Có không ít ý kiến cho rằng quân đội Ukraine đã không áp dụng đúng cách mà quân đội Mỹ và phương Tây huấn luyện cho họ.
Nhưng, điều gì xảy ra nếu vấn đề không nằm ở người Ukraine mà ở chiến thuật của Mỹ và phương Tây? Tờ Business Insider đặt câu hỏi.
Mới chập chững đi, đâu thể đòi chạy!
Những khó khăn của Ukraine đặt ra hoài nghi về hiện thực. Nếu quân đội NATO phải chiến đấu như Ukraine mà không có sự hỗ trợ dồi dào từ trên không và hậu cần, họ có làm tốt hơn không?
Cuộc phản công của Ukraine chưa bao giờ dễ dàng. Các lực lượng Nga đã dành nhiều tháng để xây dựng hệ thống phòng thủ, sử dụng cách tiếp cận lâu dài và hiệu quả từ thời Liên Xô đối với các công sự. Mặt khác, họ luôn điều chỉnh các chiến thuật mới, chẳng hạn như xây dựng các bãi mìn lớn và tập trung hơn.
Quan điểm cho rằng "quân đội Ukraine có thể sao chép các chiến thuật kiểu phương Tây sau vài tuần huấn luyện và loại bỏ lối chỉ huy và kiểm soát cứng nhắc từ trên xuống theo kiểu Liên Xô trong nhiều thập kỷ" là không thực tế.
Tiến hành một kiểu chiến tranh mới đã đủ khó khăn, chưa nói đến cuộc tấn công chống lại một số công sự đáng gờm nhất trên Trái đất như của Nga.
Báo The Economist đăng lời phát biểu của Dmytro Kuleba, bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, nói: “Chỉ trích tốc độ phản công chậm chạp giống như… nhổ nước bọt vào mặt người lính Ukraine, những người đang hy sinh mạng sống của mình mỗi ngày”.
"Có mới nới cũ": nguy cơ trả giá không nhỏ
Việc đào tạo của phương Tây, mặc dù không tệ về kỹ năng cơ bản, nhưng dường như không phù hợp lắm với cuộc chiến ở Ukraine, những người lính Ukraine được đào tạo ở Anh nói với hãng truyền thông Open Democracy có trụ sở tại Anh.
Đặc biệt, hướng dẫn của họ không đề cập đến cách đối phó với các chướng ngại vật như chiến hào, bãi mìn, dây thép gai, hào chống tăng với "răng rồng" (trụ bê tông tam giác đầu nhọn đặt trong chiến hào để chống tăng).
Ukraine đã đạt được tiến bộ trong việc xâm nhập kiên cố đầu tiên và nguy hiểm nhất của Nga, nhưng tiến độ rất chậm và thương vong nặng nề.
Trong những ngày đầu của cuộc phản công, các đơn vị tấn công của Ukraine đã đi theo phong cách NATO: các đoàn xe tăng bọc thép Leopard 2 của Đức và xe chở quân bọc thép Bradley của Mỹ sẽ nhanh chóng chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga và tiến vào các khu vực phía sau.
Nhưng rồi quân Ukraine bị ghìm chặt trong các bãi mìn và bị pháo binh và trực thăng tấn công của Nga tiêu diệt.
Ukraine cuối cùng đã loại bỏ những chiến thuật đó của phương Tây để theo một kịch bản "Mặt trận phía Tây" từng áp dụng năm 1917 hồi Thế chiến thứ nhất.
Theo đó, mỗi lần tấn công từng đơn vị nhỏ lính bộ binh tiến lên giành lấy vài chục hoặc vài trăm mét đất, với phương thức "cắn rồi giữ", trong khi pháo binh nã đạn vào các chiến hào để ngăn chặn người Nga và nguồn tiếp viện của Nga.
Một số người cho rằng Ukraine thiếu trang thiết bị để thực hiện đúng học thuyết của phương Tây. Tuy nhiên, bản thân quân đội phương Tây cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện học thuyết đó trong những điều kiện như vậy.
Đằng sau tất cả những chiến thuật trên là mối lo lắng sâu sắc hơn: Mỹ và Phương Tây đã chuẩn bị một chiến thuật sai lầm, vốn dựa trên kinh nghiệm của mình trong suốt 2 thập kỷ quân đội của họ chiến đấu với quân nổi dậy và khủng bố.
Thật vậy, các thực tập sinh Ukraine nói với Open Democracy rằng những người hướng dẫn của họ thường xuyên dạy những bài học dựa trên kinh nghiệm từ chiến trường Trung Đông.
Chỉ huy tiểu đoàn thủy quân lục chiến Ukraine nói với tờ New York Times: ông đã tranh cãi với các huấn luyện viên người Mỹ của mình rằng những đối thủ ở Iraq và Afghanistan "không giống người Nga".
Lầu Năm Góc đã nhận ra một cách muộn màng việc tập trung vào việc chống lại quân nổi dậy công nghệ thấp đã khiến các kỹ năng cần thiết cho chiến tranh cơ giới hóa quy mô lớn bị teo tóp.
Cái giá phải trả cho một cuộc chiến luôn rất đắt. Cuộc xung đột tại Ukraine cho thấy những người thích nghi tốt nhất - bằng cách thay đổi chiến thuật, nắm bắt công nghệ mới và thực hiện nó một cách nhanh chóng - sẽ có nhiều khả năng chiến thắng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận