Phóng to |
Rác thải trên bờ biển |
Với tựa đề "Tình trạng môi trường biển", báo cáo của UNEP ghi nhận có nhiều tiến bộ trong việc đáp ứng 3 trên 9 "tiêu chí chủ chốt", trong đó có việc giảm tới 90% ô nhiễm khí hyrdo cacbua từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20 nhờ những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực vận tải biển, hạn chế và cấm sử dụng các chất hữu cơ gây ô nhiễm lâu dài (như thuốc trừ sâu và một số hoá chất) theo quy định trong Công ước Stockholm năm 2001 và giảm bớt các chất phóng xạ.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh tới 4 vấn đề có xu hướng xấu đi, đặc biệt là việc đổ nước thải và rác ra biển, và quá nhiều thực phẩm hữu cơ trong nguồn nước. Các chuyên gia UNEP cảnh báo các chất hữu cơ này (chủ yếu nhiều đạm và photpho) phát sinh từ rác thải nông nghiệp và động vật, biến đất đai tại các vùng ven biển trở nên màu mỡ tạo thành môi trường lý tưởng cho các loại tảo độc sinh sôi, phát triển và do đó xuất hiện ngày càng nhiều "vùng chết và thiếu khí oxy", gây mất cân bằng hệ sinh thái bờ biển.
Các chuyên gia UNEP dự báo khoảng 80% sự ô nhiễm biển đến từ đất liền và tình trạng này sẽ tiếp tục tăng từ nay đến năm 2050; đồng thời nhấn mạnh vấn đề này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các khu vực đang phát triển, do đó cần sự hỗ trợ lớn về tài chính để khắc phục tình trạng này.
Báo cáo cũng cho biết hiện nay, gần 40% dân số thế giới sống tại các vùng ven biển hẹp (chỉ chiếm 6,7% diện tích bề mặt Trái Đất) và phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mật độ dân số tại khu vực bờ biển có thể tăng từ 77 người/1 km vuông hồi năm 1990, lên tới 115 người/1 km vuông vào năm 2025.
Báo cáo trên, do Chương trình hành động toàn cầu (GPA, có trụ sở ở La Hey) thuộc UNEP soạn thảo, sẽ được chuyển cho hơn 100 nước tham khảo, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị GPA lần thứ 2 với chủ đề "Chương trình hành động toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường biển", dự kiến tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 16 đến 20-10-2006.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận