Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko - Ảnh: OPEN4BUSINESS
Theo Hãng tin Reuters, ngày 28-3, bà Svyrydenko cho biết cuộc giao tranh đã làm hư hại hoặc phá hủy 8.000km đường và 10 triệu m2 nhà ở.
Hôm 14-3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo nền kinh tế của Ukraine có thể suy thoái tới 35% trong năm nay, nếu cuộc xung đột với Nga kéo dài.
Theo đánh giá ban đầu, IMF cho biết thiệt hại về nhân mạng, cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như việc gián đoạn thương mại và dòng người tị nạn sẽ kéo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine giảm tối thiểu 10% so với năm 2021.
Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh rằng tác động có thể nghiêm trọng hơn nhiều, nếu nhìn kinh nghiệm của các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi xung đột gần đây, chẳng hạn như Iraq và Syria.
Tổ chức trên cũng cảnh báo xung đột tại Ukraine sẽ gây ra thiệt hại "khủng khiếp" cho nền kinh tế toàn cầu. Xung đột hiện nay vốn đã khiến giá xăng dầu và khí đốt tăng mạnh trên toàn cầu.
Trước đó, IMF đã công bố gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp 1,4 tỉ USD để giúp Ukraine đối phó với chi phí tài chính ngày càng tăng khi xung đột kéo dài.
Một nửa số ngân hàng tại Ukraine buộc phải đóng cửa, trong khi Ngân hàng Trung ương nước này gặp khó khăn trong việc chuyển tiền mặt đến các chi nhánh và máy ATM.
Ngày 18-3, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và IMF đã cùng cảnh báo về hậu quả kinh tế sâu rộng của cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuyên bố chung của các tổ chức này nêu rõ: "Nền kinh tế toàn cầu sẽ cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng này thông qua sự tăng trưởng chậm hơn, gián đoạn thương mại và lạm phát cao hơn, đặc biệt gây ảnh hưởng tới những quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận