Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên ở hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm - Ảnh: V.Dũng |
Đó là không khí sôi nổi của phiên thảo luận tại hội trường chiều 13-6 đối với dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Cử tri chê sao vẫn giữ
Đại biểuTRẦN NGỌC VINH (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần, sao biết người đó tiến bộ? Theo thông tin từ Ban Công tác đại biểu, có tới hơn 30 tỉnh, thành đều gửi ý kiến của cử tri tại địa phương mình đề nghị Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh các mức tín nhiệm cho phù hợp. Cụ thể là nên lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức, thay vì vẫn giữ ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” như hiện nay để đảm bảo ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời giúp người được lấy phiếu có trách nhiệm cao hơn. Theo quy định của dự thảo nghị quyết (sửa đổi), người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức, vậy thì cần làm rõ trường hợp nếu người nào trong diện này mà không có đơn từ chức thì Quốc hội có tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm (hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm) không? Hoặc người trong diện này đã có đơn từ chức trước khi bỏ phiếu tín nhiệm thì có tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm không? Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, ban soạn thảo đề nghị chỉ lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ. Theo tôi, mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm hai lần, vào giữa nhiệm kỳ (kỳ họp cuối năm thứ 2) và vào kỳ họp đầu năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Quy định như vậy sẽ gắn với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ, không gây áp lực, để cán bộ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Nếu mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu một lần thì Quốc hội sẽ đánh giá như thế nào người được lấy phiếu có tiến bộ hay không? |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lo lắng: “Tôi ngồi cứ nghĩ nếu sắp tới Quốc hội thông qua như dự thảo nghị quyết, đến lúc đi tiếp xúc thì không biết giải thích với cử tri như thế nào”.
Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị giữ ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp và cho rằng “ba mức là phù hợp, đảm bảo sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ”.
Thể hiện quan điểm về vấn đề này, đại biểu Cương nói rõ rất đồng tình với nhiều đại biểu chỉ nên để hai mức. “Tôi không thể nào thông suốt được đối với giải thích việc để ba mức tín nhiệm nhằm thể hiện tính thận trọng trong công tác cán bộ”. Cũng theo đại biểu Cương, thận trọng hay không là ở mỗi đại biểu, mỗi người.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bình luận cái được cử tri khen thì lại sửa, còn cái cử tri chê thì vẫn giữ. Theo đại biểu Thuyền, cử tri rất khen việc lấy phiếu tín nhiệm, đây là bước tiến mới, thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội để đánh giá, nhận xét cán bộ. Còn lấy phiếu tín nhiệm với ba mức thì cử tri rất chê, “có cử tri nói với tôi rằng là đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế? Tôi hỏi tại sao dốt, cử tri trả lời phiếu nhiều là cao, phiếu ít là thấp, có gì đâu phải ghi tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp ở đây”. Đại biểu Thuyền ủng hộ nên chỉ ghi hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm; “anh” nào được nhiều phiếu là tín nhiệm cao, còn được ít phiếu là tín nhiệm thấp.
Tuy nhiên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng nên đưa ra ba mức đánh giá tín nhiệm vì đây là phiếu tín nhiệm để người được lấy phiếu tín nhiệm biết mình được đánh giá như thế nào, có thời gian để khắc phục, điều chỉnh. Việc đưa ra ba mức cũng để đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có nhiều lựa chọn, đánh giá đầy đủ hơn...
Riêng về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu tán thành nên lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ. Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), nếu không tổ chức lấy phiếu một năm một lần (như quy định cũ trước đây) thì tối thiểu cũng phải hai lần trong nhiệm kỳ. Một năm là đủ thời gian để điều chỉnh, đánh giá cán bộ. Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (vào năm thứ ba).
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết về mức đánh giá tín nhiệm, đa số ý kiến đại biểu phát biểu (có 23 người phát biểu tại phiên thảo luận) đề nghị nên quy định hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Cũng có ý kiến đề nghị ba mức như dự thảo. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến đề nghị cách thể hiện các mức tín nhiệm khác nhau, ví dụ như tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp...
Hiến pháp không quy định lấy phiếu tín nhiệm
Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) đề nghị cần xem lại sự phù hợp với Hiến pháp. Nghị quyết 35 trước đây quy định lấy phiếu tín nhiệm, lúc đó Hiến pháp cũng không quy định lấy phiếu tín nhiệm. Trong quá trình sửa Hiến pháp, chúng ta đề cập việc lấy phiếu, cuối cùng Quốc hội quyết chỉ bỏ phiếu tín nhiệm. Và để phù hợp với nghị quyết của Đảng cũng như Hiến pháp, “tôi đề nghị nghị quyết này chỉ quy định là bỏ phiếu...” - đại biểu Long nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết một vấn đề đã có rất nhiều đại biểu nói và cá nhân ông cũng đã phát biểu rất nhiều lần về việc trong Hiến pháp không có chế định lấy phiếu tín nhiệm, cho nên việc quy định lấy phiếu tín nhiệm là không phù hợp với Hiến pháp. “Nói cách khác, tôi không muốn dùng từ nặng nề đó là vi hiến. Trong Hiến pháp chỉ quy định việc bỏ phiếu, ở khoản 8, điều 70 quy định rất rõ. Tôi nghĩ là Quốc hội phải thực hiện việc thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp” - đại biểu Cương nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận