11/01/2022 08:56 GMT+7

Ứng viên giáo sư, phó giáo sư trẻ nhất

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Hội đồng Giáo sư Nhà nước mới công bố 451 ứng viên được đề nghị công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021. Trong số này có 65 ứng viên giáo sư, 386 ứng viên phó giáo sư tại 25 ngành, liên ngành.

Ứng viên giáo sư, phó giáo sư trẻ nhất - Ảnh 1.

Ứng viên giáo sư Trần Xuân Bách và ứng viên phó giáo sư Lê Thanh Long - Ảnh: T.T.D. - NVCC

Nhiều người trẻ thế hệ giữa và cuối 8X có tên trong danh sách xét phong giáo sư, phó giáo sư năm 2021 là một tín hiệu vui khi cơ hội tiếp tục cống hiến của các giáo sư, phó giáo sư sau khi xét công nhận sẽ dài hơn.

Ứng viên giáo sư sinh năm 1984

Ứng viên trẻ nhất chức danh giáo sư là ông Trần Xuân Bách, sinh năm 1984 - giảng viên Viện Đào tạo y tế dự phòng, Trường đại học Y Hà Nội. Ông Trần Xuân Bách từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ loại xuất sắc tại Đại học Alberta (Canada) hồi năm 2011 và được phong học hàm phó giáo sư năm 2016 tại Việt Nam, khi mới 32 tuổi. Ông từng là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó.

Ba năm trước, ông Trần Xuân Bách được bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Ông cũng là phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Griffith (Úc) năm 2018 và tham gia thỉnh giảng ở nhiều cơ sở đại học nước ngoài. 

Trên website của Đại học Johns Hopkins, giáo sư kiêm nhiệm Trần Xuân Bách được mô tả là người có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề phát triển và y tế toàn cầu. Những nghiên cứu của ông tập trung vào tính chi phí và hiệu quả của can thiệp y tế, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y học, y học hành vi và sức khỏe tâm thần, phòng chống HIV/AIDS...

Ông Bách có trên mười công trình nghiên cứu khác sau thời gian được công nhận phó giáo sư, đến thời điểm này. Ông có 48 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín với tư cách tác giả chính, sau thời điểm công nhận chức danh phó giáo sư. Năm 2017, Trần Xuân Bách từng được Đại học Alberta (Canada) trao Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp. Năm 2018, ông được bầu vào hội đồng điều hành Viện hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện hàn lâm Quốc gia Đức.

Nói về những gì đã và đang theo đuổi, Trần Xuân Bách cho biết ông luôn làm việc với cả tình yêu và đam mê chứ không đơn thuần là nghĩa vụ. 

Là một người trẻ thành công trong nghiên cứu khoa học, Trần Xuân Bách còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ khi ông chủ trì tổ chức các diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu nhằm lan tỏa tinh thần thanh niên, kết nối trí thức trẻ Việt Nam với các nước, xây dựng cơ chế chuyên gia, tham vấn để trí thức trẻ có điều kiện tham gia có ý kiến đóng góp, phản biện những vấn đề thuộc lĩnh vực nghiên cứu của mình. Ông cũng xây dựng nhiều chương trình nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học trẻ...

Ứng viên phó giáo sư sinh năm 1988

Lê Thanh Long, giảng viên Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), là một người trẻ khác trở thành ứng viên chức danh phó giáo sư năm nay ở tuổi 34 (sinh năm 1988). Lê Thanh Long bảo vệ luận án tiến sĩ tại National Central University, NCU (Đài Loan) và công tác tại khoa cơ khí Trường đại học Bách khoa từ đầu năm 2017 đến nay. 

Long là tác giả chính và đồng tác giả của 39 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, tạp chí trong nước, kỷ yếu hội nghị quốc tế và trong nước. Hiện Lê Thanh Long theo đuổi hướng nghiên cứu tính toán động lực học chất lưu (Computational Fluid Dynamics - CFD).

Lê Thanh Long chia sẻ: "Nhìn lại cả quãng thời gian từ khi còn là sinh viên đến khi trở thành một giảng viên như hiện nay, đó là cả một quá trình dài và đầy khó khăn đối với tôi, đặc biệt là khi xác định mình sẽ theo đuổi con đường học thuật - nghiên cứu khoa học và trở thành một người truyền dạy tri thức".

Theo Lê Thanh Long, đối với một người làm nghiên cứu khoa học, điều khó khăn thường gặp phải chắc hẳn là những lần làm thực hành, nghiên cứu thất bại hoặc chưa như mong muốn của bản thân. 

"Điều đó đôi lúc làm mình nản chí và muốn từ bỏ. Thế nhưng bởi niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học, sự quyết tâm phải chinh phục được khó khăn đó đã giúp mình kiên trì đến nay. Để vượt qua khó khăn thì bản thân chúng ta cần phải vượt qua tâm lý của chính bản thân mình. Mỗi lần như thế mình luôn tự nhủ với mình rằng "I can do it", để nạp năng lượng cho mình" - Lê Thanh Long nói thêm.

Cùng với Lê Thanh Long, ứng viên phó giáo sư Lê Văn Lịch (Viện Khoa học và kỹ thuật vật liệu, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cũng sinh năm 1988.

Ứng viên giáo sư ngành y nhiều nhất

Ngành y có số ứng viên giáo sư nhiều nhất là 10 người, tiếp đến là vật lý với 9 người. Ngành kinh tế có số ứng viên phó giáo sư nhiều nhất là 51 người, tiếp đến là ngành y với 47 người. 

Những lĩnh vực trước đây thường khó khăn trong việc xét phong giáo sư, phó giáo sư như liên ngành văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao thì năm nay cũng có ba ứng viên giáo sư, 16 ứng viên phó giáo sư, phần lớn ứng viên ở các trường đại học văn hóa, thể dục thể thao, học viện âm nhạc. Những ứng viên trẻ nhất trong nhóm này sinh năm 1981.

Ở một số ngành, liên ngành, ứng viên thế hệ 8X chiếm trên 50%. Ngành toán có 16/25 ứng viên thuộc thế hệ 8X, hóa học - thực phẩm có 21/44, dược học có 9/13, điện - điện tử - tự động hóa có 13/26. Nhiều ứng viên sinh năm 1985 - 1988. 

Theo ông Trần Anh Tuấn - chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước - sau ngày 20-1 sẽ có kết quả chính thức của hội đồng ngành, liên ngành về đợt xét phong đợt này. Nhưng điểm thấy rõ năm nay là ít đơn thư phản ánh về ứng viên khiến Hội đồng Giáo sư Nhà nước phải xác minh.

Hồ sơ khoa học của các ứng viên được đăng công khai trên website của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là công khai chi tiết hướng nghiên cứu chủ yếu, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, số lượng bài báo khoa học... 

Những năm trước, đơn thư khiếu nại, phản ánh về ứng viên sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước đăng danh sách ứng viên thường đề cập nhiều đến kết quả nghiên cứu, bài báo công bố của ứng viên. Một số ứng viên cũng bị "tố" thiếu trung thực về trình độ đào tạo, trong đó có trình độ tiếng Anh.

Đủ đam mê sẽ có động lực

"Theo đuổi được con đường nghiên cứu khoa học chưa bao giờ dễ dàng. Nó luôn có những thất bại mà ta phải chấp nhận và đối mặt. Nó không chỉ đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức chuyên môn thật tốt, mà quan trọng nhất là bản thân chúng ta phải thật sự yêu thích nó, xem nó như là một niềm đam mê, một mục tiêu để hướng đến. Vì nếu có đủ niềm đam mê thì bản thân chúng ta sẽ có động lực tiếp tục đứng dậy và bước tiếp sau những lần thất bại ấy".

Lê Thanh Long (ứng viên phó giáo sư)

Trình độ tiếng Anh tốt

Theo đánh giá của một số thành viên hội đồng cơ sở thì hồ sơ của nhiều ứng viên trẻ có điểm mạnh là trình độ tiếng Anh tốt, được đào tạo ở nước ngoài, thành tích nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều công bố trên các tạp chí quốc tế.

Tân giáo sư trẻ nhất Trần Đình Thắng là sản phẩm Tân giáo sư trẻ nhất Trần Đình Thắng là sản phẩm 'made in VN'

TTO - GS Trần Đình Thắng (SN 1975), phó trưởng khoa hóa học Trường ĐH Vinh, vừa được công nhận là tân giáo sư trẻ nhất năm 2016.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp