Mệ Tuyết luôn nở nụ cười phúc hậu - Ảnh: TRẦN MAI
Tôi thương mệ nhất là lúc mệ ôm chầm lấy bệnh nhi và khóc nức nở khi tiễn đưa một chiến binh nhí dừng bước để về nhà. Có tình yêu thương rất lớn với bệnh nhi ung thư mới làm được như vậy.
Điều dưỡng TRƯƠNG THỊ KIM YẾN
Chúng tôi đến làng hương Thủy Xuân vào buổi trưa giữa tháng 6, cái nắng miền Trung phả hơi nóng hầm hập. Ở số 69 đường Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Xuân, TP Huế có một quán bán hương và đồ lưu niệm nhỏ tên Mệ Tuyết, chủ quán là bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (72 tuổi) - người được dân mạng gọi là "bà tiên", "Phật sống".
Từ khi gặp bà đến lúc kết thúc câu chuyện, chúng tôi cũng phải ôm bà và thốt lên "Mệ Tuyết đúng là Bồ Tát".
Ánh mắt sầu muộn
bức tranh, ảnh du khách quý mến đã chụp, vẽ tặng mệ Tuyết - Ảnh: TRẦN MAI
"Vào đây cho đỡ nắng con, cho xe vào đây", mệ Tuyết nghĩ chúng tôi là du khách nên cất lời. Khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên muốn tìm hiểu câu chuyện phát tâm, mệ Tuyết nói: "Thôi mệ dị lắm, không có chi mô con nạ".
Một lúc trò chuyện, thuyết phục và mong mệ lan tỏa yêu thương đến với mọi người, để ai cũng phát tâm giúp người, mệ bắt đầu câu chuyện của mình bằng câu nói: "Khi nhìn những ánh mắt sầu muộn, mệ không chịu nổi".
Ánh mắt đầu tiên là từ những người thân trong gia đình mệ bị ung thư. Mười mấy năm trước, mệ chứng kiến người em trai hướng đôi mắt hốt hoảng khi mắc phải ung thư đại tràng, em dâu đi qua đi lại rồi cũng hướng đôi mắt vào hư không. Bất lực. Mọi thứ thật bấp bênh trong thời khắc ấy.
Với mệ Tuyết, đó là ánh mắt tuyệt vọng, mọi thứ như sụp đổ. Dĩ nhiên tình thân cũng khiến mệ đau đớn. Căn bệnh ấy cứ ám ảnh cả đời mệ, kể cả trong giấc ngủ.
Từ ngày thấy những đôi mắt người thân, tâm nguyện của mệ là dành những năm tháng còn lại giúp đỡ người bệnh.
Và lại là ánh mắt.
Tám năm trước, mệ vào Bệnh viện Trung ương Huế phát quà, đi ngang qua khu vực dành cho bệnh nhi ung thư. Những cô cậu bé đầu không còn sợi tóc hướng đôi mắt nhìn mệ. "Ánh mắt buồn không thể tả được con ơi, không có một sức sống. Mệ nhìn mà đau như cắt ruột", mệ nói.
Rồi mệ kể về đôi mắt của bé Thanh Trúc bị ung thư giác mạc nằm ở phòng 502, Bệnh viện Trung ương Huế. Từ ngày vào viện mệ đã gặp Trúc. Cô bé có đôi mắt trong veo nhìn mệ phải phẫu thuật. Trúc sử dụng con mắt còn lại để đợi chờ.
Thấy bóng dáng mệ Tuyết, Thanh Trúc lao ra đón, mừng rỡ bám lấy chân. Mệ hỏi và bác sĩ bảo khỏe 90%, mệ mừng lắm. Vậy mà ba tháng sau, Trúc chỉ còn ánh mắt cố mở để nhìn mệ, đôi tay không đủ sức giữ quà.
"Mệ quá thương cháu, mệ chỉ biết khóc thôi. Lúc đó mệ khấn trời nếu có sự đánh đổi, mệ bằng lòng chết để cháu sống. Mà nào có được con, cuộc đời là cuộc đời. Hôm sau, bố Trúc báo cháu đã mất", mệ Tuyết kể.
Hay cháu Long Nhật, quê ở Quảng Bình, bị ung thư xương, chân Nhật cứ tháo dần, tháo dần đến tận đùi. Những lúc cơn đau bỏ đi, Long Nhật nhận quà rồi nhìn mệ Tuyết bảo rằng: "Con khỏe lại mệ cho con chân giả nghen".
Mệ Tuyết đã biết thông tin về sự di căn của khối u trong người Nhật, nhưng nhìn ánh mắt Nhật mệ Tuyết đã làm trái quy tắc của mình là nói dối vừa hứa tặng chân giả cho Nhật.
"Mệ từng nói với mình đừng gian dối khi đứng trước người bệnh. Nhưng cuối cùng mệ đã nói dối với Nhật. Chao ôi, làm sao mà nói sự thật được", mệ Tuyết trải lòng.
Mệ Tuyết chụp ảnh cùng nhóm du khách đến từ Hà Nội. Nhóm biết việc làm thiện tâm của mệ từ trước nên rất quý mến mệ - Ảnh: TRẦN MAI
"Nếu có thể hãy cho đi"
72 tuổi, thân hình chưa đến 40kg và bán hương, nhưng sẽ rất sốc nếu nghe con số khoảng 500 bệnh nhân được mệ giúp mỗi lần. Mỗi suất là một phần quà và bao lì xì 100.000 đồng. Những trường hợp quá khó khăn, mệ sẽ giúp nhiều hơn.
Số tiền dành cho mỗi chuyến thiện nguyện khoảng 60 triệu đồng, rất lớn với một người cao tuổi như mệ. Nhưng mệ bảo rằng trời thương, mệ vẫn đủ, thậm chí có đợt chỉ 15 ngày đã gom đủ số tiền và liên hệ với bệnh viện để trao quà.
Cuộc đời mệ là nỗi ám ảnh của ánh mắt người ung thư. Có lần phát quà, mệ thấy dư một phần quà và nhớ ra một cậu bé chưa nhận, thế là mệ chạy đi tìm. Một người phụ nữ đã nói: "Ung thư trước sau gì không chết mà đi tìm cho cực". Mệ Tuyết giận lắm, và nói: "Chị đừng nói như thế với tui, mai cháu mất hôm nay tôi vẫn trao quà. Nếu đó là con cháu chị, chị có nói câu đó không?". Người phụ nữ đó im lặng. Mệ tiếp tục đi tìm nhưng cháu đã "về nhà" từ chiều hôm trước".
Số tiền mệ có được nhờ quán hương nhỏ. Rồi mệ kể về những du khách ở tận miền Tây, hay tận miền núi phía Bắc tìm đến mệ. Họ chụp hình, trò chuyện, mua sản phẩm, rồi biếu tiền để mẹ trao cho bệnh nhân.
"Có lần, một người khách đến thăm, trước khi ra về gửi mệ một phong bì mong mệ giúp các cháu. Khách về, mệ mở ra xem đến tận 10 triệu đồng. Giờ nhiều người chung tay với mệ lắm", mệ Tuyết cười hiền.
Mệ Tuyết rất cẩn thận, ai giúp gì mệ đều ghi lại.
Thời gian chúng tôi ngồi trong quán mệ, có rất nhiều nhóm du khách tìm đến. Chị Quỳnh, anh Vân vừa cưới nhau. Trong những chuyến đi chơi sau hôn lễ, anh chị đã chọn Huế chỉ vì nơi đó có mệ Tuyết.
Chị Quỳnh chia sẻ: "Tôi rất cảm động khi xem những video về mệ lan truyền trên mạng. Tôi và chồng muốn ghé đến thăm mệ, mua vài món quà lưu niệm để mệ cho thêm chi phí giúp bệnh nhi ung thư".
Mệ Tuyết, người vẽ nên những câu chuyện đẹp cho bệnh nhi ung thư - Ảnh: TRÂN MAI
Dương cùng nhóm bạn vừa từ Hà Nội vào Huế du lịch, cô lập tức tìm đến quán mệ, thuê đồ chụp ảnh. Dương cũng biết mệ thông qua mạng xã hội. Nhóm chọn đi Huế chỉ để gặp mệ. Cuộc tâm tình giữa những người xa lạ mà trở nên thân quen, mệ Tuyết bảo với nhóm bạn của Dương rằng, nếu có thể, hãy cho đi.
Các con đến viện, nhìn những cháu bé bị ung thư, đứa nào cũng khát khao được sống. Vậy nên trong cuộc sống có bế tắc gì cũng không nên nghĩ quẩn, làm những điều sai trái với bản thân mình và làm đau lòng người thân. Được khỏe, được làm điều mình thích đã là phước phần rồi các con à.
MỆ TUYẾT
Dương thay mặt nhóm bạn gửi đến mệ một chút tấm lòng để mệ giúp đỡ bệnh nhi - Ảnh: TRẦN MAI
Không còn khoảng cách tuổi tác, giọng nói vùng miền, những tâm hồn trẻ đã tìm được nơi nương náu và bình yên trong tâm hồn. Mỗi câu chuyện của mệ là một bài học về thái độ sống đối với tất cả. Trước khi tạm biệt, cả nhóm ôm lấy mệ, và gửi mệ một phong thư với dòng chữ "Ủng hộ bệnh nhân, cảm ơn mệ Tuyết".
Trong gian hàng đơn sơ so với các cửa hàng ở làng hương, câu chuyện của tình người được thắp lên. Mệ Tuyết không phải đang bán hương và sản phẩm du lịch với những gói quà lưu niệm bày biện, mệ đang lấy tấm lòng đong tình người, vun đắp thiện tâm trong mỗi người tìm đến.
Bồ Tát giữa đời
Trong đợt dịch COVID-19 căng thẳng, mệ Tuyết điện cho y tá Yến ở Bệnh viện Trung ương Huế hỏi có bao nhiêu bệnh nhi để mệ đến phát quà. Y tá Yến bảo có 3, mệ nói "Ít quá mà đi lại khó khăn, để đợt sau mệ đi". Nhưng rồi y tá Yến nói: "Mệ ơi, các con đang chờ mệ" khiến mệ nhói lòng. Từ đó, dù ít hay nhiều mệ đều đi. Y tá Yến mệ nhắc là chị Trương Thị Kim Yến, điều dưỡng trưởng - khoa nhi tổng hợp 2 (Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế).
Chị Yến bảo: "Mệ Tuyết như Bồ Tát sống". Sự hiện diện của mệ ở bệnh viện là liều thuốc chữa lành cho bệnh nhi. Bọn trẻ coi mệ như người thân, lúc nào cũng vây lấy mệ. Thậm chí vài ngày mệ là người chủ động liên hệ chị để hỏi có bệnh nhân nào thiếu thốn quá để mệ hỗ trợ.
Còn ông Hồ Ngọc Vĩnh (40 tuổi, hàng xóm của mệ Tuyết) kể rằng mệ sống kham khổ, quần áo cũ kỹ, sáng ăn ổ bánh mì hay gói xôi, khuyên mệ thay đổi nhưng mãi không được. Có lần ông đã "dỗi" mệ vì "nói hoài mệ không nghe". Nói là "dỗi" mệ nhưng vợ chồng ông Vĩnh vẫn đều đặn phụ mệ chở bánh kẹo lên Bệnh viện Trung ương Huế.
"Được đi cùng mệ Tuyết lên viện, tôi thấy lòng mình nhẹ lắm. Mệ không chỉ mang lại niềm vui cho lũ trẻ mà còn giúp những người lớn như tôi, như người nhà bệnh nhi và cả các bác sĩ có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật", ông Vĩnh trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận