16/11/2018 09:15 GMT+7

Úc, Trung tranh nhau ảnh hưởng ở Papua New Guinea

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Những động thái đầu tư tích cực của Bắc Kinh vào Papua New Guinea (PNG) thời gian qua cũng như chuyến thăm nước này trước thềm APEC của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến hàng xóm của PNG là Úc “nóng mặt”.

Úc, Trung tranh nhau ảnh hưởng ở Papua New Guinea - Ảnh 1.

Tấm panô in hình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng PNG Peter O’Neil trên một tuyến đường chính ở Port Moresby, nơi diễn ra sự kiện APEC 2018 - Ảnh: REUTERS

Theo giới quan sát quốc tế, ông Tập đang có cơ hội "ghi điểm" ngoại giao dễ dàng chỉ với sự hiện diện tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần 26 từ ngày 17 đến 18-11 tại PNG khi diễn đàn này không có sự góp mặt của ông Trump và ông Putin.

Tranh nhau giúp tổ chức sự kiện APEC

Trong hai ngày 15 và 16-11, ông Tập có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới PNG và hội đàm với Thủ tướng Peter O’Neil. Tới thời điểm này, ông Tập là nhà lãnh đạo có vị thế đáng kể nhất trong số các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ có mặt tại APEC. 

Trên thực tế, kể từ sau khi PNG được chọn đăng cai APEC 2018, cả Trung Quốc lẫn Úc đều tăng cường hỗ trợ quốc gia thành viên nghèo nhất trong số 21 nước APEC để có thể tổ chức sự kiện quốc tế lớn này. 

Báo Bưu Điện Nam Hoa Buổi Sáng dẫn lời ông Alan Bollard, giám đốc điều hành Ban thư ký APEC: "Chúng tôi có vài trăm sáng kiến ở đây (tại APEC) và một số trong đó là của Trung Quốc".

Năm ngoái, Trung Quốc đã cung cấp cho PNG 62 phương tiện quân sự trị giá 5 triệu USD, với lý do để sử dụng cho công tác an ninh của APEC 2018. Trong khi đó, cũng để hỗ trợ PNG bảo đảm an toàn APEC, Úc đã điều động tới đây cả tàu đổ bộ tấn công HMAS Adelaide, 2 tàu tuần tra và khoảng 1.500 quân nhân từ lực lượng quốc phòng Úc. 

Rõ ràng khi APEC thiếu đi các gương mặt nguyên thủ của Mỹ và Nga, Úc đã chủ động tăng thêm nhiều nỗ lực để kiềm chế bớt xu hướng "dẫn dắt" của Bắc Kinh tại sự kiện lớn của khu vực.

Khu vực nam Thái Bình Dương, gồm nhiều quốc đảo rải rác, đang trở thành vùng "chiến địa" ngày càng nóng hơn giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là Úc. 

Tại đây, thời gian qua Trung Quốc đã dồn dập đầu tư phát triển các dự án là một phần trong sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) của họ. Thực tế này khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại Trung Quốc đang tính tới việc thiết lập một sự hiện diện quân sự tại đây.

Cạnh tranh về quân sự, kinh tế

Ðầu tháng này, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã gặp người đồng cấp PNG O’Neil tại Sydney để chốt thỏa thuận xây dựng một căn cứ hải quân chung trên đảo Manus của PNG. 

Bên cạnh an ninh, các khoản đầu tư dài hạn cũng dồn dập đổ về PNG từ cả phía Úc lẫn Trung Quốc. Tại PNG, Bắc Kinh chủ yếu rót tiền cho các dự án hạ tầng như làm đường, xây cảng. Mức đầu tư này lên tới 2,46 tỉ USD năm ngoái, tăng đáng kể so với 860 triệu USD của năm 2016.

Theo ông Zhang Baohui - giáo sư khoa học chính trị kiêm giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lingan ở Hong Kong, dù PNG không phải nhân tố lớn trong mặt trận ngoại giao của Bắc Kinh, nhưng quốc gia này được xem như chiếc "phong vũ biểu" đo lường hiệu quả thực tiễn về tham vọng BRI của Trung Quốc.

Ông Zhang phân tích: "Trung Quốc rất muốn xây dựng cơ sở hạ tầng tại đó (PNG) để tiếp tục mở rộng chiến lược BRI. Một số nhân vật ở Úc lo ngại Trung Quốc đang cố gây dựng tầm ảnh hưởng tại PNG". Cũng theo ông Zhang, vì mối lo đó người ta sẽ thấy Úc có một chiến lược cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, hạ tầng điện là lĩnh vực PNG đang cần nhất các khoản đầu tư, hỗ trợ nước ngoài. Vì thế, nó cũng đang là lĩnh vực cạnh tranh dữ dội nhất của Trung Quốc và Úc. 

Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2016 chỉ có 22,9% dân số PNG tiếp cận điện lưới quốc gia. Vẫn còn hàng triệu người dân ở đây không có điện, cả Trung Quốc và Úc đều đã "nhảy" vào giải quyết khó khăn giúp PNG.

Trung Quốc đầu tư 2 dự án là nhà máy thủy điện Edevu trị giá 190 triệu USD và Ramu 2 trị giá 2 tỉ USD (dự kiến đạt được thỏa thuận trong dịp APEC này). Trong khi đó, Úc tham gia hỗ trợ phát triển mạng lưới điện năng cho PNG từ rất sớm với các dự án điện mặt trời. Dự án Lighting PNG do Canberra hỗ trợ cam kết cung cấp đủ lượng điện cho hơn 1,2 triệu người dân PNG vào cuối năm nay.

Ngay trong các dịch vụ viễn thông tại PNG, hai đối thủ nước ngoài cạnh tranh lớn nhất cũng là Úc và Trung Quốc. Tháng 8 năm nay, Canberra từng ngăn cản hai công ty viễn thông lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE cung cấp công nghệ 5G tại Úc vì "lo ngại an ninh". 

Một tháng sau đó, Canberra thông báo sẽ xây dựng tuyến cáp Internet xuyên biển kết nối PNG, Solomons và Úc, một dự án thay thế hợp đồng Huawei từng đạt được năm 2016.

Úc vẫn là nước viện trợ lớn nhất cho PNG

Tới nay, Úc vẫn là quốc gia viện trợ lớn nhất cho PNG. Họ đã cam kết tăng mức viện trợ phát triển chính phủ (ODA) giai đoạn 2018-2019 là 412 triệu USD, so với 395 triệu USD của giai đoạn 2017-2018.

Úc lo ngại PNG không có khả năng hoàn trả các khoản vay từ Trung Quốc, từ đó kéo theo hệ lụy trông thấy là Bắc Kinh sẽ ngày một nâng tầm ảnh hưởng ngay tại "sân sau" của họ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp