04/10/2023 09:11 GMT+7

Ukraine và mùa bầu cử của phương Tây

Ukraine có thể chọn cách đối phó các đợt tấn công sắp tới của Nga trong mùa đông, nhưng họ lại không có quyền tự quyết với mùa bầu cử của phương Tây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp ngoại trưởng EU - Ukraine ngày 2-10 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp ngoại trưởng EU - Ukraine ngày 2-10 - Ảnh: Reuters

Cuối tuần qua, hai đảng ở Mỹ đã đạt một thỏa thuận chi tiêu để tránh việc chính phủ bị đóng cửa. Nhưng một tình huống bất ngờ đã xảy ra khi Quốc hội Mỹ xôn xao với câu hỏi: Liệu Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có cuộc đàm phán bí mật nào về chuyện viện trợ vũ khí cho Ukraine hay không?

Khi Mỹ "hết tiền" giúp Ukraine

Hôm 3-10, Đài CNN cho rằng ông Biden đã gây nhầm lẫn với một phát biểu gợi ý rằng Đảng Dân chủ của ông đã đạt được thỏa thuận với Đảng Cộng hòa của ông McCarthy về Ukraine. Nếu có, đây là điều rất ngạc nhiên.

Thực tế những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa phản đối việc viện trợ Ukraine. Phát biểu của ông Biden vô tình khiến chính Chủ tịch Hạ viện McCarthy gặp sức ép từ "người nhà" trong Đảng Cộng hòa.

Dân biểu Matt Gaetz (Florida), người cam kết có hành động nhằm loại bỏ ông McCarthy khỏi cương vị hiện nay, đã yêu cầu ông McCarthy chia sẻ thêm về "thỏa thuận bí mật bên lề với Joe Biden về Ukraine". Ngay các nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cũng nói với CNN hôm 2-10 rằng họ không có lý do gì để tin là ông McCarthy có cam kết về viện trợ cho Ukraine.

Hiện nay Mỹ đang mắc kẹt trong các quyết định tài chính nói chung. Hôm 2-10, Hãng tin AP cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo Quốc hội rằng Lầu Năm Góc đang cạn tiền để mua bổ sung vũ khí sau khi đã gửi hỗ trợ Ukraine và đã phải có một số biện pháp ứng phó ngắn hạn.

Để lưỡng viện quốc hội thông qua dự luật ngăn đóng cửa chính phủ vào giờ chót, gói viện trợ cho Ukraine đã bị lấy ra. Nhưng điều này làm phật lòng những người theo đường lối cứng rắn của phe Cộng hòa tại Hạ viện, bản thân ông Gaetz đã chính thức đề xuất loại ông McCathy khỏi ghế chủ tịch Hạ viện. Nhà Trắng loan báo sắp tới sẽ vẫn có gói viện trợ cho Ukraine, nhưng chưa biết gói đó sẽ ra sao và đi đường nào.

Nỗi lo mang tên Slovakia

Chuyện chính trị ở Mỹ diễn tả bức tranh lớn hơn trong áp lực mà các chính đảng ở phương Tây đối mặt nếu muốn duy trì việc ủng hộ Ukraine. Mới đây Slovakia đã có cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về đảng có quan điểm phản đối viện trợ Ukraine của cựu thủ tướng Robert Fico.

Thay đổi trong cán cân quyền lực ở các nước như Slovakia là điều quan trọng, đặc biệt vì quốc gia này là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn đang là bên đóng góp chính trong các khoản viện trợ cho Ukraine. Những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây lo ngại một Slovakia với ảnh hưởng từ ông Fico sẽ có khả năng phối hợp với Hungary trong việc phản đối NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Ukraine khẳng định cuộc phản công của họ diễn ra chậm chạp xuất phát từ thực tế Kiev không thể mạo hiểm hy sinh tính mạng binh sĩ. Một số phân tích cho thấy Kiev buộc phải sử dụng các nhóm nhỏ từ 10 tới 15 người để tác chiến nhằm tránh việc Nga phát hiện và tập trung hỏa lực ứng phó. Tình thế này càng đòi hỏi vũ khí hiện đại từ phương Tây, cũng như tăng cường năng lực phòng không trước các cuộc tấn công tiềm năng của Nga trong mùa đông.

Trước tình hình nêu trên, nhiệm vụ chiến lược của Ukraine là cố gắng đạt thành tựu và kiên nhẫn. Cuộc tranh cãi mới đây với Ba Lan được giới quan sát nhận định là minh chứng cho việc Kiev dễ tổn thương trước biến động chính trị của các đồng minh. Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng có ý mô tả khó khăn của Ukraine

trong các cuộc bầu cử ở châu Âu, khẳng định ông tự tin về việc cả Ba Lan lẫn Slovakia đều sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga, sau khi các cuộc bầu cử ở hai nước này qua đi.

Tín hiệu tốt cho Ukraine là nhiều tiếng nói trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn kiên quyết hỗ trợ Ukraine về quân sự. Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của ngoại trưởng các nước EU ở Kiev ngày 2-10, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh sự đoàn kết ủng hộ đối với người dân Ukraine. 

Trong khi đó ngày 2-10, nhận định liên quan tới cuộc bầu cử Slovakia, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng phương Tây đang mệt mỏi vì viện trợ cho Kiev.

113 & 24

Mỹ đã gửi cho Chính phủ Ukraine 113 tỉ USD các khoản viện trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo kể từ lúc Nga khởi động cuộc chiến với Ukraine. Hồi tháng 7, Tổng thống Biden đề nghị Quốc hội phê chuẩn thêm 24 tỉ USD cho Ukraine và hy vọng khoản này sẽ được tính trong một dự luật chi tiêu mới.

Mỹ gửi văn bản thúc giục Ukraine chống tham nhũng đổi lấy viện trợ?Mỹ gửi văn bản thúc giục Ukraine chống tham nhũng đổi lấy viện trợ?

Hôm 3-10, Đài CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Mỹ đã gửi công hàm chính thức tới Ukraine, gây áp lực để Kiev cải cách. Đây được xem là điều kiện để Mỹ duy trì viện trợ cho Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp