29/09/2024 19:57 GMT+7

Ứng xử ra sao với biệt thự trăm tuổi 'lầu ông phủ Thanh'?

Biệt thự trăm tuổi 'lầu ông phủ Thanh' ở Biên Hòa, Đồng Nai không chỉ là một di sản văn hóa quý giá mà còn là một điểm đến tiềm năng cho du lịch. Để khai thác hiệu quả công trình này, cần một giải pháp đồng bộ, bao gồm nhiều lĩnh vực.

Ứng xử ra sao với biệt thự trăm tuổi 'lầu ông phủ Thanh'? - Ảnh 1.

Sau khi Tỉnh ủy Đồng Nai có chủ trương giữ lại biệt thự của đốc phủ Võ Hà Thanh, Sở Xây dựng đã đề xuất 4 phương án để bảo tồn biệt thự trăm tuổi này - Ảnh: A LỘC

Sau khi Tỉnh ủy Đồng Nai có chủ trương giữ lại biệt thự của đốc phủ Võ Hà Thanh (lầu ông phủ Thanh), Sở Xây dựng tỉnh này đã đề xuất bốn phương án để bảo tồn. 

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của kiến trúc sư Phạm Kiều Anh về việc làm sao khai thác hiệu quả biệt thự trăm năm đẹp nhất Đồng Nai này.

Xã hội hóa trùng tu biệt thự cổ

Biệt thự cổ "lầu ông phủ Thanh" không chỉ là một di sản văn hóa quý giá mà còn là một điểm đến tiềm năng cho du lịch. Để khai thác hiệu quả công trình này, cần một giải pháp đồng bộ, bao gồm nhiều lĩnh vực.

Đầu tiên, cần sửa chữa và phục hồi công trình chính, nội thất cùng cảnh quan sân vườn: Việc phục hồi lầu ông phủ Thanh là cơ sở để có thể bảo tồn công trình lâu dài và phát huy tối đa giá trị di tích.

Có thể tổ chức các đợt khảo sát mở rộng, hội thảo hoặc cuộc thi chuyên ngành để giới chuyên môn cùng nghiên cứu và đưa ra giải pháp bảo tồn, nhằm giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc và giá trị văn hóa của công trình. 

Đề xuất việc xã hội hóa để nhiều người cùng đóng góp kinh phí cho công tác trùng tu. Điều này không chỉ giúp bảo vệ di sản mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch bền vững. 

Những người đã chung tay trong công cuộc bảo vệ nhất định sẽ giới thiệu di sản này với gia đình và bạn bè của họ.

Thứ hai, tăng cường quảng bá: Cần có các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo về lầu ông phủ Thanh thông qua các kênh truyền thông xã hội, website du lịch và các sự kiện văn hóa. Không chỉ nói đến vẻ đẹp bên ngoài, vật liệu nhập khẩu cao cấp, mà phải tập trung vào giới thiệu các giá trị mang tính lịch sử. 

Theo nhận xét của các chuyên gia, đây là một ví dụ xuất sắc và điển hình cho thấy lối sống của người Việt đã biến đổi thế nào trong xã hội thuộc địa. 

Bề ngoài, ngôi nhà như phản ánh thị hiếu chung của tầng lớp người Việt có "của ăn của để", chịu ảnh hưởng của phương Tây trong việc xây cất ngôi nhà mình.

Nhưng bên trong nhà là một thế giới khác vẫn giữ nguyên vẹn các đặc điểm của bố cục truyền thống trong một phần không gian của nó. 

Việc quảng bá cũng cần được thiết kế để hướng tới giới trẻ cả trong và ngoài nước - những khách hàng năng động và nhiều tiềm năng nhất.

Kết nối biệt thự cổ với toàn tuyến du lịch

Thứ ba, phát triển dịch vụ du lịch: Việc quan trọng nhất là phải kết hợp được điểm tham quan lầu ông phủ Thanh với các tuyến du lịch trong khu vực Biên Hòa, Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận. 

Công trình nằm ở ven sông nên việc giao thông rất thuận lợi nếu quy hoạch xây dựng thêm một bến thủy nội địa gần đó. 

Các dịch vụ như hướng dẫn số hóa, quán cà phê kiểu xưa và một số vật lưu niệm riêng cũng nên được phát triển để nâng cao trải nghiệm của du khách.

Qua việc giới thiệu ngôi nhà và câu chuyện về chủ nhân của nó lồng ghép với trong bức tranh kiến trúc - đô thị Biên Hòa thời kỳ đầu thế kỷ 20, du khách sẽ hiểu thêm về giá trị văn hóa của công trình. 

Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện, các hoạt động như triển lãm nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc truyền thống hay các lễ hội văn hóa sẽ tạo ra không khí sôi động và hấp dẫn, sẽ giúp thu hút đông đảo du khách.

Thứ tư, hợp tác với gia tộc họ Võ và cộng đồng địa phương: Căn nhà ngay từ khi xây dựng đã có một không gian thờ tự trang trọng. Hiện nay con cháu của ông phủ Thanh cũng một lòng muốn gìn giữ, tôn tạo nhà thờ họ. 

Khuyến khích sự tham gia của gia tộc họ Võ cũng như cộng đồng địa phương sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn cho việc bảo tồn lầu ông phủ Thanh trong tương lai lâu dài. 

Họ không những đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa địa phương, mà còn có thể tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên tình cảm gắn bó và sự hiểu biết sâu sắc về di tích.

Cuối cùng, đảm bảo tính khả thi: Năm 2017, khi tiến hành quy hoạch tuyến du lịch đường sông, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai có đề xuất đưa công trình lầu ông phủ Thanh vào danh sách lập hồ sơ di tích, nhưng những người chủ công trình đã từ chối. 

Chính vì thế, công trình đã không được giữ lại khi lập quy hoạch và thiết kế tuyến đường ven sông Đồng Nai, dẫn đến việc suýt bị phá dỡ như vừa qua. 

Các dự án du lịch luôn cần vốn ban đầu lớn và vận hành lâu dài ổn định. Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm trùng tu và quảng bá bằng cách tạo ra một hành lang pháp lý về công nhận di tích, quyền sở hữu và quản lý khai thác công trình.

Nếu chúng ta thực hiện những biện pháp toàn diện từ kinh tế kỹ thuật đến pháp lý này, lầu ông phủ Thanh có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của Biên Hòa, Đồng Nai.

5 giải pháp để biến biệt thự trăm tuổi thành điểm đến hấp dẫn - Ảnh 4.Biệt thự cổ của đốc phủ Võ Hà Thanh và giá trị con đường ven sông Đồng Nai

Chủ trương giữ lại biệt thự cổ trăm tuổi (nhà lầu ông Phủ) để bảo tồn của Đồng Nai hứa hẹn nơi đây trở thành một địa điểm tham quan nổi bật trên tuyến đường du lịch thủy - bộ ven sông Đồng Nai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp