20/09/2021 14:32 GMT+7

Úc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các tàu ngầm lớp Collins hiện có của Úc sẽ nghỉ hưu vào năm 2026, trong khi sớm nhất đến năm 2040 Canberra mới nhận được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Đi thuê tàu ngầm là giải pháp Úc đã chọn.

Úc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệ - Ảnh 1.

Tàu ngầm hạt nhân HMS Vanguard (S28) thuộc lớp tàu ngầm cùng tên của Hải quân Hoàng gia Anh trong một chuyến đi biển - Ảnh: UK NAVY

Trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ ngày 19-9, Bộ trưởng Tài chính Simon Birmingham và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Úc đều đã xác nhận Canberra sẽ thuê tàu ngầm từ Anh hoặc Mỹ.

Đây là hai quốc gia nằm trong cơ chế hợp tác tăng cường an ninh ba bên gồm Mỹ, Anh và Úc (gọi tắt là AUKUS) được công bố hôm 16-9.

Khi được hỏi trên Đài Sky News về việc liệu Úc có thuê tàu ngầm hạt nhân trong ngắn hạn để duy trì khả năng răn đe không, Bộ trưởng Quốc phòng Dutton đáp: "Có. Câu trả lời ngắn gọn là vậy".

Trong cuộc phỏng vấn khác với Đài ABC, Bộ trưởng Tài chính Birmingham ám chỉ Úc sẽ thuê các tàu ngầm có sẵn của hải quân Anh, Mỹ. "Thỏa thuận cho thuê không nhất thiết sẽ làm tăng số lượng tàu ngầm hay năng lực của các đối tác AUKUS", ông Birmingham nói.

Chính quyền Úc nhấn mạnh nước này chỉ tìm kiếm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, khác với việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Theo thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ có ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân được chế tạo theo công nghệ Anh - Mỹ, chiếc đầu tiên dự kiến bàn giao năm 2040. Trong khi đó, hạm đội 6 chiếc tàu ngầm lớp Collins của Úc sẽ "nghỉ hưu" vào năm 2026.

Hiện tất cả tàu ngầm có trong biên chế hải quân Anh và Mỹ là tàu ngầm hạt nhân, không có tàu ngầm nào chạy bằng diesel-điện. Do đó, gần như chắc chắn Úc sẽ trở thành nước thứ 7 trên thế giới vận hành tàu ngầm hạt nhân nếu chọn cách thuê loại tàu này từ hai đồng minh trong AUKUS.

Úc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệ - Ảnh 2.

Tàu ngầm HMS Anson (S124) thuộc lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh trong ngày hạ thủy - Ảnh: UK NAVY

Vậy chính quyền Canberra sẽ lựa chọn tàu ngầm nào của Anh - Mỹ? Trước hết, cần xem cách tổ chức, phân loại tàu ngầm của hai nước này.

Theo trang web của Hải quân Mỹ, hiện nước này đang vận hành 3 loại tàu ngầm hạt nhân:

- Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng bắn tên lửa đạn đạo (SSBN): 14 chiếc lớp Ohio.

- Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng bắn tên lửa dẫn đường và triển khai các hoạt động đặc biệt (SSGN): 4 chiếc thuộc lớp Ohio, hoán cải từ các tàu SSBN.

- Tàu ngầm tấn công nhanh chạy năng lượng hạt nhân (SSN) gồm lớp Los Angeles (40 chiếc), lớp Seawolf (3 chiếc) và lớp Virginia (19 chiếc).

Hải quân Hoàng gia Anh tổ chức lực lượng tàu ngầm khiêm tốn hơn Mỹ về số lượng và chủng loại.

Hiện Anh có 12 tàu ngầm hạt nhân, gồm 4 chiếc SSBN thuộc lớp Vanguard, trang bị tên lửa Trident 2 D5 được chia sẻ công nghệ từ Mỹ. Các tàu ngầm SSN có 8 chiếc, chia đều cho lớp Astute và lớp Trafalgar.

Úc sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân Anh, Mỹ làm vũ khí phòng vệ - Ảnh 3.

Tàu ngầm USS Indiana (SSN 789) thuộc lớp Virginia của Hải quân Mỹ - Ảnh: US NAVY

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (IISS), Úc sẽ đóng 8 tàu ngầm SSN. Do đó, khả năng cao Canberra sẽ thuê các tàu ngầm cùng loại từ Anh hoặc Mỹ để học hỏi kinh nghiệm.

Do đang sở hữu nhiều tàu ngầm SSN hơn Anh nên nhiều khả năng Mỹ sẽ là nước cho Úc thuê. Cả ba lớp Los Angeles, Seawolf Virginia đều có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk từ hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) hoặc ống phóng ngư lôi.

Trong đó, lớp Virginia là lớp tàu ngầm mới nhất đang được chế tạo đều đặn để thay thế các tàu thuộc lớp Los Angeles

Lớp Seawolf không có VLS nhưng bù lại có 8 ống phóng ngư lôi, có thể bắn được tên lửa Tomahawk và mang theo tối đa 50 tên lửa loại này.

Không lâu sau lễ công bố AUKUS, Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận nước này sẽ mua tên lửa Tomahawk từ Mỹ. 

Mặc dù số tên lửa này sẽ được trang bị cho các tàu khu trục lớp Hobart của Úc, một số người cho rằng chúng sẽ xuất hiện trên các tàu ngầm thuê từ Mỹ.

Việc một nước đi thuê tàu ngầm hạt nhân không phải chưa từng có tiền lệ. Từ những năm cuối thập niên 1980, Hải quân Ấn Độ đã vận hành tàu ngầm hạt nhân INS Chakra thuê từ Liên Xô và hoàn trả năm 1991.

Ấn Độ nhận chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai từ Nga vào năm 2011 theo hợp đồng thuê 10 năm. Việc vận hành các tàu ngầm trên đã giúp Ấn Độ tích lũy kinh nghiệm cho dự án tàu ngầm hạt nhân nội địa.

Theo Bộ trưởng Tài chính Úc Birmingham, việc thuê tàu ngầm là rất cần thiết, không chỉ duy trì năng lực răn đe bằng tàu ngầm mà còn giúp Úc đào tạo các thủy thủ và hiểu thêm về cách vận hành tàu ngầm hạt nhân.

Chẳng hạn, Úc sẽ biết cách nên nâng cấp căn cứ hải quân tại Perth như thế nào để phù hợp với hạm đội tàu ngầm hạt nhân tương lai.

Thỏa thuận AUKUS của Mỹ, Úc, Anh có phải là liên minh chống Trung Quốc? Thỏa thuận AUKUS của Mỹ, Úc, Anh có phải là liên minh chống Trung Quốc?

TTO - Mỹ, Anh và Úc đã công bố quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS. Cú bắt tay này không chỉ đơn thuần là cùng hợp tác để chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Úc.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp