Bà Gina Haspel tuyên thệ trước khi bắt đầu phần trình bày và trả lời câu hỏi của các Thượng nghị sĩ ngày 9-5 - Ảnh: REUTERS
Suốt phiên điều trần mở dài hơn hai giờ trong ngày 9-5, bà Gina Haspel, vốn là phó giám đốc CIA, liên tục bị chất vấn về vai trò của bà trong việc CIA sử dụng kỹ thuật tra tấn khắc nghiệt (như trấn nước tù nhân) hơn 10 năm trước dưới thời Tổng thống George W. Bush. Bà cũng bị tra vấn về việc hủy những băng video ghi lại phương cách này.
Trả lời câu hỏi của TNS Mark Warner, phó chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, bà Haspel từ chối xác nhận có giám sát việc trấn nước tù nhân và khẳng định mình không xuất hiện trong video.
Bà cũng phủ nhận việc hủy băng nhằm che giấu việc tra tấn tù nhân và giải thích rằng mối de dọa bị tiết lộ danh tính của các điệp viên là nguyên nhân chính của việc hủy các băng ghi hình quá trình thẩm vấn.
Tại buổi điều trần, bà Haspel cam kết nếu trở thành giám đốc CIA, bà sẽ không bao giờ cho tái diễn chương trình thẩm vấn khắc nghiệt đã từng xảy ra và sẽ từ chối thi hành những yêu cầu không phù hợp về mặt đạo đức của Tổng thống.
Bà Gina khẳng định: "Tôi sẽ không bao giờ, mãi mãi không bao giờ đưa CIA trở lại chương trình thẩm vấn khắc nghiệt. Trước hết vì CIA phải tuân thủ pháp luật, chúng tôi tuân thủ pháp luật trước đây và hiện nay,… tôi sẽ không bao giờ đặt một nhân viên CIA nào vào nguy hiểm bằng cách yêu cầu họ thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm và gây tranh cãi".
Bà khẳng định ngày nay, nước Mỹ đã có khung chính sách và pháp lý chặt chẽ và rõ ràng để giám sát việc giam giữ và thẩm vấn và CIA ủng hộ tuyệt đối tuân thủ.
Khalid Sheikh Mohammed, hiện đang bị giam ở nhà tù Guantanamo Bay, đề nghị tiết lộ 6 trang thông tin về bà Gina Haspel - Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ
Bà Haspel nhấn mạnh bà hiểu rõ sứ mạng và nhiệm vụ của CIA như bàn tay mình vì đã gắn cả cuộc đời với tổ chức: "Cả cuộc đời tôi được dành cho việc thực hiện các điệp vụ, nếu được xác nhận, tôi sẽ thúc đẩy những kinh nghiệm đó ngay từ ngày đầu tiên".
Bà Haspel đã làm điệp viên chìm suốt gần 33 năm và làm giám đốc cơ sở CIA ở Thái Lan năm 2002, nơi bí mật thẩm vấn và tra tấn tù nhân liên quan đến lực lượng khủng bố Al Qaeda. Năm 2005, bà ký yêu cầu hủy những băng video liên quan đến cuộc thẩm vấn.
Bà Haspel cần nhận được 51 phiếu ủng hộ tại Thượng viện gồm 100 thành viên, hiện Cộng hòa đang ở thế đa số và giữ đúng 51 ghế so với 49 ghế của Đảng Dân chủ.
Sau phiên điều trần, bà Haspel giành được sự ủng hộ của ít nhất một thành viên Dân chủ là ông sĩ Joe Manchin. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ chờ để đưa ra quyết định.
Theo trang The Hill, Chủ tịch Ủy ban quân ủy Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng những nội dung điều trần của bà Gina Haspel không giải tỏa được mối lo ngại của ông về vai trò từng có của bà trong các chương trình tra khảo bị tố cáo đã dùng nhục hình với nghi phạm khủng bố trong quá khứ.
Phản đối đề cử của Tổng thống Donald Trump, ông McCain hối thúc các cộng sự tại Thượng viện bỏ phiếu chống với bà Haspel, cho rằng việc "bà từ chối thừa nhận sự phi đạo đức của việc dùng nhục hình là điều khiến bà không đủ tư cách" giữ cương vị mới.
Ông McCain đang hồi phục sức khỏe sau cuộc phẫu thuật vì chứng u não tại bang Arizona và nhiều khả năng không có mặt khi Thượng viện bỏ phiếu về đề cử của bà Haspel.
Với sự vắng mặt của ông McCain và vấp phải phản đối của Thượng nghị sĩ Rand Paul (đảng Cộng hòa), bà Haspel vẫn cần sự ủng hộ từ ít nhất một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cùng với sự ủng hộ của toàn bộ thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện để có thể trở thành tân giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận