Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Thuận) lượm rác trên bãi biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: TỰ TRUNG
Hát hò làm phiền hàng xóm, xả rác mọi lúc mọi nơi, 2kg đậu ngự giá 100.000 đồng được ", say rượu lái xe gây tai nạn chết người, chuyện chen lấn giành chỗ tại các điểm du lịch... - những chuyện tưởng không liên quan nhau nhưng cùng nguyên do từ thói ích kỷ, kiểu nghĩ và hành xử tiện lợi cho mình, bất chấp hành xử văn minh cần thiết trong cộng đồng.
Chỉ vì mình
Tuy không muốn so sánh với các nước khác, thật khó tránh khỏi suy nghĩ: vì sao chúng ta cứ như đàn ong vỡ tổ mỗi khi tham gia giao thông?
Lễ hội, nơi đông người, càng đông càng hỗn loạn. Mọi nơi sẽ trật tự hơn nhiều nếu mọi người cùng thực hiện những nguyên tắc cơ bản khi mua sắm, vui chơi, đi lại.
Vì sao chúng ta luôn vội vã, thiếu kiên nhẫn vài chục giây để rồi ngồi hàng giờ trong quán cà phê? Tại sao không thể từ tốn xếp hàng chờ đến lượt mình mà phải cắt hàng, chen lên phía trước người khác?
Và cộng đồng phải chịu đựng nhau thay vì có thể lên tiếng, nhắc nhở, không khoan nhượng cho những hành động thiếu văn minh này?
Người Việt quen gọi nhau í ới, nói chuyện oang oang nơi công cộng, thích đưa loa ra ngoài đường ăn uống rồi hát hò. Đến danh lam thắng cảnh, người ta thích viết, vẽ đủ thứ lên tường, cửa, đồ vật... thuộc về di tích; rồi vô tư bứt hoa, bẻ lá làm "đạo cụ" để chụp hình rồi để lại rác thải từ đồ ăn, thức uống...
Nạn "chặt chém" du khách, niêm yết giá một đằng tính tiền một nẻo xảy ra nhan nhản, bán hàng chất lượng kém tràn lan... chính là biểu hiện kiểu vụ lợi cá nhân.
Thêm một vụ tử vong vì giao thông có liên quan đến tài xế lái xe khi say rượu, dư luận lại nêu vấn đề luật pháp về vấn đề này chưa đủ mạnh để răn đe. Nghĩ cho cùng, việc này trước hết cũng là một kiểu hành xử tùy thích, thiếu ý thức vì cộng đồng.
Hi vọng tương lai
Tôi có dịp trò chuyện với người Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), họ nói: trong quá khứ, điều tương tự cũng xảy ra ở nước họ. Chính phủ đã mạnh tay trong giáo dục, tuyên truyền lẫn xử phạt.
Sau mấy mươi năm, tinh thần "một người vì mọi người" thấm dần và mọi người tuân thủ nguyên tắc ứng xử vì cộng đồng văn minh.
Vậy nên, đừng ngạc nhiên nếu bạn nhìn thấy bên trong chiếc ôtô của ai đó, trong túi áo quần mỗi người chứa không ít rác hay những vật cần bỏ đi, thậm chí nhà cửa có bộn bề đôi chút nhưng họ tuyệt đối chỉ mang rác đã được phân loại và bỏ đúng nơi quy định.
Hình ảnh người Nhật, người Hàn đứng chen chúc trong tàu điện ngầm, xe buýt không phải lạ, nhưng họ xếp hàng đợi tới lượt chứ không tranh lối đi với người khác. Dù vậy, hiện nay trên các chuyến tàu điện ngầm của Hàn Quốc vẫn chiếu các video nhắc nhở người dân về tác phong ngồi, đứng sao cho không ảnh hưởng tới người khác.
Ở Đài Loan, các ghế ngồi ưu tiên cho người già, người khuyết tật, trẻ em, thai phụ cả trên tàu điện lẫn xe buýt đều được tuân thủ nghiêm chỉnh bằng lòng tự trọng của mỗi người. Còn người Nhật, thậm chí trong thiên tai, nạn nhân vẫn kiên nhẫn xếp hàng nhận nhu yếu phẩm.
Ông bà ta dạy con cháu tôn trọng người khác, kính trên nhường dưới, dạy cách đi đứng, trong bữa ăn, việc giao tế... từ sự noi gương của người lớn. Giờ càng cần hơn những bài học nêu gương này, nhất là nơi công cộng.
Trẻ ngày nay sẽ học gì khi mỗi ngày ba mẹ chen làn, vượt đèn đỏ, leo lên lề?
Thiếu những hành xử văn minh sẽ không thể có nhiều người văn minh. Ai cũng mong môi trường sống của chúng ta sẽ văn minh hơn, mọi người vì cộng đồng nhưng rất khó có điều đó khi khắp nơi đầy các kiểu ứng xử chỉ cho mình, chỉ vì mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận