Phóng to |
Ảnh minh họa: CNN |
Dù đó là câu hỏi về mặt kỹ thuật bạn chưa từng biết tới hay câu hỏi hoàn toàn nằm ngoài dự tính, nó có thể khiến bạn phải lao đao và làm ảnh hưởng tới kết quả phỏng vấn. Vậy bạn nên làm gì khi gặp phải câu hỏi mà mình không biết câu trả lời? Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Tận dụng thời gian
Điều đầu tiên nên làm khi nghe một câu hỏi khó là nhắc lại câu hỏi và nói rằng bạn đang nghĩ về nói: “Đó là một câu hỏi rất thú vị. Hãy để tôi suy nghĩ về điều này!”. Cách trả lời như vậy giúp bạn có thêm chút thời gian để hình thành câu trả lời.
Phản ứng đó rất tự nhiên nhằm lấp đầy khoảng trống, tránh sự im lặng ngại ngùng cho cả đôi bên. Lúc đó, hãy tập trung suy nghĩ và đảm bảo không thốt ra điều gì thể hiện rõ nét sự bối rối hoàn toàn của bạn.
Nói lên suy nghĩ của mình
Hãy nhớ rằng đa số nhà tuyển dụng đặt ra những câu hỏi mẹo không phải để nghe bạn trả lời chính xác ngay lập tức mà để hiểu rõ hơn bạn nghĩ ra sao về vấn đề. Do đó, sau khi bạn dành 1 phút để tập trung suy nghĩ, hãy cố gắng giải thích ngắn gọn cách bạn tư duy để đưa ra câu trả lời.
Chẳng hạn, nếu bạn được hỏi: “Hãy cho tôi biết quá trình anh/chị biên tập những bài viết dài” và bạn thực sự chưa có kinh nghiệm đó, một cách tiếp cận tốt là tưởng tượng bạn đang chỉnh sửa một bài viết và chia sẻ các bước đó. Thêm các trạng từ như “thứ nhất”, “thứ hai”, “sau đó” và “cuối cùng” để tạo cấu trúc cho câu trả lời của bạn. Bạn cũng có thể kết thúc câu trả lời bằng “Quá trình này khác nhau phụ thuộc vào từng tình huống”. Điều này chứng tỏ bạn là người linh hoạt thậm chí nếu câu trả lời của bạn không phải là điều nhà tuyển dụng mong muốn.
Đổi hướng câu hỏi
Nếu bạn được hỏi điều mình không thực sự biết, hãy cố gắng chuyển hướng câu hỏi sang vấn đề quen thuộc hơn với bạn. Bạn có thể không nói tới một kỹ năng nào đó trực tiếp nhưng nếu bạn có thể kết nối với những kỹ năng tương tự, bạn sẽ thể hiện tốt hơn là chỉ nói bạn không có kỹ năng họ đang tìm kiếm.
Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển cho vị trí đòi hỏi kinh nghiệm marketing qua mạng xã hội và được hỏi về kinh nghiệm của bạn trong loại hình marketing này, nếu bạn không có kinh nghiệm đó, hãy cố gắng chuyển hướng câu trả lời tới vấn đề bạn đã có kinh nghiệm.
Chẳng hạn, bạn có thể chuyển tới kinh nghiệm của mình trong việc quản lý mạng xã hội hay marketing qua báo giấy và nói: “Đó là một trong những lý do tôi rất hứng khởi với vị trí này. Tôi đã có kinh nghiệm trong việc quản lý mạng xã hội bằng việc viết blog, cũng như kinh nghiệm thiết kế marketing qua báo giấy cho công ty cũ. Tôi nghĩ rằng mình đã được trang bị để kết hợp 2 kỹ năng đó vào sự cần thiết của hoạt động marketing qua mạng xã hội cho sản phẩm của công ty, đặc biệt khi hiện tại công ty đã tập trung nỗ lực xây dựng được một cộng đồng mạng xã hội khá tốt”.
Thừa nhận sự thiếu sót một cách an toàn
Tất nhiên, bạn có thể được hỏi một câu mà không thể được giải quyết bằng các cách thức trên. Đó có thể là câu hỏi đòi hỏi định nghĩa hay hiểu biết về các khái niệm mà bạn hoàn toàn không biết. Đối với những câu hỏi như vậy, hãy dựa vào nghiên cứu bạn đã thực hiện về công ty và lĩnh vực, vị trí tuyển dụng.
Giả sử bạn ứng tuyển vào vị trí M&A (Mua bán và sáp nhập) trong lĩnh vực tài chính và được hỏi “Vốn lưu động là gì?”, bạn không biết câu trả lời. Hãy chuẩn bị cho câu trả lời dự phòng an toàn, tập trung vào nhiệt huyết của bạn với vị trí và sự hiểu biết về lĩnh vực.
Câu trả lời có thể là: “Đó không phải là khái niệm quen thuộc với tôi nhưng tài chính là lĩnh vực rất thú vị và tôi đã tích cực học hỏi nhiều hơn. Tôi đã theo dõi các vụ giao dịch gần đây và đọc một chút về sự liên quan của công ty. Tôi cũng đã học nhiều về những lĩnh vực mà công ty hiện đang tư vấn. Tôi cho rằng sự hợp nhất đang diễn ra trong ngành công nghiệp tự động và tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn và đó là cơ hội để học hỏi nhiều hơn về lĩnh vực mua bán và sáp nhập”.
Trên tất cả, hãy học hỏi từ tất cả kinh nghiệm phỏng vấn của bạn. Và nhớ rằng dù câu hỏi bạn nhận được là gì, hãy xem xét xem nhà tuyển dụng đang cố gắng rút ra kết luận gì từ câu trả lời. Bạn có thể không trả lời câu hỏi được đặt ra nhưng nếu bạn có thể chỉ ra điều nhà tuyển dụng thực sự muốn biết từ câu hỏi và thích ứng, bạn đang có sự thể hiện tốt trong cuộc phỏng vấn.
Mọi chia sẻ, thắc mắc và bài vở cộng tác liên quan đến chuyện lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected]. (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận