Ngày 15-2, Ukraine thông báo đã phát hiện và bắn rơi ít nhất sáu khinh khí cầu "của Nga" trên bầu trời thủ đô Kiev. Còi báo động không kích đã vang lên ở Kiev sau khi phát hiện các vật thể bay trên.
Theo quân đội Ukraine, các khinh khí cầu này có thể mang theo các thiết bị do thám và trinh sát nhưng không biết chúng được thả từ khi nào.
"Mục đích của những khinh khí cầu này có thể là nhằm phát hiện và làm cạn kiệt năng lực phòng không của Ukraine", quân đội Ukraine giải thích trên kênh Telegram.
Trước đó cùng ngày 15-2, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat cáo buộc Nga đang sử dụng các khinh khí cầu để do thám Ukraine.
Theo vị này, Nga đang ít sử dụng các máy bay không người lái (UAV) trinh sát như Orlan-10 vì bắt đầu chuyển sang dùng khinh khí cầu.
Hiện Nga chưa lên tiếng bình luận về các cáo buộc của Ukraine.
Nga dùng khinh khí cầu để bắt bài Ukraine?
Trong vụ ở Kiev ngày 15-2, quân đội Ukraine cho biết các khinh khí cầu này có thể đang mang các thiết bị phản xạ radar, nhằm khiến chúng lộ diện nhanh nhất trước hệ thống cảnh giới của Ukraine.
Theo giới chuyên gia quân sự, các thiết bị phản xạ radar thường được lắp trên những vật thể bay để tạo ra nhiều mục tiêu giả trên radar. Mục đích chính nhằm gây khó khăn cho hệ thống phòng không hoặc làm phát lộ vị trí của đối phương.
Về lý thuyết, việc hệ thống phòng không Ukraine khai hỏa bắn hạ các khinh khí cầu này sẽ làm lộ vị trí phòng thủ ở thủ đô. Kiev có lẽ đã chấp nhận việc này và có thể đang điều chỉnh trận địa, theo giới quan sát quân sự.
Ukraine không nói rõ đã bắn hạ các khinh khí cầu trên bằng vũ khí gì cũng như độ cao của chúng.
Đây không phải lần đầu Matxcơva bị tố dùng khinh khí cầu để do thám Ukraine.
Hôm 12-2, một quan chức ở tỉnh Dnipropetrovsk gần vùng Donbass cũng cáo buộc các UAV và khinh khí cầu của Nga đang tìm cách tấn công tỉnh này.
Hiện chưa rõ các khinh khí cầu ở Ukraine có liên quan đến những vật thể lạ được phát hiện ở Romania và Modolva ngày 14-2 hay không.
Cả hai quốc gia này đều giáp biên giới với Ukraine. Sự việc khiến hai nước tạm đóng cửa không phận và triển khai máy bay chiến đấu để kiểm tra vật thể lạ bằng mắt. Tuy nhiên sau khi đến vị trí mà hệ thống radar báo có vật thể lạ, radar trên máy bay và cả phi công lại không nhìn thấy gì.
Truyền thông quốc tế đang dành sự chú ý đặc biệt với từ khóa "khinh khí cầu" sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc.
Theo giới quan sát quân sự, trinh sát bằng khinh khí cầu đã được áp dụng từ lâu trong lịch sử. Trong chiến tranh hiện đại, sử dụng khinh khí cầu có ý nghĩa không đáng kể về mặt thu thập thông tin.
Tuy nhiên, đối với xung đột Ukraine, sự xuất hiện của chúng có thể gây tác động đáng kể về mặt tâm lý bên cạnh việc làm lộ vị trí phòng thủ của những nơi trọng yếu như Kiev.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận