12/07/2017 15:55 GMT+7

​Ung thư da: phát hiện sớm – điều trị hiệu quả

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định

Hầu hết ung thư da phát sinh do ảnh hưởng kéo dài tác dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, ung thư da được phát hiện từ các nguyên nhân khác như tia phóng xạ, các sản phẩm của nhựa than đá, thạch tín, hóa chất diệt cỏ…

Ung thư da là gì

Ung thư da là ung thư xuất phát từ biểu mô da che phủ mặt ngoài cơ thể bao gồm ung thư tế bào gai, ung thư tế bào đáy và ung thư xuất phát từ các tuyến phụ thuộc da bao gồm ung thư tuyến bã, ung thư tuyến mồ hôi.

Ngoài ra còn có sarcom Kaposi gặp trong bệnh AIDS và ung thư hắc tố da. Ung thư da hiện không nằm trong 10 bệnh ung thư thường gặp. Tỷ lệ mới mắc ung thư da ở Việt Nam đối với nam là 3,2/100.000 và đối với nữ là 3,1/100.000.

Ung thư da thường gặp ở người già, nam nhiều hơn nữ. Bệnh hay xuất hiện ở vùng da hở. Ung thư da là một trong những ung thư dễ chẩn đoán và điều trị đạt kết quả tốt nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, cũng như những ung thư khác, ung thư da nếu để trễ hiệu quả điều trị không cao và tử vong do di căn xa.

Có 2 loại ung thư da phổ biến ở Việt Nam là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai.

- Ung thư da tế bào đáy là ung thư xuất phát từ lớp tế bào nằm ngay trên màng đáy của da. Loại ung thư này hay gặp ở người già, đa số ở vùng mặt, chiếm khoảng 65% trong tổng số các ung thư da. Đặc điểm chính của loại ung thư này là phát triển chậm, thường không di căn và tiên lượng tốt.

- Ung thư da tế bào gai xuất phát từ lớp tế bào gai. Loại này thường xuất hiện trên nền sẹo cũ, đa số ở vùng tay chân, chiếm khoảng 25% trong tổng số các loại ung thư da. Loại ung thư này tiến triển nhanh, thường di căn hạch, di căn xa và tiên lượng xấu.

Hầu hết ung thư da phát sinh do ảnh hưởng kéo dài tác dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, ung thư da được phát hiện từ các nguyên nhân khác như tia phóng xạ, các sản phẩm của nhựa than đá, thạch tín, hóa chất diệt cỏ… Hơn nữa, những người không thường xuyên bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và những người thường xuyên làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân làm đường, thủy thủ… cũng dễ mắc bệnh. Những người bị bệnh khô da nhiễm sắc hoặc những người bị bạch biến có nguy cơ cao.

Triệu chứng

Có 4 triệu chứng báo hiệu giúp chẩn đoán sớm ung thư da: vết loét lâu liền thỉnh thoảng lại chảy máu hoặc có thể lành sau đó tái phát lại. Thay đổi tại một vùng da bị sừng hóa có loét, nổi cục, dễ chảy máu. Vết loét hay nổi cục trên bề mặt sẹo cũ, một đường dò cũ hoặc trên nền da đã xạ trị từ trước. Một mảng đỏ mạn tính có loét.

Khi có các triệu chứng báo hiệu ung thư da đã kể trên như: loét lâu liền hoặc rớm máu; biến đổi dày sừng có loét, nổi cục, dễ chảy máu; loét hoặc nổi cục trên bề mặt sẹo cũ; mảng đỏ mạn tính có loét nên đến ngay cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.

Ung thư da tế bào đáy hay gặp ở vùng mặt. Thể điển hình, khởi đầu là một vết loét nhỏ, có bờ, đáy nhẵn, đóng vẩy. Vết loét thường xuất hiện từ mụn cơm, nốt ruồi, nốt xơ da nhiễm sắc. Giai đoạn trễ, vết loét to có bờ, lan theo bờ nông ít xâm lấn sâu, vết loét có thể làm lộ xương mặt, nhiễm trùng, nề đỏ xung quanh. Không di căn hạch.

Ung thư da tế bào gai hay gặp ở tay chân và da đầu, thường xuất phát từ sẹo bỏng. Thể điển hình là khối u sùi, bề mặt mủn nát dễ chảy máu. U càng lớn càng dễ loét có hình dạng như súp lơ, mùi hôi, đau, nề đỏ xung quanh. Khối u tiến triển nhanh làm biến dạng, lộ xương, nhiễm trùng. Thường di căn hạch.

Cũng như những ung thư khác, việc chăm sóc theo dõi sau điều trị ung thư da rất quan trọng. Bệnh nhân cần được khám lại định kỳ trong thời gian 5 năm sau điều trị nhằm phát hiện tái phát tại u, tái phát hạch vùng hoặc phát hiện di căn xa.

Phòng ngừa

Cần phải bảo vệ da của bạn để loại bỏ nguyên nhân và hạn chế yếu tố nguy cơ gây ung thư da bằng cách: mặc áo nhiều màu hoặc màu tối bằng các chất liệu tự nhiên sẽ bảo vệ da bạn tốt hơn là mặc áo màu sáng bằng chất liệu nhân tạo. Khi làm việc ngoài trời cần sử dụng nón, mũ hoặc màn che nắng, cần sử dụng nón mũ rộng vành để che được cả đầu, mặt cổ.

Khi làm việc có tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ cần phải có biện pháp bảo vệ như đeo găng, đi ủng, quần áo bảo hộ, kính, mặt nạ… Hạn chế làm việc ngoài trời nắng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ, tránh và điều trị kịp thời các triệu chứng viêm nhiễm trên da.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cố gắng không cho tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào buổi trưa từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Nếu phải ra ngoài nên dùng các biện pháp bảo vệ như che dù, đội mũ, nón… Khi có bất kỳ tổn thương nào ở da nên tới cơ sở chuyên khoa để khám. Mọi phát hiện và chẩn đoán sớm đều tốt cho bạn trong việc điều trị triệt để. Ung thư da có thể phòng ngừa được và dễ dàng phát hiện sớm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ung thư da
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp