Tháng 4-2023, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm Ba Lan và gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Trung tâm nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council, Mỹ) đã ca ngợi sự kiện này như một chi tiết nhấn mạnh sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai nước láng giềng.
Mâu thuẫn về xuất khẩu ngũ cốc, Ba Lan ngừng gửi vũ khí cho Ukraine
Họ cũng cho rằng một mối quan hệ được tăng cường giữa Kiev và Warsaw sẽ trở thành nhân tố then chốt định hình tương lai của cả châu Âu.
Chỉ nửa năm sau, viễn cảnh ấy được thay thế bằng một cuộc tranh cãi ngoại giao gay gắt.
Ba Lan ngừng chuyển vũ khí cho Ukraine
Kể từ tháng 2-2022, thời điểm Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất.
Tính đến nay, Ba Lan đã cung cấp vũ khí, tài chính và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine với tổng chi phí khoảng 4,54 tỉ USD, theo dữ liệu theo dõi việc ủng hộ Ukraine của Viện Kiel.
Warsaw cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận động chính sách viện trợ vũ khí cho Ukraine, và xếp thứ sáu trong số các nước cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, sau Mỹ, Đức, Anh, Na Uy và Đan Mạch.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki mới đây nói với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng vị này đừng "xúc phạm" người Ba Lan thêm lần nào nữa.
Động thái này khiến căng thẳng giữa Ukraine và Ba Lan tiếp tục bị khoét sâu, bất chấp một số nỗ lực trấn an, làm dịu căng thẳng trước đó từ Warsaw.
Mâu thuẫn giữa Ba Lan và Ukraine được hiểu xuất phát từ câu chuyện về ngũ cốc. Ba Lan đã gia hạn lệnh cấm nhập khẩu đối với ngũ cốc Ukraine, một quyết định đơn phương dẫn tới việc Ukraine cân nhắc khả năng kiện Ba Lan, vốn là đồng minh quan trọng trong cuộc xung đột với Nga.
Đáp lại, trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 19-9, Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định Kiev đang nỗ lực bảo vệ xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua đường bộ, và cáo buộc các màn đấu đá chính trị về nhập khẩu ngũ cốc chỉ càng khiến Nga có lợi.
Ông khẳng định một số quốc gia châu Âu ngoài mặt tỏ ra đoàn kết, nhưng bên trong lại hành động theo hướng có lợi cho Nga.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ba Lan triệu tập đại sứ Ukraine. Tổng thống Ba Lan Duda mô tả Ukraine như một người chết đuối đang cố bấu víu kẻ trợ giúp, và sau đó chỉ có thể kéo người trợ giúp mình chìm xuống nước.
Vào cuối ngày 20-9, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki tuyên bố Warsaw sẽ không gửi vũ khí cho Ukraine nữa.
Ba Lan sau đó chỉnh lại phát biểu của ông Morawiecki, giải thích rằng Warsaw vẫn sẽ gửi số vũ khí đã cam kết. Việc "không gửi" nêu trên thực chất đang nói tới số vũ khí mới mà Ba Lan muốn dùng để hiện đại hóa quân đội, bảo vệ cho chính họ.
Ukraine: Chuyện không "bé như hạt đậu"
Ngành xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được bảo vệ bằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Các tàu chở hàng của Ukraine được bảo đảm không bị tấn công trên biển, nhưng thỏa thuận này đã bị đình chỉ sau khi Nga ngừng cam kết.
Để giải quyết vấn đề, Ukraine muốn tăng cường xuất khẩu trên đường bộ, tức sẽ đi qua một số nước như Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.
Mặc dù vậy, ngũ cốc Ukraine được cho đã ảnh hưởng tới nông dân tại các nước nêu trên. Nhóm Ba Lan, Slovakia và Hungary đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine sau các cuộc biểu tình của nông dân.
Có hai lý do để thấy mâu thuẫn Ba Lan - Ukraine dù có nguyên cớ là chuyện xuất khẩu ngũ cốc, hóa ra không hề "bé như hạt đậu".
Thứ nhất, ông Zelensky không phải vô lý khi mô tả chuyện ngũ cốc là nạn nhân của các cuộc đấu đá chính trị.
Vào ngày 15-10 tới, Ba Lan sẽ có cuộc bầu cử quốc hội, và đảng cầm quyền PiS của Thủ tướng Morawiecki chịu áp lực chỉ trích từ các đảng cực hữu xung quanh câu chuyện Ukraine.
Kể cả khi ông Zelensky đúng, ông cũng chỉ vừa vô tình thừa nhận khó khăn chung mà Ukraine phải đối mặt.
Tại nhiều nước phương Tây, tâm lý "mệt mỏi vì chiến tranh" thường xuyên được nhắc tới như một trở ngại cho các chính quyền đương nhiệm trong việc ủng hộ Ukraine. Cuộc xung đột càng kéo dài, áp lực chính trị lên khối ủng hộ Ukraine càng lớn.
Thứ hai, chuyện ông Morawiecki nhắn nhủ Ukraine đừng xúc phạm người Ba Lan không phải diễn biến mới.
Nhà lãnh đạo Ukraine có những áp lực rất lớn trong cuộc xung đột, dẫn tới các phát biểu liên quan đôi khi gây căng thẳng giữa Kiev và đồng minh. Cả hai nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất như Anh và Mỹ cũng từng nhắc nhở ông Zelensky về chuyện "biết ơn".
Cũng trong một tuần căng thẳng với Ba Lan, lại có tin Ukraine từ chối nhận 10 chiếc xe tăng Leopard của Đức. Lý do được đưa ra là phía Ukraine thấy xe tăng "không hoạt động đúng cách", và Ukraine không đủ năng lực, kỹ thuật để bảo trì và sửa chữa.
Nhưng truyền thông, ví dụ tờ Telegraph và Spectator, cho rằng đây là động thái gây "xấu hổ" cho Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận