Nỗi buồn của các cầu thủ U23 VN sau khi để đối thủ giành chiến thắng ở những phút cuối trận đấu - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Dưới đây là phân tích của Nhật Đăng gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.
"U23 Việt Nam không thể giành cúp vô địch. Tiền vệ Quang Hải hay thủ môn Tiến Dũng cũng trượt giải cầu thủ xuất sắc nhất. Cái còn lại sau một cuộc tranh tài là giải Fair-play…
Giành giải thưởng Fair-play, đó chính là một sự công nhận dành cho tài năng và nhân cách của U23 Việt Nam - những chàng trai trẻ chuyên nghiệp và chơi thứ bóng đá thuần khiết, đẹp đến nao lòng…"
Nhật Đăng
Và người ta đã thấy Quang Hải khóc trong cuộc trả lời phỏng vấn sau trận chung kết giữa U23 VN và U23 Uzbekistan. Rồi người ta nhận ra rằng cầu thủ này, đã có ít nhất ba bàn xứng đáng gọi là "siêu phẩm" tại giải U23 châu Á năm nay. Chưa bao giờ để cảm xúc chi phối đến vậy!
Nhắc mới nhớ, U23 VN đúng là những chiến binh lì lợm. Lì từ việc buộc những đội bóng trên lý thuyết được đánh giá cao hơn rất nhiều cũng phải dốc toàn lực. Lì từ việc dẫu bị dẫn bàn vẫn đá đúng tinh thần tiếp cận trận đấu ban đầu.
Lì đến việc giữa trời mưa tuyết mù mịt vẫn đưa quả bóng nằm gọn lỏn trong lưới đối thủ bằng một quả đá phạt tỉnh queo. Và lì tới mức chỉ chịu khóc lóc khi những giây cuối cùng của mình tại một giải đấu khép lại.
Sự lì lợm ấy có thể sẽ là nỗi ám ảnh cho các đối thủ của U23 VN. Tại trận chung kết, đội bóng này lại bị dẫn bàn. Và theo "kịch bản" cũ thì kiểu gì cũng sẽ gỡ lại. Không thể khác.
Các cầu thủ U23 Việt Nam cảm ơn người hâm mộ sau trận chung kết - Video: NGUYÊN KHÔI
Đó chính là một trong những điểm quan trọng nhất củng cố niềm tin cho 11 cầu thủ trên sân, cho các thành viên còn lại, và cho cả những cổ động viên VN.
Không đời nào U23 VN chịu thua nhanh như vậy, và lịch sử ngắn ngủi nhưng đầy cảm xúc của cả mùa giải U23 châu Á này chứng tỏ đội bóng của huấn luyện viên Park Hang Seo đủ sức làm được những điều tưởng như không thể.
Rồi thì những xúc cảm ấy sẽ đi đâu? Không đâu cả. Nó chiếm một chỗ trong tiềm thức của lứa cầu thủ U23 này, và sẽ có ý nghĩa đáng kể cho tương lai.
Khi bạn đã làm được những điều phi thường tại đấu trường châu lục, lý do gì không nghĩ rằng bạn sẵn sàng cho các đối thủ khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… phải "nếm trái đắng" tương tự Iraq, Qatar, hoặc vã cả mồ hôi trong tuyết lạnh như Uzbekistan?
Đó không phải một kiểu nói "tự sướng" hay ba hoa, khoác lác một cách vội vàng. Khi bạn nhảy cao nửa mét trên trái đất, bạn có thể nhảy ba mét trên mặt trăng.
Môi trường với lực hút càng nặng, sức tập luyện càng cao, thì bạn sẽ thấy càng thoải mái hơn khi thể hiện nó ở môi trường nhẹ nhàng hơn.
Nói một cách trực khởi, khi quay về Đông Nam Á hay SEA Games và giáp mặt với Thái Lan hay Singapore, các cầu thủ U23 VN này như được cởi bỏ áp lực, đồng thời trang bị cho mình một niềm tin vững vàng hơn.
Nếu coi U23 châu Á là một chuyến tập huấn, thì giá trị của đợt cọ xát này không gì có thể so sánh từ trước tới nay. Sáu trận đấu ở U23 châu Á có giá trị hơn 100 trận giao hữu!
Khi tạp chí 4-4-2 (FourFourTwo) đặt vấn đề "Làm thế nào để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp", yếu tố tinh thần xuất hiện gần như xuyên suốt.
"Cống hiến" và "hi sinh", những cụm từ nghe qua tưởng như sáo rỗng, được nhắc tới nhiều nhất khi FourFourTwo đi hỏi các chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới, trong đó có huấn luyện viên Arsene Wenger của Arsenal.
Daniel Sturridge lại cho rằng việc luôn luôn giữ được động lực cho mình là quan trọng nhất, và phải kiên trì. Đó cũng chẳng phải một cách nói sáo rỗng, nếu biết rằng trong một thống kê năm 2015, số ca chấn thương của Sturridge bằng một nửa đội hình Liverpool cộng lại.
Tom Ince, con trai của cựu danh thủ Paul Ince, thì khẳng định "nếu không có sự tự tin, chẳng lấy gì làm cơ sở để đá bóng cả". Đấy là cái mà Oxlade-Chamberlain của Liverpool gọi là "cách tiếp cận không sợ hãi".
Nhưng nói tới lui, thì U23 VN cũng chỉ được giải Fair-play. Công sức của toàn đội không chỉ trong 120 phút giữa cơn bão tuyết ở Thường Châu, mà là cả quãng đường rất dài đã qua, cuối cùng chỉ đổi lại là một giải Fair-play.
Mà Fair-play là gì? Nó là giải thưởng dành cho màn thể hiện đẹp trong các pha bóng và cả hình ảnh chung của một tập thể trong một giải đấu. Nhưng nó "có ăn được không", và ai cần nó?
Nhưng đừng vội nghĩ rằng đó là sự châm biếm. Fair-play có thể là giải mang nhiều tính chất an ủi, nhưng trong trường hợp này, nó không sáo rỗng tới vậy.
Thực tế U23 VN đã thực sự chơi đẹp, thua cũng đẹp và mang tới những cảm giác hoàn toàn tốt đẹp cho bóng đá nước nhà.
Niềm hứng khởi mà đội U23 này mang lại vốn dĩ chẳng phải thành tích cụ thể, mà nhiều hơn ở chỗ họ cống hiến như thế nào, nỗ lực ra sao, và thể hiện một bộ mặt đẹp cả về lối đá, chuyên môn lẫn nhân cách như thế nào.
U23 VN hiện nay làm tôi nhớ tới Marcus Rashford (Manchester United) hay Kylian Mbappe (Paris Saint-Germain). Không nhắc tới tài năng, đây là những ngôi sao trẻ đại diện cho thế hệ những người sinh năm 1997, 1998.
Họ tỏa sáng bằng lối đá không sợ sệt ở thời điểm rất trẻ, nhưng cách chơi đĩnh đạc, cuộc sống ngoài sân cỏ khiến cổ động viên yêu mến. Họ có thể không hoặc chưa giỏi như các siêu sao Brazil trong quá khứ, nhưng họ có lối sống chuẩn mực hơn - ít ra là đến lúc này.
Một cuộc sống chuẩn mực liên quan gì tới chuyên môn? Có chứ. Khi thế hệ lò đào tạo La Masia của Barcelona nổi như cồn cùng huấn luyện viên Joseph Guardiola, báo chí đã tìm cách đi sâu vào cách hoạt động nơi đây.
Họ phát hiện rằng để hình thành một xu hướng đá đẹp, một nhóm cầu thủ tinh hoa, La Masia không chỉ dạy chuyên môn. Họ còn dạy nhân cách.
Khi khán giả tiếc nuối cho U23 VN và không kém phần tức tối khi số 7 của U23 Uzbekistan - Odiljon Xamrobekov, người chơi "xấu" gần nhất trận và đáng ra phải bị đuổi khỏi sân - giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất giải, thì đó là lúc chúng ta nên vui.
Vì chúng ta vẫn còn hạnh phúc với cách đá sòng phẳng của những người hùng U23 VN, chúng ta thua nhưng không có gì phải hối tiếc hay ngượng ngùng.
Đấy, đá cho cố rồi giành giải Fair-play thì chẳng đáng phải đi "bão". Nhưng đó chính là một sự công nhận dành cho tài năng và nhân cách của U23 VN, những chàng trai trẻ chuyên nghiệp và chơi thứ bóng đá thuần khiết, đẹp đến nao lòng…"
Bài viết thể hiện quan điểm góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận