11/08/2024 13:09 GMT+7

U60 nuôi con dúi làm giàu

Nếu dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều người chăn nuôi lao đao thì ở một xã vùng núi huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), hàng trăm hộ dân bỏ nuôi lợn và chuyển sang nuôi con dúi.

U60 nuôi con dúi làm giàu- Ảnh 1.

Bà Nông Thị Hà bỏ nuôi lợn, chuyển sang nuôi dúi cho thu nhập ổn định - Ảnh: VŨ TUẤN

Những nông dân khởi nghiệp ở tuổi 50, 60 làm vui, ngủ ngon vì có khoản thu nhập đáng kể từ con dúi (chuột nứa hoặc con nui, con rúi) này.

Bà Nông Thị Hà (hơn 50 tuổi, ở bản Lanh, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn) bảo đứa cháu dạy quay video, lướt mạng xã hội. Mục đích chính của bà Hà là lên mạng bán con dúi và học người khác cách chăm sóc, chữa bệnh cho loài vật này.

Bà cho hay sau nhiều năm "sờ sợ" thì bà đánh liều một phen vay vốn nuôi dúi.

U60 online bán dúi

"Mới đầu cũng sợ nhiều thứ lắm! Sợ con dúi mới quá mình chưa biết bệnh của nó là gì? Nhỡ nó bị dịch thì chữa như thế nào? Sợ nhiều nhà nuôi thì bán được không?... Nhưng mà nuôi rồi lại thấy mình quyết định đúng. Cả bản này nuôi dúi nhiều nhất xã đấy!", bà Hà khoe.

Trại nuôi dúi của bà Hà chính là khu nuôi lợn trước đây. Bà có tiếng nuôi lợn "mát tay" với nghề làm bún giao các hàng ăn sáng trong vùng, phụ phẩm là thức ăn nuôi lợn. Tiền xây nhà, con cái ăn học chủ yếu là tiền "bỏ ống" từ nghề nuôi lợn.

Thế nhưng mấy năm nay dịch tả lợn châu Phi hoành hành, bà vừa nuôi vừa run. Đến giờ cả bản không còn nhà nào nuôi lợn. Chuồng trại trước đây chuyển sang nuôi dúi. Vẫn cái nền cũ, láng lại xi măng, quây từng ô bằng gạch men loại to cho dúi ở.

Thức ăn là cây tre trong rừng, mỗi ngày thêm một nắm ngô, cuối tuần lại cho chúng "liên hoan" bằng một khúc mía. Lũ chuột nứa béo múp míp này ăn ít tốn hơn gà, nhưng lãi cao hơn lợn. Nhiều người bảo nuôi chơi nhưng lãi thật.

Ngày chưa nuôi, bà Hà hay lân la xem hàng xóm nuôi thế nào, chăm sóc ra sao, nhất là nghe ngóng bệnh dịch. Dần dà, bà dùng điện thoại thông minh vào các hội nhóm nuôi dúi để học, thỉnh thoảng lại xem bà con livestream bán dúi, dạy cách chăm sóc dúi, chữa bệnh...

Chuồng dúi của bà Hà chưa đầy hai năm, từ chục cặp dúi ban đầu bây giờ bà đã có đàn dúi hơn trăm con. Bọn dúi không còn đào hang gốc nứa như ở rừng mà ở "nhà" gạch men có "điều hòa" bằng quạt điện, nước sạch phun dưới gầm.

Bản Lanh có 53 nóc nhà thì có 18 nhà nuôi dúi. Ấy là chỉ tính những nhà nuôi từ 50 con trở lên, nhà nuôi một chục hoặc vài chục con không tính. Con dúi chỉ bằng cái hoa chuối nhỏ nhưng có giá hơn 1 triệu đồng.

Nhà nuôi đầu tiên trong bản là ông Lý Văn Hoàng đã có đàn dúi hơn 300 con, nhà ông Lý Văn Cung cũng hơn 300 con, những nhà nuôi hơn 200 còn rất nhiều. Tính ra họ chỉ bán con to, mỗi con giá hơn 1 triệu đồng thì bán đàn dúi cũng mua được mảnh đất mặt đường cho con trai lấy vợ.

U60 nuôi con dúi làm giàu- Ảnh 3.

Công việc mới của thanh niên trong xã Yên Phong là cắt tre chăn dúi - Ảnh: VŨ TUẤN

Giữ rừng tre nuôi dúi

Ở vùng này, tre mọc đầy rừng, ngày trước mỗi năm cả một đồi tre chỉ bán được vài triệu tiền măng. Dân bản bây giờ ít lấy măng, để cây nuôi dúi. Cứ 100 con dúi thì mỗi ngày chúng xơi hết một cây tre, hai bát to hạt ngô và mỗi tuần một vác mía.

Ông Tá Hữu Biên, lão nông khởi nghiệp ở tuổi U60 (thôn Khau Toòng, xã Yên Phong), là người đầu tiên bỏ lợn, nuôi dúi ở bản. Hồi năm 2018, ông Biên mua được hai con dúi người ta đào được trong rừng. Ông rửa sạch hai cái chum ủ rượu, nhốt mỗi con một chum.

Hằng ngày ông ném thanh tre và quả ngô vào cho dúi ăn. Được vài tháng, con dúi cái mũi đỏ au, kêu khìn khịt cứ bới cái móng chân đòi ra ngoài. Ông Biên "gả" cho con dúi đực. Vài tháng sau thì vợ chồng dúi son này sinh hạ được ba nhóc đầu tiên.

Lão nông nhân đàn bằng dàn chum sành, mua thêm vài cái thùng phuy cắt đôi làm chuồng dúi. Ngày ấy chưa biết làm chuồng tập trung, ông nhốt dúi vào chum, vào thùng phuy rồi kê dưới mái hiên quanh nhà.

Đã vậy, nuôi dúi bằng chum, bằng thùng phuy lại sợ mèo. Cứ lơ là một tí là con mèo mướp xơi luôn vài con dúi bé. Công chăm bẵm, ghép đôi dúi gần năm trời thành công cốc! Bán cả chục con mèo cũng không bằng một con dúi bé. Bọn mèo ranh ma, chui vào bắt dúi bé, lại thường làm xổng dúi to.

Năm trước, ông Biên dậy sớm nhóm bếp, ông thấy dưới gầm chạn đùn ra ụ đất mới. Mấy bố con đào một cái hố sâu lôi cổ ra một con dúi đực béo múp. Ông Biên nghĩ đến mùa động đực, bọn dúi cái có mùi đặc trưng gọi "trai", lũ dúi đực tìm về.

Ấy nhưng vài hôm sau thì hàng xóm nói chuyện bị xổng mất mấy con dúi, đi tìm mãi thì thấy một con bị chó ngoạm chết ở góc vườn. Ông Biên trả lại con dúi bắt được rồi nghĩ cách làm chuồng.

Mãi đến năm 2021, tận mắt xem một trại dúi rất lớn của một thanh niên ở Tuyên Quang, ông mới quyết định làm chuồng cho quy củ. Chuồng dúi rộng, lát xi măng, quây lưới xung quanh vừa thoáng vừa cho lũ mèo không xơ múi được dúi con. Ông Biên lại làm dây nước phun sương trên mái cho mát, bên trong lắp quạt điện.

Ông khoe từ đầu năm đến giờ bán hai lần, hơn 30 con, kiếm vài chục triệu ngon ơ. Người mua dúi ở Thái Nguyên gọi điện hẹn trước với các nhà trong xã, đủ chuyến họ đánh xe hơi lên mua.

Cứ vài hôm lại một chuyến xe dúi về xuôi, người ta phải chở bằng xe hơi, điều hòa mát rượi, đi mấy trăm cây số con dúi vẫn khỏe, nhe răng gặm mía. Loài này được cho là thịt bổ vì sống sạch, chỉ ăn tinh khiết với cây tre, khúc mía, bắp ngô.

Dân Yên Phong chăn con này chẳng vất vả gì, nhà nào nuôi nhiều thì mỗi ngày vài cây tre vầu, vài bát ngô. Sáng họ lên rừng chặt tre, chiều ra sân ủy ban xã đánh bóng chuyền, chẳng phải khổ sở như nuôi lợn.

Từ mấy cái chum và thùng phuy ban đầu, nhà ông Biên giờ có hai khu chuồng nuôi dúi, tổng hơn 200 con. Bọn dúi khỏe nuôi ở một chuồng, bọn dúi sinh sản nuôi ở chuồng khác. Chuồng này được coi là chuồng cấm, không cho người lạ đến gần, trước khi cho ăn người nhà cũng phải rửa tay chân sạch sẽ, thay quần áo để tránh dúi bị bệnh.

Cậu con trai của ông Biên mỗi ngày chặt hai cây tre, cắt thành từng đoạn, chẻ ra cỡ hai ngón tay thả vào cho dúi ăn. Cậu ước mơ sang năm đỗ đại học, tiền học phí, sách vở và cả cái xe máy cậu thích cũng trông vào bọn chuột nứa răng to, gặm ống tre khỏe re này.

Bà Nguyễn Thị Bích Thu, chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phong, cho hay từ năm 2022 Hội Nông dân xã đã đề xuất sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân, cho mỗi hộ vay 40 triệu đồng để làm chuồng trại phát triển đàn dúi.

Hiện tại cả dúi giống và dúi thương phẩm của các hộ chăn nuôi trong xã không đủ để bán. Những hộ chăn nuôi từ 200 con trở lên mỗi năm có thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi vì có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm từ nuôi dúi.

"Chúng tôi tiếp tục kết nối với các tổ chức, cá nhân để nhiều người biết đến sản phẩm chăn nuôi đặc biệt này, hỗ trợ đầu ra ổn định lâu dài cho bà con", bà Thu nói.

Dúi được rao bán trên mạng với giá khá cao - Ảnh VŨ TUẤN

Dúi được rao bán trên mạng với giá khá cao - Ảnh VŨ TUẤN

Tối tối, ăn cơm xong, dân bản bật điện, livestream xem dúi gặm gốc tre, vui đáo để! Ngày trước, dân bản sợ người ta nuôi nhiều dúi không bán được, nhưng bây giờ có mạng xã hội. Người nuôi dúi có hàng chục hội nhóm. Bản Lanh cũng có nhóm nuôi dúi riêng, nhà nào cần bán thì nhắn vào đó.

"Giá cả lúc cao điểm thì bán được 480.000 đồng mỗi cân, lúc thấp thì 430.000 đồng. Dúi giống thì đắt gấp đôi, cứ mỗi con giống loại sắp đến kỳ ghép đôi có giá hơn 1 triệu đồng", bà Nông Thị Hà cho hay.

Ngư dân chế Ngư dân chế 'siêu' tàu chữa cháy

'Siêu' tàu chữa cháy của ông Trần Tân Thanh sáng chế có chiều dài 15m, tải trọng 15 tấn với ba khoang hầm và hai vòi phun lực nước đi xa hơn 20m nên dập lửa cháy trên tàu cá rất nhanh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp