Một lô hàng điện tử qua sử dụng được nhập lậu về cảng Hiệp Phước - Ảnh: N.B.
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5-2018, số lượng phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái tăng gần 2.000 container so với thời điểm 1-5, nâng số lượng phế liệu nhựa, phế liệu giấy nhập khẩu về cảng Cát Lái, TP.HCM lên 7.000 teus (container 20 feet).
Tại hội nghị Hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, được tổ chức ở TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Năng Toàn - Giám đốc trung tâm logistics, Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết thực trạng này đang gây ùn tắc cục bộ tại cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng, hãng tàu và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Những doanh nghiệp có nhu cầu nhập nguyên liệu, hàng hóa về phục vụ sản xuất nhưng không được vì cảng đang bị ùn ứ container hàng phế liệu. Ước tính có khoảng 5.234 teus (container 20 feet chuẩn) mặt hàng nhựa/giấy phế liệu có nguy cơ tiếp tục tồn lâu tại cảng.
Để diễn ra tình trạng này, đại diện công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết do Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, ngưng nhập khẩu mặt hàng này từ EU, Mỹ và Nhật Bản trong năm nay, khiến phế liệu được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, để tránh biến Việt Nam thành bãi rác phế liệu của thế giới, nhiều chính sách quản lý về môi trường được triển khai. Theo các doanh nghiệp, từ đầu năm 2018, gần như không có doanh nghiệp nào được cấp giấy phép để làm thủ tục nhập khẩu các hàng này.
Trong khi đó, phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái tăng chóng mặt trong thời gian qua cũng buộc lãnh đạo các cảng liên tiếp đưa ra các quy định nhằm siết chặt mặt hàng này về cảng.
Từ ngày 1-6-2018, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn áp dụng biện pháp ngưng tiếp nhận các container phế liệu nhựa nhập khẩu về 2 cảng Tân cảng Cát Lái và Tân cảng Hiệp Phước.
Theo đó, các cảng này chỉ cho thực hiện dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể.
Trường hợp không đủ chứng từ theo yêu cầu, hãng tàu và doanh nghiệp phối hợp với cảng để chuyển cảng dỡ hàng cho các lô hàng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên có liên quan.
Sau khi ngưng tiếp nhận đối với mặt hàng phế liệu nhựa, chỉ còn mặt hàng phế liệu giấy được nhập khẩu về cảng, số lượng hàng về cảng không còn ồ ạt như trước.
Để sản xuất ở cảng ổn định phục vụ hơn những ngành khác, hiện nay Tân Cảng đã có một số đề xuất làm việc với Hải quan di chuyển lô hàng nhập tồn lâu trên 90 ngày.
Những lô hàng thuộc diện phân luồng đỏ tại Cát Lái cũng đưa qua các khu vực khác, hoặc hàng của công ty không về cảng Cát Lái nhưng vẫn có thể nhận hàng ở những cảng có năng lực tiếp nhận tốt hơn thuộc công ty…
"Đó là giải pháp tình thế, chúng tôi mong muốn các bộ ngành liên quan cùng tháo gỡ, giải quyết áp lực tồn kho hiện nay vì sự việc liên quan đến chính sách", ông Toàn nói.
Tuy nhiên, theo quy định mặt hàng phế liệu nhập khẩu phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập, không được phép chuyển về các ICD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận