Trong bối cảnh tình hình gian lận thanh toán số đang gia tăng đáng kể và gây thiệt hại nặng nề, việc ứng dụng AI được kỳ vọng sẽ giúp phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả các hành vi lừa đảo.
Thông tin trên được nhiều diễn giả thảo luận tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt", do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, Sở Công Thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 14-6 tại TP.HCM. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024".
Việt Nam: Điểm nóng của lừa đảo trực tuyến
Theo PGS.TS Trần Hùng Sơn - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số.
Tỉ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%). Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển chỉ ghi nhận tỉ lệ thiệt hại rất thấp như Bỉ, Ireland (0,1%) hay Hà Lan (0,2%).
Các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất... Đáng chú ý, tỉ lệ các vụ lừa đảo được xác nhận tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 5 điểm phần trăm trong năm 2023, lên mức 54%.
Để đối phó với tình trạng gian lận gia tăng, PGS.TS Trần Hùng Sơn đề xuất các ngân hàng và doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng AI và máy học để phát hiện gian lận được xem là một phương pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả.
Thông qua các thuật toán thông minh, hệ thống AI có thể liên tục phân tích hành vi giao dịch, nhận diện các dấu hiệu bất thường và đưa ra cảnh báo kịp thời cho đơn vị vận hành cũng như khách hàng. Bằng cách "học hỏi" liên tục từ dữ liệu, AI ngày càng trở nên thông minh hơn trong việc phát hiện các hình thức gian lận mới.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin gian lận giữa các bên liên quan. Các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần chủ động hợp tác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về gian lận, đồng thời thống nhất quy trình xử lý chung. Việc hoàn thiện hệ thống định danh số cũng sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng ngừa gian lận trong thanh toán.
Sự phát triển của các hình thức thanh toán số mới cũng là một thách thức đặt ra cho công tác bảo mật. Vì vậy, cơ quan quản lý cần chủ động xây dựng hành lang pháp lý để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán số và ngăn ngừa rủi ro gian lận.
Không kém phần quan trọng, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo mật cho người dùng là việc cần được chú trọng để góp phần ngăn chặn lừa đảo khi mà ứng dụng di động ngày càng trở thành mục tiêu ưa thích của kẻ gian.
Ngân hàng tăng tốc ứng dụng AI chống lừa đảo
Ông Robert Trần - phó tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ an toàn thông tin EY Việt Nam - cũng đánh giá cao sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa ra các tiêu chuẩn bảo mật chặt chẽ cho các ngân hàng. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này, tuy hiện tại còn đòi hỏi nỗ lực từ một số ngân hàng, nhưng sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc trong tương lai để đảm bảo an toàn hệ thống.
Về phía các ngân hàng, bà Phạm Châu Loan - phó trưởng phòng phát triển kênh số và đối tác Vietcombank - cho biết đơn vị này đang tích cực triển khai các giải pháp sinh trắc học theo quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch. Việc xác thực sinh trắc học khách hàng vừa đảm bảo tính chính xác, tin cậy của dữ liệu, vừa không gây cản trở cho trải nghiệm giao dịch của người dùng.
Triển khai quyết định 2345, Vietcombank đã đầu tư hạ tầng công nghệ, trang thiết bị cần thiết phục vụ việc thu thập dữ liệu sinh trắc học. Đồng thời, ngân hàng ứng dụng các công nghệ về sinh trắc học tiên tiến để tạo ra trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng trong quá trình đăng ký và xác thực giao dịch bằng sinh trắc học.
Cùng với đó, Vietcombank còn tích hợp với hệ thống Bộ Công an để kiểm tra đảm bảo quá trình thu thập dữ liệu sinh trắc học nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng.
Nhằm mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng khi đăng ký dữ liệu sinh trắc học để giao dịch với Vietcombank, Vietcombank triển khai ba giải pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học với khách hàng Việt Nam.
Thứ nhất là thu thập tại điểm giao dịch của ngân hàng đối chiếu thông tin căn cước công dân gắn chip mà khách hàng xuất trình.
Thứ hai là thu thập online trên VCB Digibank (định danh bằng tài khoản VneID). Giải pháp này sẽ kiểm tra khớp đúng thông tin, dữ liệu khuôn mặt của khách hàng với tài khoản VNeID cấp độ 2 của khách hàng. Do vậy, khách hàng cần có tài khoản VneID.
Thứ ba, Vietcombank thu thập online trên VCB Digibank (định danh bằng căn cước công dân). Vietcombank ứng dụng công nghệ NFC để đọc dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip, đối chiếu ảnh chụp khuôn mặt khách hàng với ảnh trong chip của căn cước công dân. Với cách này, khách hàng cần có căn cước công dân gắn chip và điện thoại có chức năng NFC.
Vietcombank khuyến khích khách hàng thu thập sinh trắc học trên kênh số. Còn thu thập sinh trắc học tại quầy với khách hàng không có tài khoản VNeID cấp độ 2, hoặc điện thoại không có NFC, hoặc khách hàng là người nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận