Người dân ở Kramatorsk, miền đông Ukraine phải dọn đồ đi nơi khác sau khi khu nhà bị trúng đạn pháo ngày 11-2 - Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận Minsk II rất giống với những gì Chính phủ Ukraine và phe ly khai đã đạt được tại hội nghị ở thủ đô Belarus hồi tháng 9-2014 (Minsk I). Và trên thực tế Minsk I đã lập tức bị đạn pháo bắn thủng chỉ vài ngày sau lễ ký kết. Lần này những người lạc quan hi vọng sự hiện diện của bốn nguyên thủ Nga, Ukraine, Pháp và Ðức sẽ giúp đảm bảo Minsk II không cùng chung số phận như Minsk I.
Lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine sẽ có hiệu lực vào lúc 0g ngày 15-2 và đó là thời điểm xác định xem quân đội Ukraine và lực lượng ly khai có thật sự nghiêm túc với thỏa thuận hòa bình hay không.
“Bất cứ động thái nào nhằm chiếm thêm đất từ nay cho đến đêm 14-2 cũng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng thỏa thuận này” - báo New York Times dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ nhận định.
Kể cả khi Minsk II đứng vững thì nó vẫn không giải quyết được hàng loạt vấn đề cơ bản trong cuộc xung đột tại miền đông Ukraine. “Minsk II chừa lại những vấn đề khó. Ðó là một thỏa thuận mong manh, dựa trên niềm tin giữa đôi bên không hề tin nhau” - báo New York Times dẫn lời cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer.
Thỏa thuận Minsk II không xác định rõ diện tích các vùng ly khai sẽ được trao quyền tự trị. Cấp độ của quyền tự trị cũng là một điểm chưa rõ ràng.
Một số quan chức ngoại giao phương Tây cho rằng Nga muốn thành lập những nước cộng hòa tự trị ở Donetsk và Luhansk với các chính sách kinh tế và ngoại giao thân Matxcơva giống như những gì điện Kremlin đã làm tại Gruzia và Moldova. Trong khi đó Ukraine chỉ muốn Donetsk và Luhansk có quyền tự trị giới hạn.
Một vấn đề nữa là quyền kiểm soát đường biên giới Ukraine - Nga kéo dài 400km. Phía Matxcơva yêu cầu Kiev phải giải quyết xong những vấn đề như cải tổ hiến pháp để trao quyền tự trị cho miền đông và tổ chức các cuộc bầu cử địa phương thì mới được lấy lại quyền kiểm soát biên giới.
Quá trình này có thể sẽ kéo dài đến cuối năm nay. Ukraine và các nước phương Tây lo ngại đó là cơ hội để Nga tiếp tục vận chuyển vũ khí và binh sĩ qua biên giới một cách tự do.
Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite mô tả việc kiểm soát biên giới là điểm yếu lớn nhất trong thỏa thuận Minsk II. Một số nhà phân tích phương Tây cũng đánh giá với thỏa thuận này, Nga đã hoàn thành mục tiêu tạo một cuộc “xung đột đóng băng”, có thể nóng lên bất cứ lúc nào để gây bất ổn cho Ukraine khi nước này xích lại quá gần châu Âu.
AFP dẫn lời chuyên gia Yevgeny Minchenko, giám đốc Viện Phân tích chính trị quốc tế (Nga), cho rằng khủng hoảng Ukraine có thể trở thành “xung đột Ả Rập - Israel của châu Âu”.
Đe dọa trừng phạt Hôm qua, cả chính quyền Ukraine và lực lượng li khai đều thông báo các đợt nã đạn pháo vẫn tiếp diễn tại Donetsk và Lugansk. Tổng cộng bảy thường dân và 11 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong 24 giờ qua. Ngoài ra còn có thêm 34 binh sĩ bị thương. Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo nếu cuộc tắm máu ở miền đông Ukraine tiếp diễn sau ngày 15-2, châu Âu sẽ mở rộng các biện pháp cấm vận Nga. “Chúng tôi sẽ không e ngại thực hiện các bước đi cần thiết - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh - Niềm tin của chúng tôi đối với ông Putin là rất hạn chế”. Ông Tusk cho biết EU vẫn sẽ đưa 19 cá nhân Nga và Ukraine vào danh sách trừng phạt trong tuần tới. Cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande cũng đe dọa sẽ tiếp tục cấm vận Nga nếu Minsk II đổ vỡ. Chính phủ Mỹ cũng dọa sẽ cung cấp vũ khí sát thương như tên lửa chống tăng, máy bay không người lái và nhiều loại thiết bị khác cho Ukraine nếu thỏa thuận Minsk II đổ vỡ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận