Vài ngày sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Ukraine và Nga đã mở các cuộc tấn công lẫn nhau bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay vào cuối tuần qua.
Ukraine cho biết 145 máy bay của Nga tấn công nước này trong đêm, trong khi Ukraine cũng mở cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào thủ đô Matxcơva ngày 10-11.
Trong những tuần qua, cùng với thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, cả Nga và Ukraine đã tăng cường các nỗ lực quân sự nhằm tạo lợi thế trước các cuộc đàm phán hòa bình.
Việc ông Donald Trump đắc cử và dự kiến nhậm chức vào đầu năm sau đã làm gia tăng áp lực về thời gian cho cả hai bên.
Theo các nhà quan sát, một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng có thể buộc Ukraine phải nhượng bộ, từ bỏ các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát ở phía nam và phía đông đất nước.
Gấp rút
Ngày 11-11, giới chức Ukraine cáo buộc các cuộc không kích của Nga đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng ở miền nam nước này, một ngày sau khi Matxcơva và Kiev tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào đêm trước.
Theo Hãng tin AFP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Đêm qua Nga đã phóng kỷ lục 145 máy bay Shahed và các máy bay không người lái tấn công khác vào Ukraine".
Đây là con số chưa từng thấy kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022.
Trong khi đó Nga thông báo đã bắn hạ 34 máy bay không người lái của Ukraine nhắm vào Matxcơva, đánh dấu nỗ lực tấn công lớn nhất từ trước đến nay của Kiev.
Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố vào ngày 10-11 rằng họ đã chiếm được một ngôi làng khác ở phía đông Ukraine.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, quân đội Nga trong tháng 10-2024 đã kiểm soát được nhiều lãnh thổ của Ukraine hơn bao giờ hết.
Đợt không kích diễn ra trong lúc có thông tin Nga đã tập hợp 50.000 binh lính (bao gồm cả lính CHDCND Triều Tiên) để tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm chiếm lại lãnh thổ do Ukraine nắm giữ ở vùng Kursk.
Các chuyên gia cho rằng với việc gia tăng áp lực lên Ukraine thời gian qua, Điện Kremlin đang nỗ lực củng cố vị thế đàm phán trước lễ nhậm chức của ông Trump.
Cho đến khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1-2025, cuộc xung đột được dự đoán sẽ không có dấu hiệu lắng xuống. Theo cựu bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko, 3 tháng tới sẽ rất tồi tệ.
Tín hiệu tích cực
Chỉ vài ngày sau chiến thắng bầu cử, ông Trump đã có cuộc gọi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó nhắc nhở Matxcơva về sức mạnh quân sự đáng kể của Washington ở châu Âu và cảnh báo nước này không leo thang căng thẳng, theo báo Washington Post.
Đồng thời ông Trump cũng gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz và "nhất trí cùng nhau nỗ lực hướng tới mục tiêu khôi phục hòa bình ở châu Âu", theo người phát ngôn của ông Scholz.
Về phía Nga, Điện Kremlin cho rằng có "những tín hiệu tích cực" từ thiện chí đạt được thỏa thuận của ông Trump.
"Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nói về cách ông ấy nhận thức mọi thứ thông qua các thỏa thuận, rằng ông ấy có thể thực hiện một thỏa thuận có thể dẫn đến hòa bình.
Ít nhất thì ông ấy đang nói về hòa bình, chứ không phải về đối đầu. Ông ấy không nói về mong muốn gây ra thất bại chiến lược cho Nga - điều đó khiến ông ấy khác với chính quyền (Mỹ) hiện tại", người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói, tuy nhiên cũng cho rằng tổng thống đắc cử Mỹ khó dự đoán hơn.
Dù tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "trong 24 giờ", ông Trump chưa nói sẽ dàn xếp thỏa thuận hòa bình như thế nào, hoặc sẽ đề xuất những điều khoản nào.
Cuối tuần trước, cựu cố vấn Bryan Lanza của ông Trump đã nói với Đài BBC rằng ưu tiên của ông Trump là giúp Ukraine lấy lại hòa bình chứ không phải lãnh thổ.
Nga đã kiểm soát khoảng 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine và tuyên bố chiến tranh không thể kết thúc cho đến khi các lãnh thổ này được công nhận đã sáp nhập vào Nga.
Tuy nhiên Ukraine kiên quyết đòi lại toàn bộ lãnh thổ của mình, một lập trường phần lớn được các đồng minh phương Tây ủng hộ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định Ukraine sẽ không nhượng đất để đổi lấy cái gọi là hòa bình.
Chính quyền ông Biden cũng chạy đua
Việc ông Trump đắc cử có thể đảo ngược cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm và cả các khoản hỗ trợ hàng tỉ USD của Washington cho Ukraine, vốn rất quan trọng đối với Kiev.
Chính quyền tổng thống sắp sắp mãn nhiệm Joe Biden đã xác nhận rằng họ sẽ gửi nhiều viện trợ nhất có thể cho Ukraine trước lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20-1.
Ngày 10-11, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Nhà Trắng đặt mục tiêu "đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể trên chiến trường để cuối cùng nước này có vị thế mạnh nhất có thể tại bàn đàm phán". Điều đó sẽ bao gồm giải ngân 6 tỉ USD còn lại trong quỹ hỗ trợ Ukraine trong cuối năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận