24/12/2024 14:52 GMT+7

Ứng xử khi va chạm giao thông: Đừng để một phút nóng giận gây hối tiếc cả đời

Khi xảy ra va chạm giao thông, sự mất bình tĩnh và cách ứng xử không phù hợp dễ dẫn đến xung đột. Do vậy đừng vì một phút nóng giận mà hối tiếc cả đời.

Ứng xử khi va chạm giao thông: Đừng để 1 phút nóng giận gây hối tiếc cả đời - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: T.P.

Ngày 24-12, báo Tiền Phong phối hợp Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức tọa đàm "Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông".

Chương trình diễn ra trong bối cảnh thời gian qua có nhiều vụ việc hành xử không đúng mực khi tham gia giao thông gây bức xúc trong dư luận.

"Khi có va chạm, xung đột, sinh viên thường yếu thế"

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ hiện nay một số người mang theo hung khí và sẵn sàng đối đầu trong các tình huống va chạm giao thông.

Vì vậy, vấn đề an toàn của các sinh viên khi tham gia giao thông thường được nhiều thầy cô trong trường đại học quan tâm.

"Mỗi lần nhận cuộc gọi từ phòng công tác sinh viên, đặc biệt vào ban đêm, tôi luôn lo lắng về các tai nạn hoặc rủi ro có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của các em khi tham gia giao thông", ông Tuấn bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh người chịu thiệt hại đầu tiên chính là những người trực tiếp tham gia vào vụ việc. Những tổn thất về sức khỏe và tính mạng là không thể bù đắp.

Ngoài ra, phần lớn sinh viên hiện nay vẫn đang sống phụ thuộc vào gia đình, với nguồn tài chính chỉ vừa đủ chi tiêu hằng tháng. Do đó, nếu bị xử lý trong các vụ va chạm giao thông, các em sẽ phải đối mặt với các hình thức xử phạt cụ thể, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế cá nhân và gia đình.

Trường hợp bị tạm giữ bằng lái xe còn có thể làm gián đoạn việc đi lại, học tập và các hoạt động khác của sinh viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, hiện Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp sinh viên bạo hành hay xung đột trong giao thông. Tuy nhiên, ông lưu ý các sinh viên mặc đồng phục của trường thường ở thế yếu trong các vụ va chạm giao thông, đặc biệt là các em năm nhất.

Do đó ý thức chính là yếu tố quan trọng nhất. Nếu giữ thái độ điềm đạm và khiêm tốn, các sinh viên có thể vượt qua được những tình huống không mong muốn.

Ứng xử khi va chạm giao thông: Đừng để 1 phút nóng giận gây hối tiếc cả đời - Ảnh 3.

Thượng tá Lê Văn Hải - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM - trao đổi với sinh viên - Ảnh: T.P.

Nếu sai, sẵn sàng nhận lỗi

Tại buổi tọa đàm, thượng tá Lê Văn Hải - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM - lưu ý các vụ ẩu đả và va chạm giao thông gần đây không thể chỉ quy về nguyên nhân áp lực kẹt xe hay tắc đường, mà cốt lõi xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.

"Người tham gia giao thông thường có tâm lý sợ trễ giờ, muốn đi nhanh về sớm, dẫn đến hành vi lấn làn, chạy lên vỉa hè. Khi xảy ra va chạm, sự mất bình tĩnh và cách ứng xử không phù hợp là yếu tố dẫn đến các vụ xung đột", thượng tá Hải chia sẻ.

Ông cũng cho biết TP.HCM hiện có lưu lượng phương tiện rất lớn, với hơn 10 triệu xe, trong đó khoảng 9 triệu xe mô tô và 1 triệu xe ô tô, chưa kể các phương tiện khác từ các địa phương đổ về. Điều này đòi hỏi người dân phải nâng cao ý thức và tuân thủ quy định giao thông.

Thượng tá Hải khuyến cáo khi xảy ra va chạm giao thông, người dân cần giữ bình tĩnh, nhanh chóng thỏa thuận, giải quyết vụ việc và di chuyển phương tiện để tránh cản trở giao thông. Nếu có người bị thương, cần ưu tiên đưa nạn nhân đến nơi an toàn và báo cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Ngoài ra, việc chụp ảnh, quay phim hiện trường và thu thập chứng cứ sẽ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình giải quyết vụ việc. Ông cũng nhắc người tham gia giao thông không nên rời khỏi hiện trường khi chưa có sự đồng ý của các bên liên quan.

"Luôn sẵn sàng nhận lỗi nếu sai. Bạo lực không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Đừng để một phút nóng giận dẫn đến những hậu quả phải hối tiếc cả đời", thượng tá Hải khuyến nghị.

Ứng xử khi va chạm giao thông: Đừng để 1 phút nóng giận gây hối tiếc cả đời - Ảnh 4.

Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM - nêu ý kiến tại tọa đàm - Ảnh: T.P.

Từ va chạm giao thông nhỏ đến giết người

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, pháp luật đã quy định rõ ràng các chế tài đối với những hành vi vi phạm do thiếu kiềm chế khi tham gia giao thông. Các hành vi như "cố ý gây thương tích", "gây rối trật tự công cộng" hay "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" đều có thể bị xử lý nghiêm.

Luật sư Tuấn cũng cảnh báo đôi khi chỉ một va chạm giao thông nhỏ cũng có thể dẫn đến hành vi nghiêm trọng như "giết người" với khung hình phạt cao nhất, lên đến chung thân hoặc tử hình.

Ông nhấn mạnh: "Hậu quả từ cơn nóng giận luôn nghiêm trọng hơn nguyên nhân của nó. Va chạm giao thông thường là lỗi vô ý, vì vậy cần giữ bình tĩnh và kiềm chế để giải quyết một cách hòa nhã".

Sinh viên mặc đồng phục thường ở thế yếu khi va chạm giao thông - Ảnh 5.Vì sao tình trạng thanh thiếu niên gây rối, vi phạm giao thông lại nóng?

Thời gian gần đây công an ở Hà Tĩnh đã kịp thời ngăn chặn các nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, triệu tập hàng chục thanh thiếu niên để xử lý vi phạm. Dư luận đặt câu hỏi vì sao tình trạng này lại "nóng".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp