Hà Nội đặt mục tiêu đưa phần trên cao của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động từ tháng 10-2020 - Ảnh: NAM TRẦN
Con số đó được đưa ra trong báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Theo UBND TP Hà Nội, trong 3,5 năm qua, TP đã sửa chữa 36 tuyến đường, lắp đặt 112 nút đèn tín hiệu giao thông, cải tạo 17 vị trí nút giao thông, cải tạo chỉnh trang 6 tuyến đường, hoàn thành 7 công trình với tổng kinh phí hơn 231 tỉ đồng.
Từ năm 2015 đến nay đã mở mới 33 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội lên 124 tuyến, tiếp cận đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của thủ đô.
Theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, đến cuối năm 2020 phải giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn.
UBND TP Hà Nội cho biết các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP đang giảm dần qua các năm. Đến cuối năm 2015, Hà Nội có 44 điểm ùn tắc giao thông thì năm 2016 còn 41 điểm (xử lý được 20 điểm, phát sinh mới 17 điểm).
Năm 2017 còn 37 điểm ùn tắc (xử lý được 17 điểm, phát sinh mới 13 điểm).
Năm 2018, TP Hà Nội còn 33 điểm sau khi đã xử lý được 12 điểm và để phát sinh thêm 8 điểm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, TP đã xử lý được 6 điểm nên số điểm ùn tắc hiện chỉ còn 27 điểm.
Nguyên nhân vẫn còn điểm ùn tắc được UBND TP Hà Nội cho là do lưu lượng giao thông tăng nhanh, số điểm ùn tắc mới phát sinh nhiều, cần tiếp tục xử lý để đạt mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.
UBND TP Hà Nội cho biết từ nay đến năm 2020, thành phố tập trung đầu tư các dự án đường vành, các đoạn quốc lộ 6, 1 đoạn đi qua địa bàn, cũng như đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội để vận hành phần đi trên cao vào tháng 10-2020, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận