05/11/2023 06:22 GMT+7

Úc - Trung Quốc tìm kiếm chương mới trong quan hệ?

Ngày 4-11, Thủ tướng Úc Anthony Albanese bắt đầu chuyến thăm 4 ngày (từ 4 đến 7-11) đến Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Úc tới Trung Quốc trong 7 năm qua, sau giai đoạn chạm đáy của quan hệ song phương.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: GETTY IMAGES

Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyến đi cũng mang ý nghĩa biểu tượng, đánh dấu 50 năm kể từ khi Thủ tướng Úc Gough Whitlam tới Trung Quốc sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ vào năm 1973.

Chuyến thăm bước ngoặt

Kể từ năm 2020, quan hệ Úc - Trung đã lao dốc khi thủ tướng Úc lúc đó là ông Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Để đáp trả, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại với một loạt hàng xuất khẩu của Úc như rượu vang, tôm hùm, lúa mạch, than đá... Theo đó, ngành công nghiệp rượu vang của Úc lao đao, sinh kế của nông dân và ngư dân Úc bị ảnh hưởng đáng kể.

Giờ đây, chuyến thăm bước ngoặt của Thủ tướng Albanese cho thấy Canberra đang nỗ lực ổn định lại quan hệ với Bắc Kinh sau nhiều năm căng thẳng. Khác với cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm, chính quyền ông Albanese nỗ lực "hạ nhiệt" căng thẳng với Trung Quốc trong khi vẫn ưu tiên thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ.

Phát biểu trước chuyến đi, ông Albanese cho biết Canberra ưu tiên "cách tiếp cận kiên nhẫn, cân nhắc và có chủ ý" trong quan hệ với Bắc Kinh. Do đó, chuyến đi này và kết quả của nó là thước đo để đánh giá hiệu quả của Úc trong nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc sau những căng thẳng kinh tế thời gian qua.

Khi ông Albanese lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái, căng thẳng trong quan hệ Úc - Trung bắt đầu hạ nhiệt với việc Bắc Kinh dần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát thương mại với Canberra. Vào tháng 10, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Xiao Qian khẳng định quan hệ hai nước đã "ổn định" và đang được "cải thiện", đồng thời tuyên bố "Trung Quốc coi Úc như một người bạn, một đối tác".

Gần đây hai nước đã đạt được thỏa thuận có thể chấm dứt việc Trung Quốc áp đặt thuế quan với rượu vang Úc. Canberra cũng tuyên bố không hủy hợp đồng thuê 99 năm của một công ty Trung Quốc đối với cảng Darwin.

Tính toán của mỗi bên

Tại Bắc Kinh, với các cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Albanese có thể sẽ thúc đẩy dỡ bỏ các hạn chế khác, chẳng hạn như với tôm hùm, cũng như bàn về các nội dung mà hai nước có thể hợp tác, và các giới hạn mà cả hai phía không nên vượt qua.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tìm kiếm sự ủng hộ của Úc trong việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc hàn gắn quan hệ với Úc cũng giúp Trung Quốc giảm thiểu khả năng hình thành một liên minh là đối trọng với họ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và căng thẳng Mỹ - Trung vẫn còn sâu sắc và phức tạp.

Tuy vậy, khả năng hai nước đưa quan hệ về quỹ đạo ban đầu là không dễ dàng. Chiến dịch trả đũa kinh tế, các cáo buộc gián điệp Trung Quốc can thiệp vào nội bộ Úc, tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các đảo quốc Thái Bình Dương lân cận Úc, và việc Trung Quốc giam giữ công dân Úc đã làm trầm trọng thêm quan hệ hai nước.

Theo khảo sát của Viện Lowy vào tháng 6, có tới 75% người Úc tin rằng Trung Quốc là "mối đe dọa quân sự" với Úc trong 20 năm tới. Những căng thẳng và nghi ngại đó có thể sẽ tác động lên các hoạt động đối thoại trong chuyến công du lần này của ông Albanese.

Việc Úc xích lại gần Mỹ hơn trong đối thoại tứ giác an ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) và đạt được thỏa thuận trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ ba nước AUKUS (gồm Mỹ, Anh và Úc) sẽ càng khiến Bắc Kinh cảnh giác hơn với quan hệ an ninh Mỹ - Úc vốn đang ngày càng gắn bó.

Nhiều khả năng Úc và Trung Quốc sẽ ưu tiên cho sự "ổn định" thay vì vội tìm cách "phá băng" quan hệ. Hai nước cũng có thể đạt được các tiến bộ trong hàn gắn quan hệ, nhất là về kinh tế. Tuy nhiên các hạn chế vẫn tồn tại vì những nghi kỵ về chính trị vẫn là rào cản trong quan hệ giữa hai bên.

Chờ xem những nước cờ chính trị

Nếu Thủ tướng Albanese có thể đưa quan hệ Úc - Trung vào quỹ đạo ổn định, Úc sẽ có nhiều lợi ích thương mại với Trung Quốc trong khi vẫn gắn bó với Mỹ về phương diện an ninh. Trung Quốc cũng có thể xây dựng hình ảnh quốc gia tích cực, đồng thời thông qua Úc để giảm nhiệt căng thẳng với Mỹ và phương Tây.

Muốn vậy, Úc và Trung Quốc phải thúc đẩy đối thoại ở các lĩnh vực như kinh tế, biến đổi khí hậu và an ninh; giảm nhẹ chỉ trích về an ninh và quốc phòng trong các diễn ngôn chính trị; tránh kích động căng thẳng trong các vấn đề nhạy cảm; và thậm chí phải có những nhượng bộ nhất định để tránh làm leo thang căng thẳng.

Người Trung Quốc đổ xô săn lùng bất động sản Úc, Việt Nam cũng nằm trong "điểm đến"Người Trung Quốc đổ xô săn lùng bất động sản Úc, Việt Nam cũng nằm trong 'điểm đến'

Úc là điểm đến hàng đầu ở nước ngoài của giới săn lùng bất động sản người Trung Quốc nửa đầu năm 2023, theo bảng xếp hạng mới nhất của Tập đoàn bất động sản Juwai IQI.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp