo các chương trình có nội dung không phù hợp với trẻ em theo Thông tư của Bộ Thông tin truyền thông.
Đài chọn hình thức cảnh báo bằng chữ, kéo dài trong vòng 5 giây với các chương trình có nội dung không phù hợp với trẻ em. Chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định của Bộ Thông tin truyền thông bắt đầu từ ngày 1-10-2017.
Ông Hà Nam - trưởng ban Thư ký biên tập VTV
Chương trình có tính giáo dục trên kênh VTV7: Cuốn sách của em
Khi Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi: "Trước ý kiến dư luận về việc các chương trình truyền hình thực tế, game show phát sóng trên VTV hiện nay cho phép trẻ em hát ca khúc người lớn, nhảy vũ đạo người lớn, phía VTV kiểm soát vấn đề này thế nào?".
Ông Hà Nam cho biết: "Chúng tôi đã nhận được những phản hồi đó và đã thường xuyên yêu cầu các đối tác sản xuất và các đơn vị chịu trách nhiệm nội dung của đài phải rà soát để điều chỉnh, thay thế hoặc cắt bỏ".
Với câu hỏi: "VTV có quy định nào yêu cầu các chương trình không cho trẻ em hát ca khúc người lớn, nhảy vũ đạo của người lớn?", ông Hà Nam cho biết: "Quan trọng là rà soát nội dung từng chương trình, từng bài hát. Chứ nếu không cho hát ca khúc người lớn thì không chính xác lắm".
Thật không thể chấp nhận được người lớn lấy trẻ em ra làm công cụ kiếm tiền. Không biết gia đình các em nghĩ gì khi để các em tham gia những chương trình không phù hợp đó. Tôi coi nhiều chương trình tivi dành cho trẻ em mà nhiều lúc ngượng tím cả mặt!
Độc giả Văn Long
Không cho con đi thi, không cho con xem tivi
Năm 2012, gia đình của thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Anh đã gửi đơn đến Quốc hội tố cáo Ban tổ chức Vietnam's Got Talent cắt ghép tiết mục của cô bé này, khiến câu chuyện cô bé đi thi trở nên lố bịch, gây ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý của cô bé.
Câu chuyện này sau đó đã khép lại, nhưng cũng cho thấy nhiều góc khuất của truyền hình thực tế.
Năm 2013, cộng đồng mạng cũng xôn xao với nhật ký Tôi cho con đi thi The Voice kids của một ông bố. Mà sau khi đọc hết hành trình này, nhiều bậc cha mẹ đã hiểu ra để có được những màn trình diễn hay trên sân khấu, những đứa trẻ tham gia chương trình và cha mẹ của chúng đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Một nghệ sĩ (giấu tên) cho biết sau khi cho con tham dự chương trình The Voice kids, dù biết con rất yêu thích chương trình này, nhưng chứng kiến guồng quay công nghệ của truyền hình thực tế thì gia đình tự nhủ sẽ ‘chỉ cho con đi thi một lần là đủ’.
Dẫu vậy, các chương trình truyền hình thực tế, game show vẫn liên tục phát triển, và vẫn tiếp tục thu hút đông đảo khán giả xem truyền hình.
Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ các gia đình đã quyết định không cho con cái xem các chương trình truyền hình giải trí cuối tuần.
Một chương trình có tính giáo dục trên kênh VTV7: Mẹ ơi tại sao
Trong loạt bài về vấn đề này của Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc cho biết họ đã quyết định không cho con xem truyền hình vì lo ngại các nội dung không phù hợp với con em của họ.
Độc giả tên Như đã bình luận dưới bài viết ‘Trẻ con đang làm gì trên sóng truyền hình?’:
"Có sự tiếp tay rất lớn của phụ huynh, con trẻ thì chưa hiểu biết gì còn phụ huynh thì khuyến khích con mình để được nổi tiếng sớm. Bản thân mình không đồng ý cho con tham gia khi xét thấy nội dung không phù hợp, cũng như không cho con xem những chương trình như vậy".
Độc giả Spec bình luận dưới bài viết 'Ai bảo vệ trẻ em khi sóng giờ vàng dành cho mọi lứa tuổi?': "Gia đình nhỏ của tôi hầu như không xem chương trình của đài truyền hình nữa (trừ tôi xem tin tức khi rảnh) vì có vài nội dung không phù hợp với các cháu".
Có nhiều ý kiến cho rằng, có một bộ phận rất lớn khán giả ngày nay cổ vũ cho các chương trình truyền hình trong đó thiếu nhi hát nhạc và nhảy vũ đạo của người lớn. Các gia đình cũng phải có trách nhiệm trong việc giáo dục, tự bảo vệ con cái của mình.
Tất cả quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức xã hội, gia đình, thậm chí cả trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em trước các phương tiện thông tin truyền thông đã có quy định đầy đủ trong Luật trẻ em 2016.
Thông tư về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các loại hình báo chí của Bộ Thông tin truyền thông ra đời là bước cụ thể hóa của luật này.
Luật trẻ em 2016
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
11. Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Điều 21. Quyền bí mật đời sống riêng tư
1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Điều 46. Bảo đảm thông tin, truyền thông cho trẻ em
2. Các cơ quan thông tin, xuất bản phải dành tỷ lệ nội dung, thời Điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp cho trẻ em.
Thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng.
Điều 54. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận