09/04/2019 22:43 GMT+7

Ung thư thực quản có chữa được bằng đông y?

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Thắc mắc của bạn đọc được bác sĩ Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) trả lời ngay: “Thưa bạn là không! Đông y chỉ nhằm nâng đỡ, giảm đau chứ không thể chữa được. Bạn nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ”.

Ung thư thực quản có chữa được bằng đông y? - Ảnh 1.

*Qua tìm hiểu sách báo, tôi biết được một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản là hút thuốc lá. Vậy hút thuốc lá thụ động có nguy cơ ung thư thực quản hay không? (Nguyễn Thị Năm, nam.nguyen1204@... )

- Đúng như bạn nói. Hút thuốc lá ngoài gây ung thư phổi còn là nguyên nhân gây ung thư thực quản. Hút thuốc lá thụ động tuy nguy cơ ít hơn nhưng cũng là yếu tố gây ung thư thực quản.

*Mặc dù ăn uống, sinh hoạt rất khoa học và chuẩn mực nhưng người thân của tôi thường xuyên bị nuốt nghẹn? Mới đây, các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư thực quản. Vậy nguyên nhân gây ung thư thực quản của người thân tôi là từ đâu? (Trương Văn Báu, hoamattroi@... )

- Ung thư thực quản là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 6 trong các loại ung thư trên thế giới. Nam giới dễ mắc gấp 3-4 lần nữ giới. Tại việt nam, ung thư thực quản đứng thứ 15 trong tất cả các loại ung thư và có xu hướng gia tăng.

Do bệnh có tiên lượng nghèo nàn bậc nhất, bởi giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu rõ rệt, thường được phát hiện qua tầm soát một bệnh lý khác. Bệnh nhân thường đến viện chỉ khi ung thư tiến triển với các triệu chứng thường gặp như nuốt nghẹn; sụt cân, thiếu máu; tăng tiết nước bọt. 

Ngoài thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, béo phì, ít ăn trái cây và rau củ, ham thức ăn nhanh và đồ cay nóng thì đặc biệt người có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản cũng có nguy cơ cao ung thư thực quản. 

Các bệnh lý nguy cơ cao như trào ngược dạ dày thực quản, cần được điều trị tích cực vì nếu không, sẽ diễn tiến thành thực quản barrett, nguy cơ rất cao thành ung thư thực quản.

*Ung thư thực quản giai đoạn cuối có chữa được bằng phương pháp đông y? (Phan Bích Thủy, phanthuy.ats@... )

- Thưa bạn là không! Đông y chỉ nhằm nâng đỡ, giảm đau chứ không thể chữa được. Bạn nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

*Thời gian gần đây tôi hay bị nhiệt miệng, các vết loét ngày càng nặng và nhiều. Nếu như trước kia vết loét chỉ cần 2-3 ngày tự lành thì nay không những không lành mà còn mọc nhiều vết mới. Thưa bác sĩ, tình trạng này có cảnh báo gì về ung thư miệng không? (Lý Thiên Thảo, xhhthienthao@... )

- Với những dấu hiệu trên thì chưa thể nói được điều gì.

Bạn cần đến khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm cần thiết bạn nhé.

*Tôi bị thường xuyên bị khàn tiếng, đau tức ngực, thậm chí ho ra máu. Tôi rất lo lắng mình có mắc ung thư thực quản hay không? Thưa bác sĩ, bây giờ tôi cần làm gì? (Bạch Phương Ngân, doixanh0607@... )

- Do bệnh có tiên lượng nghèo nàn, giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu rõ rệt, thường được phát hiện qua tầm soát một bệnh lý khác. Các triệu chứng thường gặp như nuốt nghẹn; sụt cân, thiếu máu; tăng tiết nước bọt. 

Ở giai đoạn nặng, khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, ho, sặc, khàn tiếng, đau khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị… tuy nhiên chưa thể khẳng định trường hợp của bạn có phải là ung thư thực quản hay không. 

Bạn nên đến các bệnh viện để làm các xét nghiệm cần thiết.

*Ô nhiễm không khí có liên quan đến ung thư miệng? Làm sao để phòng tránh khi đang sống trong môi trường bị ô nhiễm? (Lê Tấn Lực, dr.luclebn@...)

-Ô nhiễm không khí cũng là một phần nguy cơ cho các căn bệnh đường hô hấp nói chung. Nên đem khẩu trang khi ra đường, lọc không khí trong môi trường sống bằng cách trồng cây xanh xung quanh nhà, duy trì lối sống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe bạn nhé.

*Tôi thường xuyên hôi miệng. Điều này làm tôi vô cùng tự ti và ngại giao tiếp. Gần đây, tôi cảm thấy khoang miệng bị tê và mất cảm giác. Thưa bác sĩ, tình trạng răng miệng hiện tại của tôi có liên quan đến ung thư miệng? (Tạ An Nhiên, vothuong.tan@... )

- Chưa loại trừ được khả năng này. Các triệu chứng bạn nêu còn sơ sài, cần tới bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn cụ thể hơn

*Làm sao để phân biệt vết loét ung thư miệng và vết loét do nhiệt miệng? (Trương Thanh Huyền, huyentruong1412@... )

- 75% trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan đến hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá bị động (hít phải khói thuốc), tiếp theo là sử dụng quá nhiều rượu bia. Đây là loại ung thư nam giới mắc nhiều hơn nữ; tuổi càng cao nguy cơ càng lớn. 

Vậy trước hết bạn cần xem lại mình có nằm trong nhóm nguy cơ này không? Tiếp theo, triệu chứng của bạn có bị loét miệng kéo dài không khỏi, xuất hiện màu lạ, u cục trong miệng, chảy máu trong khoang miệng, nổi hạch vùng cổ, khó nuốt, khó nói hay không... 

Nếu có, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện làm phương pháp giải phẫu bệnh cần thiết để kiểm tra chữa trị nhé.

*Chế độ ăn uống thế nào sẽ dẫn đến nguy cơ bị ung thư thực quản cao? (Nguyễn Viết Tiến, viettien.kobe@... )

- Ngoài thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, béo phì, ít ăn trái cây và rau củ, ham thức ăn nhanh và đồ cay nóng thì đặc biệt người có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản cũng có nguy cơ cao ung thư thực quản. Các bệnh lý nguy cơ cao như trào ngược dạ dày thực quản, cần được điều trị tích cực vì nếu không, sẽ diễn tiến thành thực quản barrett, nguy cơ rất cao thành ung thư thực quản.

*Tôi từng nghe thông tin ung thư miệng có thể là nguyên nhân từ việc lây nhiễm virút hpv qua đường tình dục bằng miệng. Thông tin này đúng không bác sĩ? (Lê Thị Thanh Hải, hoangusac087@... )

- Đúng nhưng chưa đủ. Trước hết, nguyên nhân chính bắt nguồn từ người bị nhiễm virus có tên là papillomavirus (HPV), loại virus này có thể truyền từ người sang người khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng. 

Virus HPVlà một trong những nguyên nhân có thể gây ra ung thư vòm họng và amidan. Tuy nhiên, ung thư vòm họng do virus gây ra dễ điều trị hơn so với các nguyên nhân gây ra bởi các yếu tố như hút thuốc và uống rượu. 

Hiện nay, tiêm vắcxin hpv có thể là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư vòm họng do quan hệ tình dục bằng miệng.

*Cần làm gì khi ung thư miệng giai đoạn cuối? (Lê Hữu Phước, hoahongden@... )

- Người bệnh ung thư bước vào giai đoạn cuối nên điều trị tích cựcc, chăm sóc tinh thần, chăm sóc giảm nhẹ, lưu ý về dinh dưỡng.

*Được biết, ung thư thực quản rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng viêm họng. Vậy làm sao để phân biệt? (Lâm Mỹ Phương, myphuong3007@... )

- Có thể phân biệt bằng các triệu chứng thường gặp từ ung thư thực quản như nuốt nghẹn; sụt cân, thiếu máu; tăng tiết nước bọt. Ở giai đoạn nặng, khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, ho, sặc, khàn tiếng, đau khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị…

* Tôi có nghe ngừa ung thư thực quản bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, trong đó có đánh răng? Thưa bác sĩ, điều này đúng không ạ? Nếu có thì lưu ý đánh răng như thế nào? (Trần Lê Thanh Tâm, Đồng Nai, thanhtam.tl@...)    

- Có, nhưng rất ít, đánh răng đúng cách không để tổn thương, thuốc đánh răng phù hợp, không nuốt thuốc là cách hạn chế tốt nhất Ung thư thực quản.

* Được biết, việc phát hiện ung thư xảy ra ở vòm họng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở giai đoạn sớm vì triệu chứng của bệnh không điển hình. Vậy phương án nào tốt nhất để tầm soát bệnh ạ? (Nguyễn Thị Hậu, Long An, haunguyen1995@...)  

- Giai đoạn sớm ung thư vòm họng rất khó để phát hiện bởi triệu chứng khá giống các bệnh tai mũi họng khác.

Cần khám chuyên khoa ung bướu thường xuyên, nếu nghi ngờ phải xét nghiệm đầy đủ.

* Cha tôi năm nay 75 tuổi, vừa qua bệnh viện chẩn đoán ung thư thực quản di căn đến vùng gan và xương. Sau khi lấy mẫu sinh thiết kết quả ghi là "Carcinoma tế bào gai biệt hóa trung bình", bệnh viện bảo là phải nhập viện mổ. Thưa bác sĩ, mổ có nguy hiểm không và tỉ lệ sống có cao không ạ? (Võ Thị Nguyên Hà, Quảng Ngãi, vungdatdo67@...)   

- Ông tuổi lớn (75). Đương nhiên việc mổ là khó khăn. Nếu bệnh đã di căn gan, xương theo tôi nên điều trị nhẹ nhàng, tối thiểu.... Chủ yếu là chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc dinh dưỡng, tinh thần...

* Cách đây 6 tháng, tôi bị ho ra máu , khạc đờm ra máu. Uống thuốc mãi không hết bệnh, tôi không yên tâm nên đã đi khám và được chẩn đoán là ung thư thực quản. Tôi được điều trị bằng xạ trị, nhưng chỉ 3 tháng sau, bệnh đã tái phát. (Trần Lê Thanh Nghiêm, Bình Định, nghiemle.cx@...)

- Việc tái phát sau khi điều trị ung thư bằng hóa/xạ trị là bình thường. Điều trị ung thư là một quá trình cần theo dõi sát sao. Bạn nên tiếp tục duy trì phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.

* Nếu tiếp xúc thường xuyên với người bệnh ung thư miệng thì có lây không? Bạch Phương Thảo, Bình Thuận, phuongthao.ussh@...)

- Không. Ung thư miệng không lây nhiễm trực tiếp từ người sang người.

* Tôi bị ung thư thực quản giai đoạn cuối, hiện khối u đã lan hầu hết các vị trí trong cơ thể. Hiện các bác sĩ dùng phương pháp hóa trị cho tôi. Thưa bác sĩ, tình trạng hiện tại của tôi như vậy sống được bao nhiêu năm nữa ạ? (Nguyễn Ngọc Quang, Bạc Liêu, nnquang.bl@...)

- Không thể nói cụ thể là bao nhiêu được, còn phụ thuộc vào thể trạng chung, tuổi, khâu chăm sóc giảm nhẹ, tinh thần….

* Khoảng 1 tuần nay cháu nuốt nước bọt cảm giác vướng vướng, nghèn nghẹn như bị mắc viên thuốc hay vật gì đó, nhưng khi ăn cơm thì không bị như vậy. Hơn nữa còn cảm thấy tức, thắt ngực rất khó chịu giống như mình nằm ngửa và bị ai đó ngồi lên ngực, thở khó và mệt. Cháu không biết bị bệnh gì nữa.

Cháu định khám tổng quát vì sợ mình bị ung thư miệng. Mong bác sĩ tư vấn? (Phạm Ngọc Lan Phương, Tây Ninh, lanphuong1969@...)

- Tốt nhất cháu nên đi khám bệnh viện chuyên khoa nhé. Các triệu chứng này không kết luận được là ung thư miệng.

* Hiện tại tôi đang bị ung thư thực quản. 4 tháng trước tôi còn ăn cháo, uống nước được, đến thời điểm này thì tôi không ăn uống được nữa. Tôi muốn phẫu thuật để có thể ăn uống dễ dàng hơn, người tôi ốm yếu không biết là có thể phẫu thuật được không. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Phan Tịnh Nghi, TP. Đà Nẵng, tinhnghi@...)

- Tốt nhất nên đi khám chuyên khoa ung bướu để có chỉ định chính xác, bạn yên tâm. Sau khi phẫu thuật & tuân thủ phác đồ điều trị sẽ ăn uống dễ dàng hơn.

* Bác gái tôi nhập viện vì ăn uống không được, ăn gì vào cũng ọe trớ và bị ho sặc sụa khi ăn uống. Qua nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện có khối u thực quản rất cứng gây bít hẹp và vào đường thở. Bác sĩ tư vấn giúp phương pháp điều trị thích hợp cho trường hợp bác gái tôi? (Lê Xuân Ngọc, Phú Yên, lexuanngoc@...)

- Ung thư thực quản là một trong những ca đòi hỏi phác đồ điều trị phức tạp, hiện tại phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u là liệu pháp cho tiên lượng sống cao nhất. Ngoài ra còn kết hợp hóa-xạ trị. Theo bạn nói, bác bạn có thể bị ung thư thực quản. Bạn nên đưa bác vào khám chẩn đoán cụ thể có hướng điều trị rõ.

* Trên Intrernet có bày cách chữa ung thư thực quản bằng cách uống tiết ngỗng tươi (dùng ống tiêm hút máu ở dưới cánh con ngỗng) 5-10 ml và nên uống từ từ lúc còn nóng. Máu này có tác dụng hòa vị, giáng nghịch, giải độc, là phương thuốc tốt để chữa trị ung thư thực quản.

Tôi muốn áp dụng nhưng còn khá băn khoăn và lo lắng. Xin nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ? Đặng Thị Đào, Tiền Giang, daochogao1954@...)

- Phương thuốc này không có cơ sở khoa học chữa ung thư thực quản. Cần tuân thủ theo phác đồ điều trị khoa học, dùng các loại thuốc được cấp phép từ Bộ Y tế.

* Năm nay ông tôi 65 tuổi. Khoảng 1 tháng nay ông bị nuốt vướng, nuốt nghẹn tăng dần, cảm giác luôn đầy bụng, chậm tiêu. Mới đây, các bác sĩ chẩn đoán ông tôi bị ung thư thực quản giai đoạn đầu. Ông tôi rất ngại đến bệnh tại bệnh viện điều trị.  Thưa bác sĩ, ung thư thực quản giai đoạn đầu điều trị tại nhà được không? Nếu được, bác sĩ cho biết từng phương pháp cụ thể? (Tăng Hồng Hà, Quảng Trị, hongha.tang67@...)       

- Không thể điều trị ung thư thực quản tại nhà được. Cần vào bệnh viện / chuyên khoa ung bướu bạn nhé. Ung thư thực quản là một trong những ca đòi hỏi phác đồ điều trị phức tạp, hiện tại phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u là liệu pháp cho tiên lượng sống cao nhất. Ngoài ra còn kết hợp hóa-xạ trị.

* Bà tôi có thói quen nhai trầu đã từ rất lâu. Nhiều thông tin cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ung thư miệng là nhai trầu, xỉa thuốc đúng không bác sĩ? (Lê Thị Kiều Linh, Khánh Hòa, kieulinh1702@....)

- Có nhiều nguyên nhân gây ung thư thực quản và nhai trầu cũng là một trong những yếu tố nguy cơ.

* Hiện tôi đang bị HP dạ dày, bác sĩ có khuyên cần có một số cách ly với gia đình như dùng chung chén bát, đũa muỗng… dụng cụ cá nhân. Tuy nhiên, đối với vợ, tôi phải kiêng chuyện vợ chồng như thế nào? Liệu hôn có lây cho vợ tôi không? Và nếu lây HP từ tôi thì vợ tôi có bị nặng hơn không? (Lâm Anh, Hà Nội, lamanh@...)  

- Ung thư không phải là bệnh lý nhiễm trùng vì vậy không lây nhiễm, tuy nhiên vi khuẩn HP thì dễ lây lan, 3 con đường lây lan chính của vi khuẩn HP đó là:

+ Lây nhiễm qua đường miệng: Vi khuẩn Hp tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, tuy nhiên, chúng còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Thói quen của người Việt Nam khi ăn uống là ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn từ bát chung, có 1 bát nước chấm chung... Vì vậy nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP là rất cao.

+ Lây nhiễm qua đường dạ dày - dạ dày: Quá trình lây nhiễm này diễn ra khi thực hiện thao tác nội soi tại các cơ sở y tế. Nếu dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người có bệnh sang người lành.

+ Lây nhiễm qua đường phân - miệng: Khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch, hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.

* Bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn 2, phẫu thuật cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạy bác sĩ vẫn chưa xác định được chính xác khả năng xâm lấn. Bác sĩ cho hỏi, nếu trường hợp cắt hết dạ dày thì việc tiêu hóa về sau của tôi sẽ ra sao? (Đỗ Lan Đào, Tây Ninh, landao@...) 

- Dạ dày có chức năng nghiền nát và phân hủy một phần thức ăn, cho nên phẫu thuật cắt bỏ dạ dày dẫn tới người bệnh mất đi một phần hoặc hoàn toàn chức năng này.

Vì vậy, sau phẫu thuật người bệnh cần có chế độ ăn riêng tuân theo sự chỉ dẫn của chuyên gia dinh dưỡng đồng thời có thể cần bổ sung một số khoáng chất khác để bù đắp cho sự thiếu hụt do cắt dạ dày mang lại.

* Cả 2 vợ chồng tôi đều bị HP dạ dày sau khi kiểm tra sức khỏe đinh kỳ )1 năm 1 lần) vừa rồi, nên không biết ai lây cho ai. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất là khả năng lây sang con có cao không và làm sao phòng ngừa được cho các con của tôi. Bác sĩ tư vấn giúp. Xin cám ơn Kim Phượng, 45 tuổi, kimphuong.ng@...)     

- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) dường như là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư ở phần dưới của dạ dày. Nhiễm trùng kéo dài của dạ dày với mầm bệnh này có thể dẫn đến viêm (được gọi là viêm teo dạ dày mạn tính) và thay đổi tiền ung thư của lớp niêm mạc dạ dày.

Những người bị ung thư dạ dày có tỷ lệ nhiễm H. pylori cao hơn những người không bị ung thư này. Nhiễm H. pylori cũng liên quan đến một số loại ung thư hạch dạ dày. Mặc dù vậy, hầu hết những người mang mầm bệnh này trong dạ dày không bao giờ bị ung thư.

Cần điều trị trình trạng viêm dạ dày cũng như điều trị tiệt căn bệnh HP. Theo dõi thật sát bệnh với một số Bs chuyên khoa, nhất là Bs chuyên khoa về nội soi tiêu hóa để có thể phát hiện sớm những thay đổi sớm cũng như phương pháp điều trị sớm nhất có thể.

Ung thư không phải là bệnh lý nhiễm trùng vì vậy không lây nhiễm, tuy nhiên vi khuẩn HP thì dễ lây lan, 3 con đường lây lan chính của vi khuẩn HP đó là:

+ Lây nhiễm qua đường miệng: Vi khuẩn Hp tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, tuy nhiên, chúng còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Thói quen của người Việt Nam khi ăn uống là ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn từ bát chung, có 1 bát nước chấm chugn... vì vậy nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP là rất cao.

+ Lây nhiễm qua đường dạ dày - dạ dày: Quá trình lây nhiễm này diễn ra khi thực hiện thao tác nội soi tại các cơ sở y tế. Nếu dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người có bệnh sang người lành.

+ Lây nhiễm qua đường phân - miệng: Khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch, hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.

* Con tôi mới 15 tuổi đã bị nhiễm HP dạ dày. Nguy cơ mắc ung thư dạ dày đối với đối tượng nguy cơ cao này ra sao?

- Không phải tất cả các trường hợp nhiễm HP đều đưa đến ung thư dạ dày. Một số đối tượng nhiễm HP cần điều trị tiệt như: Viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa chức năng, dùng kháng viêm  non-steroid hoặc asperin kéo dài.

* Tôi có đọc thông tin bác sĩ kết luận một bệnh nhân bị ung thư dạ dày do ăn mặn triền miên. Trong khi các chuyên gia y tế lại cho rằng chưa rõ chính xác nguyên nhân gây ra ung thư. Tôi khá hoang mang, bởi tôi năm nay đã 65 tuổi và gần như ăn mặn (rất mặn so với cách ăn của các con) suốt hơn 60 năm qua. Vậy tôi dễ bị ung thư dạ dày sao? Mong được giải thích và tư vấn (Nguyễn Duy Long, 64 tuổi, duylong@...)          

- Những người ăn thực phẩm chứa nhiều muối, đặc biệt là chế độ bảo quản thức ăn bằng muối như muối dưa, thực phẩm lên men như ủ mắm...Chế độ ăn chỉ là một trong những "yếu tố nguy cơ" gây ung thư chứ không phải là nguyên nhân gây ung thư. Có những người có nhiều "yếu tố nguy cơ" nhưng vẫn không mắc ung thư. Tuy nhiên có những người không có "yếu tố nguy cơ" nào nhưng vẫn mắc ung thư  dạ dày.

* Tôi thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, đau bụng vùng thượng vị. Khi đi khám ở bệnh viện huyện bác sĩ chẩn đoán bị viêm loét dạ dày, nhưng điều trị đã gần 2 tháng vẫn không thấy giảm. Mỗi khi buồn nôn, nôn được cảm thấy rất dễ chịu. Ban đầu cứ nghĩ mình nghén, thử thai và thử máu đều âm tính. Sau gần 6 tháng, lên tuyến trên khám mới biết mình bị ung thư giai đoạn 2.

Tôi khá suy sụp, đến giờ đang hóa trị song song với phẫu thuật cắt dạ dày. Tôi chỉ hoang mang làm sao biết chắc rằng mình được điều trị đúng và hết bệnh thật sự? Như thế nào là biểu hiện tái lại? và nếu tái lại thì khả năng điều trị ra sao? (Võ Thị Thiên Kim, 31 tuổi, Lâm Đồng, kimnguyen@...).   

- Điều trị ung thư dạ dày là một điều trị đa mô thức bao gồm nhiều chuyên khoa tham gia vào quá trình điều trị và sự tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh, điều đó có nghĩa rằng bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt quá trình điều trị để việc trị liệu đạt được hiệu quả tối ưu nhất, việc điều trị không chỉ dừng lại trong một thời gian ngắn mà còn cần có kế hoạch theo dõi lâu dài tùy thuộc vào giai đoạn và đáp ứng sau điều trị của bạn.

Vì vậy, bạn cần tuân thủ những kế hoạch mà bác sĩ của bạn đề ra trong quá trình điều trị cũng như theo dõi tái phát, biến chứng sau điều trị.

* Nghĩ do viêm loét dạ dày thông thường, tôi tự ý mua thuốc về uống nhưng không hết đau. Nhận chuyến đi thăm người thân ở TP.HCM, tôi đi khám tiêu hóa. Khi bác sĩ chỉ định nội soi và tá hỏa khi phát hiện khối u lớn ở 1/3 giữa dạ dày, sinh thiết giải phẫu tế bào học chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 3.

Xin hỏi, ở giai đoạn này, khả năng điều trị khỏi có cao không? Chi phí ra sao ạ? (Thiên Long, 58 tuổi, Đà Nẵng, thienlong62@...)

- Ngoài kết quả nội soi các bác sĩ sẽ cần các phương tiện cận lâm sàng khác để đánh giá giai đoạn của ung thư như hình ảnh học để phân loại giai đoạn bệnh cũng như đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất, chi phí điều trị cũng tùy theo phương án điều trị mà thay đổi.

Khả năng điều trị khỏi phụ thuộc vào phẫu thuật có được triệt căn không, đáp úng hóa trị như thế nào. Bạn cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

* Bố tôi từng qua đời vì ung thư dạ dày. Tôi có tiền sử viêm loét dạ dày và đã điều trị. Tuy nhiên, sau một lần đau bụng vùng thượng vị dai dẳng không dứt, khi vào bệnh viện lại được chẩn đoán bị viêm dạ dày. Tôi nghi ngờ không biết ung thư dạ dày có di truyền không? Di truyền có phải là yếu tố nguy cơ không? Làm sao để điều trị viêm dạ dày dứt hẳn? (Nam Thư, 40 tuổi, namthu@...)

- Có một số hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày như hội chứng Lynch, đa polyp tuyến gia đình… để biết chắc chắn bạn có nằm trong nhóm hội chứng di truyền hay không bạn cần tới gặp bác sĩ để xác định.

Điều trị viêm dạ dày cần tuân thủ điều trị bác sĩ bao gồm cả thuốc và thay đổi lối sống, chế độ ăn uống. Vì vậy tuân thủ điều trị, khám đúng bác sĩ chuyên khoa là cách tốt nhất để chữa dứt hẳn viêm dạ dày.

* Các bác sĩ vẫn khuyên người bệnh cần đi khám định kỳ để được phát hiện sớm bệnh, tránh đến bệnh viện khi bệnh đã trở nặng khó cứu chữa. Tuy nhiên, bản thân tôi rất tuân thủ khám định kỳ nhưng vẫn bị phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn muộn. Xin hỏi là do tôi khám tổng quát định kỳ không đúng hay từ đâu mà phát hiện bệnh trễ? (Quốc Nam, 47 tuổi, quocnam@...)

- Đa phần các gói khám sức khỏe định kỳ hàng năm được thiết kế đều không có nội soi, do nội soi không phải là xét nghiệm được thực hiện định kỳ hàng năm mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, bạn cần tham vấn bác sĩ để lựa chọn nội soi tầm soát ung thư đường tiêu hóa khi có nhu cầu, thời điểm cần tầm soát sẽ tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ của bạn.

* Trước khi phát bệnh, tôi thương bị nôn kéo dài khoảng 5 tháng, sợ ăn trong suốt thời gian đó, sụt hẳn 8kg. Nghĩ mình bị dạ dày nên tự mua thuốc uống. Khi đi cấp cứu do đau bụng dữ dội mới phát hiện bị ung thư đến giai đoạn đã di căn vào buồng trứng. Bị cắt bỏ buồng trứng, và tiếp tục hóa trị. Tôi mới 39 tuổi, tôi phải làm sao? Liệu có còn di căn đến cơ quan khác không? (Nguyễn Thị Tú, 39 tuổi, Hà Giang)

- Bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị và theo dõi định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ điều trị, bác sĩ điều trị sẽ có kế hoạch dài hạn theo dõi và điều trị để phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát hoặc di căn liên quan tới bệnh lý của bạn.

* Tôi muốn tìm hiểu về gói sàng lọc ung thư dạ dày. Tìm hiểu thì thấy có nhiều loại giá khác nhau với những dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, tiêu chí để chọn một bệnh viện như thế nào có thể yên tâm làm sàng lọc chính xác với mức giá như thế nào? (Ngọc Thạch, 30 tuổi, mrthach.nguyen@...)      

- Tầm soát ung thư là một quá trình lâu dài và tuân theo đúng hướng dẫn của các tổ chức ung thư, chứ không phải là làm một hay vài lần là đủ. Vì vậy tiêu chí lựa chọn một bệnh viện để tầm soát phù hợp với bản thân bạn bao gồm  sự kết hợp nhiều yếu tố: vị trí địa lý, khả năng kinh tế, phương tiện của bệnh viện, khả năng duy trì theo dõi lâu dài của bạn ở bệnh viện đó…

Tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn thời điểm bắt đầu quá trình tầm soát cũng như lựa chọn các dịch vụ chăm sóc đi kèm ở các bệnh viện để đưa ra.

* Hiện nay tôi 43 tuổi, tôi muốn khám tầm soát bệnh ung thư thực quản vì gia đình đã từng có người mắc bệnh này. Tuy nhiên, tôi chưa rõ gói khám tầm soát bao gồm những hạng mục nào và chi phí giao động khoảng bao nhiêu. Rất mong nhận được phản hồi bác sĩ?  (Phạm Thanh An, Nghệ An, phaman.ath@...)

- Ung thư thực quản không di truyền nhưng một số gen đột biến làm tăng nguy cơ ung thư thực quản có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy mà nếu trong gia đình có người mắc ung thư thực quản thì các thành viên còn lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường bạn nhé!

Ngoài ra, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh là: tuổi cao, mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, Barrett thực quản, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, nhiễm HPV... Những người có nguy cơ cao mắc bệnh được khuyến khích khám tầm soát ung thư thực quản định kỳ nhằm theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời. Tốt nhất, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa ung bướu để khám, khám lâm sàng, cận lâm sàng, siêu âm….còn chi phí tùy từng bệnh viện.

* Có phải ăn uống quá nóng có thể mắc bệnh ung thư thực quản?  (Từ Văn Tú, Kiêng Giang, vantu1975ty@...)

- Đây cũng là 1 trong nhiều yếu tố gây ra bệnh lí này. Cần cần bằng thói quen ăn uống hơn bạn nhé!

* Chú tôi thường xuyên bị nhiệt miệng, loét miệng nhưng cứ nghĩ bị nóng trong người nên uống rất nhiều thuốc bắc, thuốc nam. Mặc dù uống đã lâu nhưng bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Mới đây, chú tôi đi khám bác sĩ thì họ kết luận chú tôi bị ung thư miệng giai đoạn muộn và khuyên nên hóa trị. Thưa bác sĩ, những rủi ro thường gặp khi dùng phương pháp hóa trị điều trị ung thư miệng?  (Phạm Ngọc Lan Anh, Đồng Nai, lananhtaphoa@...)

- Bạn cần khuyên chú bạn nên đi điều tri ngay, còn Hóa Trị thường có một số tác dụng phụ cũng tùy loại thuốc, như rụng tóc, lên máu, buồn nôn, mệt mỏi.

* Bị trào ngược dạ dày thời gian dài sẽ dẫn đến ung thư thực quản, điều này đúng không bác sĩ? Nếu đúng thì tại sao ạ? (Nguyễn Việt Hoa, Lâm Đồng, n.t.viethoa@...)

- Chào bạn, những người hay hút thuốc, uống rượu, béo phì, ít ăn trái cây và rau củ, ham thức ăn nhanh và đồ cay nóng, tiền sử trào ngược dạ dày thực quản… có nguy cơ cao ung thư thực quản. Nên tầm soát bệnh bằng cách nội soi, siêu âm nội soi thực quản để có thể phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Đặc biệt, các bệnh lý nguy cơ cao như trào ngược dạ dày thực quản, cần được điều trị tích cực vì nếu không, sẽ diễn tiến thành thực quản Barrett, nguy cơ rất cao thành ung thư thực quản

* Tôi bị ung thư miệng giai đoạn đầu. Thưa bác sĩ, bệnh có chữa hết hoàn toàn được không ạ? Chi phí chữa trị khoảng bao nhiêu? (Trần Ngọc Hiếu, Bình Định, dapmocuoctinh@...)

- Ung thư giai đoạn đầu chữa thường có kết quả tốt nếu điều trị đúng theo các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp. Chi phí còn tùy thuộc liệu trình điều trị bạn nhé.

* Những tháng gần đây, tôi hay bị khàn tiếng bất thường, thay đổi giọng khác lạ, sụt cân, mệt mỏi bất thường… Tham khảo trên Internet, thấy các dấu hiệu ung thư miệng giống hệt triệu chứng tôi đang gặp. Tôi đang rất lo sợ mình có nguy cơ ung thư miệng. Mong nhận được nhận được lời khuyên bác sĩ?  (Võ Thị Phượng, Ninh Thuận, phuongbinhgiang72@...)

- Biểu hiện sớm của ung thư miệng và họng là một hoặc nhiều thay đổi mô mềm trong miệng về hình ảnh và cảm giác.

Những dấu hiệu và triệu chứng có thể gồm: Vết loét trong miệng không liền hoặc tăng lên về kích thước; Đau kéo dài trong miệng; Những khối hoặc mảng trắng, đỏ hoặc đen bên trong miệng; Má dầy lên; Khó nhai, nuốt hoặc cử động lưỡi; Khó cử động hàm hoặc sưng hoặc đau ở hàm; Rất đau trong hoặc cảm thấy có cái gì vướng trong họng; Đau quanh răng hoặc lung lay răng; Tê lưỡi hoặc bất kỳ vị trí nào trong miệng; Thay đổi giọng nói; Có khối ở cổ; Hơi thở hôi…

Triệu chứng của bạn chưa rõ ràng để kết luận có ung thư miệng hay không. Lời khuyên duy nhất là bạn nên đến bệnh viện/phòng khám chuyên khoa ung bướu để theo dõi.

* Có cách nào kiểm tra ung thư miệng tại nhà thưa bác sĩ? (Lê Thanh Tuyền, Quận 2 TP.HCM, thanhtuyen1967@...)

- Những dấu hiệu và triệu chứng có thể gồm: Vết loét trong miệng không liền hoặc tăng lên về kích thước; Đau kéo dài trong miệng; Những khối hoặc mảng trắng, đỏ hoặc đen bên trong miệng; Má dầy lên; Khó nhai, nuốt hoặc cử động lưỡi; Khó cử động hàm hoặc sưng hoặc đau ở hàm; Rất đau trong hoặc cảm thấy có cái gì vướng trong họng; Đau quanh răng hoặc lung lay răng; Tê lưỡi hoặc bất kỳ vị trí nào trong miệng; Thay đổi giọng nói; Có khối ở cổ; Hơi thở hôi…

Trên đây là 1 số triệu chứng bạn có thể tự kiểm tra tại nhà nếu nghi ngờ ung thư miệng.

* Tôi mới phát hiện mình bị ung thư thực quản gia đoạn đầu, tôi nên uống thuốc hay phẫu thuật? Mong bác sĩ cho lời khuyên? (Hà Thảo My, Đắk Lắk, hathaomy1980@...)

- Bạn nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa khám mới có chỉ định cụ thể. Còn nếu bạn bị ung thư thực quản giai đoạn đầu thì nên phẫu trị trước, hóa trị sau

Tôi nghe mọi người nói rằng ung thư thực quản khó sống đến 5 năm. Thông tin này đúng không bác sĩ?  (Phạm Thị Hiền Trân, Quảng Nam, hientranntn@...)

Không. Tùy vào giai đoạn bệnh và Phương pháp điều trị.

Theo đó, tỉ lệ sống 5 năm theo từng giai đoạn phát triển của bệnh là:

+ Giai đoạn 1: 72% bệnh nhân có thể kéo dài được sự sống đến 5 năm.

+ Giai đoạn 2: 64% bệnh nhân kéo dài được sự sống đến 5 năm.

+ Giai đoạn 3: 50% bệnh nhân kéo dài sự sống được đến 5 năm.

+ Giai đoạn 4: 38% bệnh nhân sống được đến 5 năm.

Nhìn chung, tỉ lệ sống ở người bị ung thư thực quản giai đoạn cuối khá thấp, do lúc này khối u đã lan tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Thậm chí, một số trường hợp mắc ung thư giai đoạn cuối có thể tử vong chỉ vài tuần ngay sau khi được chẩn đoán bệnh hoặc chỉ kéo dài sự sống được thêm vài tháng. Thời gian sống trung bình của người mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối chỉ từ khoảng 4 - 6 tháng, rất khó kéo dài được đến 5 năm…

* Em bị loét miệng, trong vòm miệng có đốm trắng đã nhiều ngày. Em có dùng thuốc rơ miệng nhưng vết loét không lành mà chỉ hết đâu. Tình trạng này có nguy cơ ung thư miệng không ạ? Rất mong nhận phản hồi bác sĩ. (Nguyễn Nguyệt Hà, Sóc Trăng, nolamsulu3007@...)

- Đây chỉ là một trong những dấu hiệu đáng nghi ngờ thôi.

Hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu, Phơi nhiễm lâu dài với tia cực tím, Những mảng trắng trên lưỡi hoặc bên trong má (bạch sản)…cũng là nguy cơ cao của ung thư miệng và họng. Bạn nên thăm khám tại các bệnh viện/phòng khám chuyên khoa ung bướu để an toàn hơn bạn nhé.

* Có kết quả dương tính với ung thư thực quản, điều này nghĩa là gì và tôi cần làm gì? (Cù Thị Điệp, huyện Bình Chánh TP.HCM, diepcu1213@...)

- Nghĩa là bạn bị ung thư thực quản.

Bạn cần đến bệnh viện/phòng khám chuyên khoa ung bướu để điều trị.

* Gia đình tôi vừa có hai người qua đời do ung thư dạ dày, trước đó trong dòng họ cũng đã từng có vài người mất do căn bệnh này. Tôi nghĩ có thể cắt bỏ dạ dày để ngăn ngừa ung thư sớm được hay không, mặc dù hiện tại tôi không bị bất kỳ bệnh nào hay tổn thương gì? (Nguyễn Xuân An, 40 tuổi, xuanan@...)

- Không thể cắt dạ dày dự phòng ung thư khi dạ dày chưa có bệnh lí gì. Bạn nên tầm soát định kỳ để đảm bảo sức khỏe.

* Tôi mới bị HP dạ dày, theo tôi tìm hiểu HP là nguyên nhân chính gây ra ung thư dạ dày. Tiến triển từ khi bị HP đến ung thư dạ dày diễn tiến như thế nào, qua bao nhiêu giai đoạn? Có thể can thiệp từ giai đoạn nào để không đến giai đoạn ung thư? (Hữu Long, 32 tuổi, huulong.ng@...)

- Trên 70% dân số nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori) cũng là nguyên nhân lớn khiến tỷ lệ người Việt ung thư dạ dày luôn ở mức cao.

Bệnh trải qua 4 giai đoạn, nếu phát hiện ung thư sớm bằng thói quen nội soi thăm khám dạ dày định kỳ, tỷ lệ sống rất cao. Song ở giai đoạn muộn, khối u có thể lan đến các hạch và mạch bạch huyết, di căn sang gan, phổi và xương. Lúc này, mục tiêu chữa trị chỉ nhằm giảm bớt triệu chứng khó chịu và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Trên thế giới, hầu hết các nước chưa có chương trình tầm soát ung thư dạ dày để phát hiện sớm. Tuy nhiên, ở các nước Châu Á, tỉ lệ mắc ung thư đường tiêu hóa chiếm hàng đầu, đã đưa ra chương trình tầm soát quốc gia. Nhật bản, khuyến cáo nội soi dạ dày mỗi 2 năm cho đối tượng trên 50 tuổi, hoặc chụp đối quang kép mỗi năm. Hàn quốc, khuyến cáo nội soi dạ dày mỗi 2 năm cho các đối tượng từ 40-75 tuổi.

Tại Việt nam, tỉ lệ ung thư dạ dày ngày càng nhiều và trẻ hóa, tỉ lệ nhiễm HP cao, bạn nên quan tâm đến sức khỏe hơn, nên gặp bác sĩ để có hướng chẩn đoán chứ đừng tự ý đến nhà thuốc mua thuốc uống vì có thể mang tai họa về sau.

* Khi bị HP dạ dày, tôi cảm giác như đang mang "án tử treo lơ lửng" chờ tới ngày vậy. Có thể cho tôi biết những điều cần biết tránh hoang mang quá độ không ạ? (Trần Trọng Nguyên, 38 tuổi, Nguyen.tran@...)

- Bạn yên tâm vì nhiễm HP có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc nội khoa.

* Theo tôi tìm hiểu, y học hiện tại đã có những bước tiến quan trọng giúp nhận diện các tổn thương tiền ung thư có nguy cơ tiến triển cao hơn, nhận diện UTDD ở giai đoạn trứng nước - khi tế bào ung thư mới chỉ nằm ở trên lớp tế bào bề mặt của niêm mạc dạ dày, nhờ đó người bệnh có thể được chữa lành hoàn toàn bằng những kỹ thuật nội soi ít xâm lấn. Tôi có thể đến bệnh viện nào để được thực hiện như trên ạ? (Minh Nhựt, 40 tuổi, nhut.minhnguyen@...)

- Đúng vậy. Nếu phát hiện Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm có thể điều trị tối thiểu như vậy. Bạn có thể đến các bệnh viện, chuyên khoa ung bướu để thăm khám.

* Đối với ung thư vú đã từng có người cắt bỏ để phòng ngừa ung thư. Vậy đối với ung thư dạ dày nếu thực hiện phương pháp này để phòng ngừa thì có được bệnh viện chấp nhận không? Nếu được thì có ảnh hưởng gì sau phẫu thuật? Cần có những lưu ý nào trong sinh hoạt thường ngày? (Mộng Thu, 48 tuổi, thunguyen@...)

- Không ai làm như vậy cả. Phương pháp tốt nhất, an toàn nhất là Bạn nên tầm soát định kỳ.

* Tôi muốn tìm hiểu rõ về phương pháp nội soi dạ dày, ngoài chẩn đoán phương pháp còn giúp can thiệp sớm trong điều trị bệnh lý dạ dày không ạ? (Kim Yến, Đồng Nai, kimyen@. ..)

- Hoàn toàn được, vì nội soi dạ dày ngoài để chẩn đoán ung thư ra, còn để điều trị bệnh lí dạ dày khác như: Chảy máu dạ dày…

* Các bác sĩ khuyên nên nội soi định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày để được lấy mẫu sinh thiết và can thiệp sớm. Tuy nhiên, cũng có một số bác sĩ khuyên hạn chế nội soi bởi khả năng lây nhiễm từ ống nội soi do khâu thanh tiệt trùng chưa được đảm bảo hoặc tỷ lệ sai sót vẫn có. Xin cho ý kiến về quan điểm này. Cám ơn. (Bích Phượng, 32 tuổi, Đồng Nai)

- Nên soi dạ dày định kì theo yêu cầu bác sĩ là tốt, không nên quá lo sợ vì khâu thanh trùng không bảo đảm, Khâu thanh trùng bệnh viện hiện tại đã nâng cao chất lượng rất nhiều nhất là ở các cơ sở y tế chất lượng cao.

* Mẹ tôi có thói quen uống nghệ bột và mật ong vào mỗi buổi sáng, xen kẻ là nước chanh mật ong vừa để tốt cho dạ dày vừa để thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, tôi rất ái ngại khi sáng sớm dạ dày còn đang trống rỗng lại uống chanh có nhiều axit kèm mật ong ngọt thì có tốt cho dạ dày không? Về lâu dài có ảnh hưởng đến ung thư dạ dày không? Xin cám ơn. (Bình An, 35 tuổi)

Không đáng lo ngại bạn nhé.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp