03/01/2020 06:48 GMT+7

Ứng xử sao với tài liệu mật?

TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP
TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP

TTO - Không ít vụ án được đưa ra xét xử gần đây cho thấy cho đến khi các cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử, "bức màn đen" về tài liệu mật mới được tiết lộ.

Ứng xử sao với tài liệu mật? - Ảnh 1.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu "mật", gây khó khăn, lúng túng trong việc sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Trước đó, những gì dư luận biết về các hợp đồng mua bán, giao dịch giữa các cơ quan, doanh nghiệp chỉ là con số 0 bởi chúng được bảo vệ bởi quy định nghiêm ngặt về tài liệu mật, tuyệt mật. Vậy những thông tin nào được xếp vào danh mục mật và ứng xử như thế nào với các tài liệu này?

"Núp bóng" tài liệu mật

Cụ thể, theo cáo trạng, dù biết thực tế AVG đang làm ăn thua lỗ nhưng đầu năm 2015, ông Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo ông Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp) lên kế hoạch để MobiFone mua lại AVG. 

Sau đó, đề xuất hai doanh nghiệp này không thông tin, không tuyên truyền dự án và đưa giao dịch đó vào danh mục "mật" của Nhà nước.

Trong phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn khai năm 2016, khi nhận nhiệm vụ bộ trưởng, ông có yêu cầu rà soát thì Bộ Thông tin và truyền thông chưa có danh mục tài liệu mật. 

Sau đó ông Tuấn yêu cầu Vụ Pháp chế đề nghị Bộ Công an lập danh mục tài liệu mật. Việc đề xuất đưa giao dịch MobiFone - AVG vào danh mục tài liệu mật là theo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, ông Tuấn là người ký văn bản gửi Bộ Công an liên quan đề xuất này.

Theo cáo trạng, việc MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước, nhưng ông Nguyễn Bắc Son và các bị cáo đã đưa giao dịch này thuộc danh mục "mật" là trái quy định.

Không chỉ nhiều vụ án, hợp đồng được "cộp dấu mật", mà thậm chí một số vấn đề thảo luận công khai trước Quốc hội nhưng tài liệu lại đóng dấu "mật". Mới đây, tại phiên họp thứ 40 diễn ra vào sáng 18-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. 

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc tổ chức kỳ họp thứ 8 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đó là: Một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. 

Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp. Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu "mật", gây khó khăn, lúng túng trong việc sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí.

Ngoài ra trong hồ sơ vụ án liên quan đến sai phạm của ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 4 đồng phạm cũng có nhiều văn bản mật chưa được giải mật khiến nhiều luật sư bào chữa cho các bị can, bị cáo này băn khoăn khi hoạt động bào chữa, bảo vệ thân chủ và có khả năng hạn chế quyền bào chữa của người bào chữa, quyền tự bào chữa của bị cáo. Các luật sư cũng kiến nghị cơ quan chức năng giải mật các tài liệu là chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên, đến nay (khi vụ án được đưa ra xét xử) các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa có văn bản trả lời các luật sư hướng xử lý, sử dụng các văn bản, tài liệu mật này ra sao, các luật sư sẽ sử dụng các văn bản này như thế nào trong việc bào chữa cho các bị cáo.

Ứng xử sao với tài liệu mật? - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư TP.HCM)

Việc xác định một thông tin, tài liệu là mật hay không mật thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật chứ không phải được đưa ra một cách tùy tiện.

Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư TP.HCM)

Vén "bức màn" bí mật

Theo luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư Bình Phước), hiện nay Luật bảo vệ bí mật nhà nước đã định nghĩa cụ thể bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Luật tiếp cận thông tin cũng quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin khi không thuộc các trường hợp: thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Như vậy, việc xác định một thông tin, tài liệu là mật phải căn cứ vào pháp luật chứ không phải được đưa ra một cách tùy tiện. Chỉ những thông tin thuộc các trường hợp quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước mà nếu công khai có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì mới được xem là thông tin mật. 

Thực tế có những trường hợp người đứng đầu cơ quan, nhà nước tùy tiện xác định một tài liệu nào đó là mật để cản trở việc tiếp cận thông tin cho cá nhân, tổ chức là trái với quy định của luật.

Theo luật sư Nam, hiện nay pháp luật đã quy định khá rõ ràng về các trường hợp nào là thuộc lĩnh vực mật, tối mật, tuyệt mật. Vấn đề là việc thực hiện vẫn còn có sự tùy tiện.

Ngoài ra, pháp luật chưa quy định về trách nhiệm pháp lý, các biện pháp xử phạt các cá nhân, tổ chức khi quyết định một văn bản là mật nhưng nội dung văn bản không chứa thông tin mật. 

Vì vậy, nên chăng pháp luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi công bố danh sách tài liệu mật không phù hợp với quy định pháp luật. Phải có biện pháp xử phạt, kỷ luật và buộc phải giải mật khi bị phát hiện việc công bố mật sai...

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng luật quy định rất rõ về hành vi bị nghiêm cấm khi lạm dụng dấu mật để ngăn cản quyền tiếp cận thông tin đối với người dân nhưng thực tế hiện nay nhiều nơi vẫn lạm dụng việc đóng dấu mật vào các văn bản, vụ AVG là một ví dụ. 

Việc đóng dấu mật này nếu gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại. Còn nếu gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ quan nhà nước thì phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự.

Đại biểu Vân cho rằng: "Không chỉ trong các vụ mua bán, hay các giao dịch bị lạm dụng dấu mật, mà ngay cả các báo cáo cho Quốc hội cũng bị lạm dụng dấu mật khiến việc khai thác, sử dụng các thông tin từ các văn bản này còn hạn chế. 

Theo tôi, cần có chế tài mạnh mẽ với những người cố tình làm sai này để giữ nghiêm luật pháp. Nếu còn du di thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy".

Chỉ những thông tin thuộc các trường hợp quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước mà nếu công khai có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì mới được xem là thông tin mật.

Video: Ông Trương Minh Tuấn khai về việc bị chỉ đạo đưa vụ mua AVG vào Video: Ông Trương Minh Tuấn khai về việc bị chỉ đạo đưa vụ mua AVG vào 'tài liệu mật'

TTO - Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá 8.900 tỉ đồng từ khi bắt đầu đến khi bị phát giác, khởi tố bị bao phủ bởi tấm màn đen "tài liệu mật". Tại tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn khai đây là chỉ đạo của cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp