Người dân đang phải trở lại làm quen với giá xăng dầu ở mức cao - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Cơ quan quản lý vẫn tự tin sẽ kiểm soát được mục tiêu lạm phát năm nay là 4%, dù 9 tháng đầu năm đã đến 3,57%.
Áp lực lên cước vận tải
Ông Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội) cho biết cách đây vài tháng ông đổ 1 triệu đồng tiền dầu cho chiếc xe bán tải của mình thì chạy được 1.000km, nhưng bây giờ cùng số tiền đó chỉ chạy đủ 800km mà thôi. Vậy là coi như mất thêm mỗi tháng 200.000 đồng tiền nhiên liệu.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cho biết xăng dầu trong ngành vận tải chiếm 35-40% giá thành nên khi giá nhiên liệu tăng, giá cước không thể đứng yên. Thực tế, hãng taxi Nguyên Minh của ông đã tăng 500 đồng/km. "Mức này cũng dự phòng cho đà tăng giá cuối năm" - ông Minh cho hay.
Các doanh nghiệp vận tải thủy bộ đều đang tính đến chuyện tăng giá cước, từ 8-10% trong thời gian tới vì "doanh thu đã giảm 5%", theo đại diện của Tổng công ty Đường sông miền Nam - đơn vị vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu và ĐBSCL.
Giá xăng dầu tăng, không chỉ vận tải mà hàng loạt các loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng "điều chỉnh", bắt buộc có, "té nước theo mưa" cũng có.
Ba kỳ điều hành gần nhất giá xăng tăng mạnh, nhưng theo một quan chức của Bộ Công thương, đến nay giá xăng E5 RON92 chỉ tăng 10,9% so với cuối năm 2017 và xăng RON95 chỉ tăng 6,2% so với thời điểm bắt đầu công bố giá cơ sở loại xăng từ 23-4-2018.
Theo vị này, bình quân tháng 9-2018 tăng 28,98 - 39,68% so với tháng 9-2017 và bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 26,17 - 38,1% so với 9 tháng đầu năm 2017.
Vận tải hàng hóa đang chịu áp lực khi xăng dầu tăng giá. Trong ảnh: bốc hàng ở chợ đầu mối nông sản - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Giãn tăng giá các mặt hàng khác
Vậy giải pháp điều hành giá sắp tới của cơ quan điều hành là gì, vì những tháng cuối năm, lạm phát phụ thuộc rất lớn vào giá của các mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm?
Bộ Công thương cho biết đã liên tục sử dụng quỹ bình ổn để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, trong 19 đợt điều hành giá có 7 lần tăng giá và 10 lần ổn định giá nhờ chi từ quỹ này, tổng cộng gần 19.000 đồng/lít. Quỹ bình ổn, đến hết tháng 8, đã chi khoảng 5.500 tỉ đồng, hiện còn dư hơn 3.000 tỉ đồng.
Bà Đỗ Thị Ngọc, - phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - cho rằng mức giá bình quân trong 9 tháng vẫn thấp hơn so với dự báo dưới 80 USD/thùng của cả năm và việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong ba kỳ gần đây vẫn "nằm trong tầm kiểm soát".
"Năm nay lạm phát điều hành dưới 4% và việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua vẫn nằm trong kịch bản điều hành lạm phát" - bà Ngọc khẳng định và giải thích thêm rằng giá lương thực sẽ không ảnh hưởng đột biến trong những tháng cuối năm vì nguồn cung dồi dào, còn "lo ngại nhất là giá xăng dầu thì hiện ta đang điều hành rất linh hoạt".
Đại diện của Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội cho rằng từ ngày 1-1-2019, mỗi lít xăng, dầu cõng thêm 500-1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường sẽ đương nhiên đẩy giá xăng lên tương ứng.
Vì thế, theo vị này, để giữ ổn định mặt bằng giá cả các mặt hàng hóa tiêu dùng, Chính phủ cần tính đến giải pháp giãn tiến độ, thậm chí xem xét ngưng tăng giá các mặt hàng hóa, dịch vụ như điện, học phí, viện phí mà Nhà nước quản lý.
Giá dầu thô cao nhất từ 2014
Giá dầu thô thế giới tăng cao do áp lực liên quan đến nguồn cung khi tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu xăng dầu (OPEC) đã tăng giá xăng đối với dân Mỹ.
Theo Reuters, giá dầu thô kỳ hạn đã ổn định vào cuối tuần này sau một tuần biến động khi dữ liệu thất nghiệp của Mỹ xóa bỏ những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trước thời hạn lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu Iran.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5-10, giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ tăng 1% lên mức 74,34 USD/thùng, tăng 1,5% trong tuần. Giá dầu thô Brent mất 20 xu/thùng còn 84,38 USD.
Tuy vậy, giá xăng dầu giảm nhẹ sau khi Saudi Arabia và Nga cho biết sẽ tăng một phần sản lượng để bù đắp cho sự gián đoạn từ Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC, sau khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia này có hiệu lực vào ngày 4-11.
Hiện giá xăng trung bình của châu Âu là 1,53 USD/lít, tăng 0,6% so với tuần trước đó, tại Úc tăng 2,7% trong khi ở châu Á tăng 0,6%, Nam Mỹ tăng 1% và Mỹ tăng 0,8%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận