30/08/2016 15:57 GMT+7

"Ủng hộ học sinh khiêng bàn ghế, ai gạch đá, tôi nhận hết"

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Phản hồi bài "Phụ huynh phản ứng vì học sinh tiểu học phải khiêng bàn ghế", một bạn đọc viết: "Tôi đồng ý hoàn toàn việc con tôi phải lao động trong trường. Ai gạch đá, tôi đây nhận hết".

Hình ảnh các em học sinh Trường tiểu học Phước Đồng, xã Phước Đồng, TP Nha Trang khiêng bàn ghế - Ảnh cắt từ clip

Sự việc diễn ra tại Trường Phước Đồng, xã Phước Đồng, TP Nha Trang và được một phụ huynh quay lại, đưa lên tài khoản Facebook có tên Nguyễn Duyên.

Hoàn toàn bình thường

Video clip đã được chia sẻ rất nhiều. Bạn đọc báo Tuổi Trẻ cũng rất quan tâm tới vấn đề này và đã gửi rất nhiều bình luận cho bài viết.

Bạn đọc Helen đưa ra ý kiến so sánh với cách dạy trẻ con của người Nhật: "Chúng ta ca ngợi giáo dục Nhật Bản luôn dạy trẻ em tự lập từ mầm non, nhưng con mình mà đụng tay đụng chân là phiền nha".

Cùng quan điểm, Phần Thế Vương viết: "Trời đất, những việc đó là hoàn toàn bình thường. Những trẻ em Nhật bằng tuổi đó đã bắt tay vào lao động tập thể rồi. Trẻ em cứ để chúng em lớn, tại sao đụng cái gì cũng phải bắt người lớn làm thay hết vậy?".

Rất nhiều bạn đọc cho rằng lao động là cần thiết cho trẻ em, giúp các em có kỹ năng hơn về sau này.

Thu Thu viết: "Lao động cũng là học tập rèn luyện, không nên nói quá lên thành chuyện đày đọa gì con trẻ. Nhất là ngày nay trẻ ít khi lao động chân tay, dễ sinh tính ỷ lại và sự ngại khó, ngại khổ. Rồi lại còn sinh tính ích kỷ, lười biếng nữa. Là một người mẹ, tôi thấy không có gì phải lên án về việc này!".

Lê Lộc thẳng thắn chia sẻ ý kiến: "Theo tôi thì không sao cả, tôi đồng ý hoàn toàn việc con tôi phải lao động trong trường. Ai gạch đá, tôi đây nhận hết".

Trong khi đó, nhiều bạn đọc khác lại nhắc đến những kỷ niệm của chính bản thân mình khi còn nhỏ đã từng lao động trong trường và cảm thấy tự hào về điều này.

Hay Minh Nhựt chia sẻ: "Việc các em học sinh cấp I khiêng bàn ghế là việc lao động rất bình thường. Ở đây là xây dựng tính đoàn kết để làm việc tập thể, như vậy không có gì là quá sức. Hồi còn học cấp I, tôi và các bạn cùng lớp còn làm cả việc dọn cỏ sân trường (hồi nhỏ ở quê sân trường bằng đất), quét rác sân trường, quét nước vào mùa mưa... Chính nhờ những việc xã hội, những buổi lao động mà giờ đây thế hệ 8X của tôi có rất nhiều người năng động, làm được rất nhiều việc có ích trong cuộc sống".

Một bạn đọc tên B.K. viết: "Cách đây 25 năm, tôi đi học tiểu học thì trong lớp luôn phân công trực nhật, quét lớp, lau bảng đen, lâu lâu làm vệ sinh trường với việc quét sân trường, làm cỏ, lau kính...

Lên cấp II vì là ở Đà Lạt nên một năm có đi trồng rừng một hay hai lần, đi trồng ở Dốc Trời (nghĩa địa Du Sinh đi lên nữa), cơm nước tự túc, dụng cụ tự mang, trường giao cho mỗi người 10 cây thông con, tự đào lỗ và trồng vô, cuối buổi có thầy cô đi kiểm tra.

Tôi còn nhớ lúc đó thời tiết Đà Lạt không đẹp lắm, buổi sáng thì lạnh vì có sương mù, trưa thì nắng, buổi chiều mưa to, cả trường trồng rừng xong về tới nhà thì cũng 6, 7 giờ, ai cũng lạnh run. Vậy mà vui. Tới thứ hai đầu tuần đi học lại, ai vắng mặt là biết người đó bị bệnh.

Cấp III thì cũng có đi trồng rừng và nạo vét suối Cam Ly. Vài kỷ niệm không bao giờ quên".

Nguyen Hoang Huan chia sẻ: "Hồi nhỏ khiêng hoài, cái này để rèn luyện khả năng làm việc nhóm thôi". Còn Lê Hồng Sơn nhận định: "Học sinh lớp 4, lớp 5 rồi, năm, sáu đứa khênh cái bàn mà mẹ xót ruột. Chính phụ huynh góp phần làm khó giáo dục con em họ".

Có rủi ro tai nạn?

Phần đông bạn đọc cũng lên án những phụ huynh quá cưng chiều con cái, không chấp nhận việc con mình lao động. 

Một bạn đọc tên Hoàng Lan nói: "Các ông bà phụ huynh cứ làm quá lên. Trẻ con phải làm việc như thế tôi nghĩ là rất bình thường. Đừng vì sợ con bẩn áo, nhăn quần mà không muốn con làm việc. Cha mẹ đang làm con mình dần lười lao động!". Hay "Phải tập cho trẻ biết giá trị và thành quả của lao động chứ!?", như bạn đọc Nguyên Trí viết.

Theo một số bạn đọc, việc quá cưng chiều con em của phụ huynh sẽ khiến việc giáo dục trở nên khó khăn hơn, như Pham Thuat nhận xét: "Để học sinh làm cho quen đi mấy thánh. Thương quá sinh tệ" hay Trần Nguyên viết: "Các em vừa làm vừa chơi vừa học thấy cũng vừa sức của các em lớp 5 giống như kiến tha mồi, đừng nuông chiều quá rồi hóa hư".

Đồng tình với quan điểm này, Lê Anh Tuấn gửi bình luận: "Bình thường thôi mà, giáo dục không phải chỉ có dạy chữ, dạy cách chia sẻ công việc, dạy cách sống. Đừng biến trẻ thành con mọt sách nhút nhát và tự kỷ".

Bạn đọc Lê Phương cũng chia sẻ: "Sướng quá hóa rồ. Ba mẹ mà kiểu này con cái lớn lên dễ hư đốn như chơi. Lao động là vinh quang, phải tập cho con em có tinh thần làm việc, giúp đỡ người khác thì mới thành người được".

Tuy nhiên, không phải bạn đọc nào cũng đồng tình việc cho trẻ em hoạt động chân tay trong điều kiện có rủi ro tai nạn cao.

Bạn Vu Duy cho rằng: "Việc lao động là bình thường, nhưng lao động cái gì và thế nào là một chuyện khác! Bản thân tôi mang tật trên mình nên tôi rất trân trọng những giây phút được lành lặn.

Bảo bọc con là không tốt, nhưng đừng đứng nhìn khi trẻ con đối mặt với những rủi ro mà hậu quả có thể mang theo cả đời!

Ở đây không phải là có làm hay không, nhưng mà làm thế nào! Cũng có thể khiêng bàn ghế, nhưng khiêng như trong đoạn phim là không được".

Bạn đọc Hoàng Thọ cho rằng: "Tạo điều kiện cho các em làm việc là tốt, nhưng phải là những công việc phù hợp. Luật lao động cũng nghiêm cấm làm việc trong điều kiện mất an toàn. Rõ ràng để các em làm như vậy là rất dễ xảy ra tai nạn. Nhà trường nên nghiêm túc nhận khuyết điểm!".

Tương tự, Anh Tuấn viết: "Những việc làm này là rất cần thiết. Rất tốt cho con em mình. Chỉ cần có thầy, cô giáo hướng dẫn cách làm việc và giám sát các cháu để tránh những tai nạn là được".

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp