U23 VN sẽ đòi lại món nợ thất bại trước UAE ở Asiad 2018? - Ảnh: N.K.
VCK U23 châu Á chỉ mới ra đời từ năm 2013 (đã trải qua 3 kỳ tổ chức) và xét trong lịch sử giải đấu này, VN là quốc gia có thành tích tốt nhất ở bảng D khi từng lọt vào chung kết giải năm 2018. Trong 3 đội còn lại, chỉ duy nhất Jordan từng lọt vào bán kết một giải năm 2013.
Ở giải năm 2018, UAE thậm chí không được góp mặt, còn Jordan và Triều Tiên cũng bị loại tại vòng bảng.
Trước khi VCK U23 ra đời, Asiad là đấu trường duy nhất để đánh giá thực lực bóng đá lứa tuổi U23 của châu Á. Và ở sân chơi này, Jordan cũng không hề có thành tích gì đáng kể.
Triều Tiên từng giành HCV năm 1978. Những năm gần đây, nền bóng đá nước này ngày càng sa sút, thể hiện rõ nhất qua thành tích bết bát tại Asian Cup 2019.
UAE có lẽ là đối thủ đáng gờm nhất của U23 VN ở bảng này. Họ từng vào đến chung kết năm 2010 và gần nhất là HCĐ ở Asiad 2018 (đánh bại VN trên chấm luân lưu ở trận tranh hạng 3).
Xét ở vòng loại giải lần này, UAE cũng gây ấn tượng khi đứng đầu bảng D gồm Saudi Arabia, Lebanon và Maldives.
Jordan cũng vượt qua bảng đấu có các đại diện mạnh như Syria, Kuwait và Kyrgyzstan. Còn Triều Tiên kém ấn tượng nhất khi chỉ giành được 5 điểm trong bảng đấu gồm toàn các đội dưới cơ là Singapore, Hong Kong và Mông Cổ (họ thậm chí bị Singapore cầm hòa).
So với VN, chủ nhà Thái Lan kém may mắn hơn khi nằm trong bảng đấu gồm các đối thủ mạnh là Iraq, Úc và Bahrain. Iraq chính là đội bóng đầu tiên vô địch VCK U23, còn Úc luôn là một đại gia của bóng đá châu Á.
Nhưng bảng B và C được đánh giá cao nhất về mức độ quyết liệt khi mỗi bảng đều bao gồm 3 ứng cử viên vô địch. Ở bảng B là Qatar, Nhật Bản, Saudi Arabia và Syria, còn bảng C gồm Uzbekistan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Iran.
Ở 2 bảng đấu này, Nhật Bản có lẽ là ứng cử viên số một của giải đấu, bởi họ đã chuẩn bị rất kỹ cho lứa U23 này suốt nhiều năm qua để hướng đến Olympic Tokyo 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận