Naima Khairiya Ismah (17 tuổi) cho biết cô bị “tấn công” bởi các bài đăng trên mạng xã hội của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia, trước khi cô kịp suy nghĩ xem mình sẽ bỏ phiếu cho ai.
Khi ba ứng cử viên cạnh tranh để thay thế vị trí ông Joko Widodo, họ đã tích cực “lấy lòng” các cử tri thuộc thế hệ Millennials và Gen Z. Những người nằm trong độ tuổi từ 17 đến 43 chiếm đến 55% trong tổng số 205 triệu cử tri đủ điều kiện của Indonesia.
Các ứng cử viên đang tiếp cận thế hệ trẻ thông qua các ứng dụng mà những cử tri trẻ hay sử dụng, thậm chí là thông qua K-pop, thể loại âm nhạc mà rất nhiều người trẻ yêu thích, hay các sự kiện trò chơi điện tử.
“Là những người trẻ, chúng tôi không thể gặp trực tiếp các ứng cử viên. Cách dễ nhất để nhận biết họ là thông qua các nền tảng truyền thông xã hội, và điều này rất hiệu quả”, Ismah, cử tri trẻ lần đầu đi bầu cử, trả lời đài ABC News bên ngoài trường trung học Jakarta, nơi cô đang theo học.
Cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Prabowo Subianto (72 tuổi), thống đốc tỉnh Trung Java Ganjar Pranowo, ứng cử viên Đảng Đấu tranh dân chủ (PDI-P) cầm quyền (55 tuổi), và cựu thống đốc thành phố Jakarta Anies Baswedan (54 tuổi) - những người đều xuất thân từ chính trường bảo thủ, nơi nam giới thống trị ở Indonesia.
Thế nhưng, các chiến dịch tranh cử của họ đề cao những vấn đề quan trọng đối với giới trẻ, trong đó bao gồm cơ hội việc làm, biến đổi khí hậu và tham nhũng.
Cuộc thăm dò sơ bộ cho thấy ông Subianto đang bỏ xa hai đối thủ còn lại. Theo nhận xét của ABC News, các phiếu bầu giúp ông Subianto vươn lên vị trí hàng đầu đến từ những cử tri trẻ.
Một cuộc khảo sát hồi tháng 12 của cơ quan Indiakator Politik Indonesia cho thấy cả ba ứng cử viên hàng đầu đều nhận được sự ủng hộ ngang nhau từ các cử tri trên 56 tuổi. Tuy nhiên, ông Subianto rõ ràng được lòng các cử tri trẻ hơn hẳn hai ứng viên còn lại.
Ông Subianto là ứng cử viên tổng thống đầu tiên theo đuổi hoạt động hỗ trợ giới trẻ với các chiến dịch quảng bá thông qua video và các kênh truyền thông xã hội theo phong cách hoạt hình như Pixar. Các video về chính ông và các ứng cử viên khác được “trẻ hóa” theo phong cách hoạt hình đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ giới trẻ.
Chiến dịch tranh cử độc lạ này cũng nhằm làm dịu đi hình ảnh của vị tướng cộc cằn, người từng bị buộc tội vi phạm nhân quyền trong quá khứ dù chính ông Subianto đã phủ nhận cáo buộc này.
Đảng Gerindra của ông Subianto cũng tổ chức xổ số may mắn để lấy vé xem nhóm nhạc nữ nổi tiếng K-pop BlackPink biểu diễn.
Chị Karlina Octaviany, một người hâm mộ K-pop lâu năm, cho biết chị không ngạc nhiên khi thấy các chính trị gia tận dụng K-pop để đổi lấy phiếu bầu.
“Điều quan trọng là họ phải gia nhập vào cộng đồng trực tuyến lớn nhất thế giới nếu bạn muốn giành chiến thắng”, chị Octaviany phân tích.
“Có thể ban đầu những người trẻ tuổi không quan tâm đến chính trị nhưng việc các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống sử dụng K-pop để làm đòn bẩy vận động tranh cử, nó có thể khiến một số người hâm mộ hào hứng và quan tâm đến chính trị”, nữ sinh Ismah tán thành với việc các chính trị gia dùng K-pop để “lấy lòng” cử tri trẻ tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận