22/12/2021 08:17 GMT+7

Ùn ứ cửa khẩu, nông sản về 'tắm ao ta'

N.BÌNH - C.TUỆ - M.TRƯỜNG
N.BÌNH - C.TUỆ - M.TRƯỜNG

TTO - Ùn ứ cửa khẩu phía Bắc kéo dài, nhiều doanh nghiệp quay về "ta tắm ao ta", bán ở thị trường nội địa. Nhiều siêu thị cho hay sẵn sàng hỗ trợ nếu có kết nối.

Ùn ứ cửa khẩu, nông sản về tắm ao ta - Ảnh 1.

Nhiều chủ hàng bán tháo mít ở TP Lạng Sơn sau khi bị ùn ứ tại cửa khẩu - Ảnh: GIA TƯỞNG

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh mấy ngày qua có hiện tượng đổ bỏ mít, thanh long bị hư hỏng. Một số chủ hàng khác đã điều lái xe chở hàng quay lại TP Lạng Sơn, đỗ dọc quốc lộ 1 để "bán tháo" với mong muốn gỡ gạc lại phần nào.

Đã chủ động đưa hàng quay về

Khoảng gần một tháng qua, xuất khẩu trái cây qua Trung Quốc gặp khó khiến nhà vườn ở Tiền Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá mít ở mức thấp kỷ lục. Những ngày này, các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre giá mít Thái chỉ khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, theo các nhà vườn, đủ gỡ gạc một phần phân, thuốc chứ không có lời.

Bà Trần Thị Kim Búp - giám đốc Công ty TNHH trái cây Kim Búp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - cho hay có nhiều xe hàng phải đậu lại hàng chục ngày khiến mít bị thối, hư hại. "Một số xe quay đầu lại để bán tại Hà Nội, Hải Phòng để bù vào tiền cước. Riêng tiền hàng coi như mất trắng" - bà Kim Búp cho biết.

Theo bà Búp, do việc xuất khẩu khó khăn nên lượng hàng thu gom cũng chậm lại, dẫn đến các nhà vườn trong giai đoạn này cũng chỉ rải phân để cầm chừng cho cây chứ không để trái.

Bà Nguyễn Ngọc Phương Thảo - giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Song Toàn Phát (tỉnh Tiền Giang) - cho biết hiện công ty của bà đang bị kẹt 20 container mít và thanh long tại biên giới phía Bắc. Một số chuyến hàng đã tắc một tháng nên doanh nghiệp phải cho quay đầu về tiêu thụ trong nước. "Nhưng cước từ Tiền Giang đến Lạng Sơn khoảng 112 triệu đồng. Bán tháo số hàng trên chỉ được 40 - 50 triệu đồng" - bà Thảo nói.

Anh Vũ Văn Chung (ở Lạng Sơn) cho hay hơn 20 tấn mít được lấy từ Tiền Giang để xuất khẩu sang Trung Quốc cách đây 25 ngày nhưng đành phải quay đầu về Lạng Sơn để bán. "Được quả nào đỡ quả nấy. Nếu quay sớm thì bán tầm được 100 triệu đồng/xe, gần đủ tiền cước xe. Mít hỏng nhiều chắc chỉ được 40 triệu đồng/xe" - anh Chung chia sẻ.

Nhà bán lẻ sẵn sàng nhưng chưa rõ sức mua...

Bà Trần Thị Duyên - trưởng phòng thu mua ngành thực phẩm tươi sống khu vực miền Bắc, Công ty TNHH AEON VN - cho biết hàng muốn đưa vào bán trong hệ thống thì phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên là chất lượng. "Nếu địa phương có nhu cầu đưa vào tiêu thụ nội địa, chúng tôi sẽ làm việc với nhà cung cấp thêm về giấy tờ và quy trình vận chuyển" - bà Duyên nói.

Cũng theo bà Duyên, trong các đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp này, người tiêu dùng đều đón nhận và ủng hộ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp cũng đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ùn ứ.

Tương tự, Saigon Co.op cho biết những chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân không còn mới mẻ với đơn vị. Bên cạnh nỗ lực hỗ trợ của cơ quan chức năng, hệ thống cũng đã tham gia lên kế hoạch bài bản, từng bước "giải cứu" nông sản nhiều địa phương trong những đợt khó xuất khẩu. Thậm chí siêu thị còn bù chi phí để có thể bán ra sản lượng nhiều nhất. 

"Ở lần ùn ứ hàng hóa này, chúng tôi vẫn chưa nhận được đề nghị của các địa phương, nhưng qua các lần thực hiện thì thấy người tiêu dùng rất hưởng ứng, bởi hàng được chọn đều phải đảm bảo chất lượng, được bán với giá không lợi nhuận" - đại diện Saigon Co.op cho biết.

Tuy nhiên, theo các nhà bán lẻ, trong thời điểm hiện nay sức mua thị trường nội địa khá thấp, nguồn hàng trong nước cũng khá dồi dào, vì thế việc đem hàng xuất khẩu về phục vụ thị trường nội địa sẽ không dễ dàng. Chưa kể, với gần 5.000 xe tải đang ùn tắc ở biên giới phía Bắc, tương ứng gần 100.000 tấn các loại, là một sản lượng rất lớn.

Cần sự kết nối

Ông N.P.Th. - chủ một doanh nghiệp xuất khẩu mít Thái tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - cho biết 100% hàng của công ty xuất qua Trung Quốc nên trong giai đoạn này đã phải tạm thời đóng cửa. Ông cho hay cái khó: dù biết nhà vườn sẽ rất khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng không thể thu mua mà chưa biết tiêu thụ hàng bằng cách nào. Việc tiêu thụ trong giai đoạn này chưa thấm thía vào đâu. Còn nếu chế biến thì trước nay mít Thái chỉ được xuất tươi, hiếm có nơi nào chế biến.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để có giải pháp lâu dài, tăng chế biến, mở rộng hơn nữa thị trường. Nhưng trước mắt, cần kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp bán do hàng ùn tắc cửa khẩu, dù khó bao tiêu tất cả nhưng sẽ đỡ phần không nhỏ.

Người dân bắt đầu vào cuộc hỗ trợ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-12, chị Hoàng Thị Cẩm Như (ở Ninh Bình) cho biết chị vừa bán giúp cho một chủ hàng ở Tiền Giang khoảng 23 tấn mít Thái

quay đầu từ cửa khẩu Lạng Sơn về hôm 20-12. "Sau hơn 20 ngày nằm chờ, mít bắt đầu hư hỏng nên chủ hàng buộc phải quay đầu về Ninh Bình, họ nhờ tôi bán đồng giá 8.000 đồng/kg với hy vọng gỡ gạc phần nào" - chị Như chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Công thương Lạng Sơn, trong 3 ngày qua chỉ có 267 xe hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị, còn 175 xe nông sản đã quay đầu để tiêu thụ nội địa.

Hải quan kiến nghị gì Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao?

Trả lời báo chí tại cuộc họp về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản xuất sang Trung Quốc được tổ chức chiều 21-12, ông Vi Công Tường - phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - cho hay tỉ lệ hàng nông sản xuất chính ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nông sản. Các thương nhân xuất chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch do chính sách miễn thuế 8.000 nhân dân tệ/ngày/người cho cư dân biên giới. Không có hợp đồng mua bán khiến rủi ro rất lớn.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết tính đến ngày 21-12, tổng số xe hàng nằm tại cửa khẩu phía Bắc lên đến gần 6.200 xe. Để tháo gỡ, Bộ NN&PTNT cần đàm phán, thống nhất với phía Trung Quốc về thủ tục kiểm dịch với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao cần đàm phán, trao đổi với phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước. Khi có thay đổi về chính sách với hàng hóa xuất nhập khẩu, bạn cần thông báo trước ít nhất 10 ngày để VN chuẩn bị.

L.THANH

4.598 xe ùn ứ ở cửa khẩu, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc: 4.598 xe ùn ứ ở cửa khẩu, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc: 'Mong thông cảm'!

TTO - Tại cuộc họp báo ngày 20-12, Bộ NN&PTNT, tỉnh Lạng Sơn và đại điện Đại sứ quán Trung Quốc đã đưa ra nhiều thông tin về ùn tắc tại cửa khẩu nhưng giải pháp triệt để chưa rõ.

N.BÌNH - C.TUỆ - M.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp