Phóng to |
Chuyến công tác của ông Romney đến Israel nhằm thu hút sự ủng hộ từ các cử tri Do Thái ở Mỹ, rằng ông là người bạn tốt hơn với đồng minh quan trọng nhất tại Trung Đông của Mỹ so với Tổng thống Barack Obama. Chuyến đi cũng là cơ hội để ông Romney chứng tỏ khả năng sẽ dẫn dắt nước Mỹ trên trường quốc tế.
Ngày 29-7 khi đến Israel, ông Romney khẳng định chính sách đối với việc Iran cố gắng xây dựng vũ khí hạt nhân là “không khoan nhượng”.
“Nếu Israel quyết định tự mình thực hiện cuộc tấn công nhằm ngăn chặn Iran làm giàu uranium đến cấp độ cần thiết để chế tạo vũ khí, ngài cựu thống đốc sẽ tôn trọng quyết định này” - cố vấn ngoại giao của ông Romney tuyên bố về quan điểm của ứng viên này trong cuộc họp với lãnh đạo Israel.
Theo Reuters, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẳng định: “Chúng ta cần phải thừa nhận là các biện pháp trừng phạt không thể đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran. Một đe dọa quân sự mạnh mẽ kết hợp với cấm vận có cơ hội để thay đổi tình thế”.
Israel và Đảng Cộng hòa liên tục chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama đã gây áp lực quá nhiều với Israel về tiến trình hòa bình mà tỏ ra yếu đuối trước Iran.
Ông Obama bác bỏ những cáo buộc này. Đến nay chính quyền Obama chưa loại bỏ khả năng quân sự với Iran, nhưng Mỹ gây áp lực lên Iran chủ yếu dựa trên các cấm vận kinh tế và đàm phán ngoại giao.
Tổng thống Obama xác nhận Israel có quyền bảo vệ chính mình, nhưng cảnh báo những hậu quả có thể xảy ra nếu Israel tấn công Iran. Nhiều lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ từng bày tỏ công khai về sự khó khăn để phát động cuộc tấn công như vậy, còn các quan chức Mỹ thì lo ngại việc tấn công Iran sẽ gây bất ổn trong khu vực.
Trước khi ông Romney đến Israel, Tổng thống Obama ngày 28-7 đã "nhanh tay" ký ban hành luật tăng cường hợp tác an ninh giữa Mỹ và Israel, theo đó Mỹ sẽ cấp 70 triệu USD trong năm 2012 cho hệ thống lá chắn tên lửa an ninh Vòm Sắt của Israel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận