Theo tạp chí Economist, các nước châu Âu đang rơi vào tình cảnh chồng chất khó khăn trong việc hoàn thành lời hứa viện trợ cho Ukraine.
Hồi tháng 1 năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã phải thừa nhận chậm tiến độ rất nhiều so với lời cam kết chuyển giao 1 triệu viên đạn pháo cho Kiev trước tháng 3-2024.
Một trong những lý do xuất hiện gần đây là việc thiếu hụt thuốc nổ. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, các nỗ lực đẩy mạnh năng suất vũ khí của châu Âu sẽ tan thành mây khói.
Nhu cầu thuốc nổ vô cùng lớn
Lượng thuốc nổ cần cho việc sản xuất vũ khí không hề nhỏ. Mỗi viên đạn pháo Ukraine đang sử dụng chứa đến 10,8kg thuốc nổ mạnh như TNT, HMX hay RDX. Các loại đạn dược khác thậm chí yêu cầu khối lượng lớn hơn rất nhiều. Điển hình như đầu đạn tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất chứa đến 450kg thuốc nổ.
Bên cạnh lượng thuốc nổ chứa trong thân, mỗi viên đạn pháo, tên lửa còn cần một lượng lớn chất nổ để đẩy chúng bay hàng chục, thậm chí hàng trăm kilômet.
Khi chiến tranh lạnh kết thúc, yêu cầu với vũ khí của các nước châu Âu giảm mạnh. Điều này buộc nhiều nhà sản xuất thuốc nổ ở châu Âu thu nhỏ quy mô sản xuất, sáp nhập hoặc đóng cửa.
Hiện Anh không còn nhà máy thuốc nổ TNT nào. EU cũng chỉ còn một nhà máy sản xuất TNT quy mô lớn tại Ba Lan. Bản thân các cơ sở sản xuất chất nổ khác cũng không chắc chắn về khả năng nâng cao năng suất.
Hai công ty Chemring Nobel (đặt nhà máy ở Na Uy) và Eurenco (đặt nhà máy ở Thụy Điển) đều đang hoạt động hết công suất. Cá biệt nhà máy của Chemring Nobel đã kín đơn hàng đến tận năm 2030.
Giáo sư Johann Höcherl, Đại học Bundeswehr (thành phố Munich, Đức), cho biết việc sản xuất thuốc nổ ở châu Âu đã được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thời bình trong nhiều thập kỷ. Do đó, khả năng linh hoạt của chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến là không nhiều.
Khó nâng cao năng suất lập tức
Trước vấn đề trên, các nước EU đã tính đến chuyện mở thêm nhà máy sản xuất thuốc nổ. Ngày 15-3, liên minh này đã dành đến 500 triệu euro (542 triệu USD) để cải thiện năng lực sản xuất đạn pháo, tên lửa. Trong đó, có đến 372 triệu euro được chi cho việc sản xuất thuốc nổ.
Tuy nhiên, ông Tim Lawrenson, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), nhấn mạnh rằng việc khởi động lại các nhà máy đã ngừng hoạt động không phải chuyện ngày một ngày hai. Các nhà máy này đều cần tân trang, sửa chữa rất nhiều để đáp ứng yêu cầu sản xuất thời đại mới.
Việc xây mới nhà máy cũng không thể nhanh chóng. Rheinmetall - công ty quốc phòng lớn nhất Đức - đang xây dựng một phức hợp thuốc nổ lớn ở Hungary. Tuy nhiên, phải đến năm 2027 nhà máy này mới đi vào hoạt động.
Giáo sư Höcherl lý giải việc này đến từ sự thiếu hụt nhân sự tay nghề toàn ngành. Lứa kỹ sư có kinh nghiệm ở châu Âu đang nghỉ hưu dần, trong khi rất ít người trẻ sẵn sàng tham gia vào việc sản xuất thuốc nổ sau khi ra trường.
Các nhà máy cũng thiếu trầm trọng nguyên liệu thô. Acid nitric là thành phần điều chế nitrocellulose - nguyên liệu thiết yếu cho việc sản xuất chất nổ. Tuy nhiên, phần lớn lượng hóa chất trên được dành cho ngành sản xuất phân bón và ngành này cũng đang đối diện vấn đề thiếu nguyên liệu.
Một số loại nguyên liệu khác lại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Căng thẳng thương mại giữa phương Tây với Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ Trung - Nga ngày một nồng ấm, có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc nhập các mặt hàng này.
Ngoài ra, theo ông Christian Mölling - thành viên Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức, việc mở rộng sản xuất chất nổ cũng có thể bị một loạt chính sách an toàn và chính sách môi trường hiện hành của EU kìm hãm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận