Phóng to |
Người dân Anh biểu tình chống hành vi trốn thuế của Hãng Starbucks ở London hôm 8-12 - Ảnh: Reuters |
Theo báo Wall Street Journal, ngày 9-12 Chính phủ Úc tuyên bố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia né thuế. "Chính phủ các nước trên thế giới cần xem xét lại các quy định thuế quốc tế, bởi chúng không theo kịp sự phát triển của mô hình kinh doanh và thủ đoạn né thuế của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia" - Thứ trưởng Tài chính Úc David Bradbury khẳng định.
Trước đó, báo Anh Guardian đưa tin hồi đầu tháng 12, Ủy ban kiểm toán công thuộc Quốc hội Anh ra báo cáo chỉ trích các tập đoàn đa quốc gia không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở Anh. "Các tập đoàn toàn cầu hoạt động với quy mô lớn ở Anh, thu lợi nhuận lớn nhưng hầu như không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Ðó là sự sỉ nhục đối với các doanh nghiệp và cá nhân Anh đang đóng góp cho xã hội" - chủ tịch ủy ban Margaret Hodge tuyên bố.
Thủ đoạn tinh vi
"Chúng tôi không buộc tội các tập đoàn đa quốc gia vi phạm pháp luật. Chúng tôi tố cáo họ vô đạo đức" |
Thủ đoạn thường thấy là các tập đoàn này chuyển lợi nhuận qua các chi nhánh quốc tế đặt ở những nước áp dụng mức thuế rất thấp. Ví dụ, Hãng Starbucks có hơn 700 cửa hàng ở vương quốc Anh, đạt doanh thu hơn 3 tỉ bảng Anh (4,8 tỉ USD). Nhưng trong 14 năm qua, hãng này chỉ nộp vỏn vẹn 8,6 triệu bảng Anh (13,7 triệu USD) tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Starbucks né được thuế nhờ chiêu chuyển lợi nhuận qua một công ty "chị em" ở Hà Lan theo hình thức trả tiền bản quyền, trả mức lãi suất rất cao để vay tiền từ các công ty chi nhánh khác. Tương tự, Tập đoàn Amazon xử lý lợi nhuận thu được tại Anh từ trụ sở đặt ở Luxembourg, quốc gia áp mức thuế rất thấp. Trước đó, Hãng Microsoft cũng bị tố cáo đạt doanh thu 1,7 tỉ bảng (2,7 tỉ USD) ở Anh, nhưng chuyển lợi nhuận sang một văn phòng nhỏ ở Luxembourg để né thuế.
Ở Úc, Công ty Google Australia chuyển lợi nhuận sang các công ty con ở Ireland và Hà Lan. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Úc là 30%, còn ở Ireland chỉ 12,5%. Giới chuyên gia Anh cho biết có một điều mỉa mai là để áp dụng những trò né thuế, các tập đoàn đa quốc gia phải trả mức chi phí rất cao cho các hãng luật chuyên về thuế và kiểm toán. Luật sư ở các hãng này thường hưởng mức lương từ hàng trăm cho đến hàng nghìn USD mỗi giờ.
"Vô đạo đức"
Chủ tịch Ủy ban kiểm toán công Quốc hội Anh Margaret Hodge khẳng định: "Chúng tôi không buộc tội các tập đoàn đa quốc gia vi phạm pháp luật. Chúng tôi tố cáo họ vô đạo đức". Báo Telegraph cho biết dư luận Anh đòi hỏi các tập đoàn đa quốc gia phải đóng thuế một cách công bằng khi nước Anh đang kiệt quệ về tài chính và người dân chịu mức thuế cao.
Khảo sát của Hãng YouGov cho thấy gần 80% dân Anh ủng hộ việc chính phủ buộc các tập đoàn đa quốc gia phải trả thêm thuế. Thậm chí, nhiều người dân Anh đã biểu tình ở London tuần trước để phản đối hành vi trốn thuế của Starbucks. Cuộc biểu tình càng trở nên nóng hơn khi Starbucks tuyên bố sẽ "tình nguyện" đóng thêm 20 triệu bảng (32 triệu USD) tiền thuế. Nhiều người chỉ trích số tiền này chỉ là "muối bỏ biển" so với lợi nhuận Starbucks thu được ở Anh.
Theo BBC, mới đây Bộ Tài chính Anh tuyên bố sẽ cung cấp cho Cơ quan thuế vụ hoàng gia Anh (HMRC) 77 triệu bảng (123 triệu USD) để HMRC truy quét các công ty và cá nhân né thuế. Bộ Tài chính Anh cho biết chính phủ hi vọng sẽ thu thêm 2 tỉ bảng (3,2 tỉ USD) tiền thuế mỗi năm. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne sẽ đàm phán với các lãnh đạo G8 về những biện pháp chống hành vi né thuế.
Trang MarketWatch dẫn lời tiến sĩ Mark Zirnsak thuộc Mạng lưới công lý thuế (TJN) ở Úc nhận định việc ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia né thuế là một nhiệm vụ không dễ dàng. "Nhiệm vụ này đòi hỏi nỗ lực dài lâu - ông Zirnsak cho biết - Chúng ta không thể ngay lập tức giải quyết được vấn đề các công ty chuyển lợi nhuận ra nước ngoài".
Chuyên gia Zirnsak đề xuất chính phủ các nước áp loại "thuế đơn vị" dựa trên sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia ở mỗi nước, bao gồm các yếu tố như số lượng nhân viên, tài sản cố định, doanh thu hàng năm. Bà Margaret Hodge cho rằng chính phủ các nước cần yêu cầu mọi tập đoàn đa quốc gia phải báo cáo thuế một cách minh bạch.
SƠN HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận