Ông Gerd Ziese, vị HLV người Đức dẫn dắt U-19 Myanmar, cũng phải ngỡ ngàng nói rằng cả đời ông chưa bao giờ chứng kiến một trận đấu của giải trẻ mà khán đài nóng bỏng như sân Mỹ Đình đêm 11-9! Đó là ông chưa thấy ở cách Hà Nội gần 2.000km, hàng ngàn người hâm mộ đã nhuộm đỏ Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM khi xem trực tiếp trận đấu qua truyền hình.
Điều gì đã khiến người hâm mộ bóng đá Việt khác hẳn với thế giới như vậy? Đó là người Việt rất thích bóng đá. Nhưng, bóng đá đã phụ bạc tình yêu ấy bằng liên tiếp những vụ tiêu cực, phụ bạc bởi một bộ máy quản lý bóng đá yếu kém qua hàng loạt các nhiệm kỳ trước đây... Trong bối cảnh đó, bầu Đức lập Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG và người ta trông ngóng từng ngày lứa cầu thủ của học viện này ra ràng.
Và từ giải U-19 Đông Nam Á năm ngoái tại Indonesia, U-19 đã chiếm lĩnh trái tim người hâm mộ bằng một lối chơi giàu kỹ thuật và thấm đẫm phong cách fair-play. Những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều, Văn Toàn... đã thắp lên ngọn lửa hi vọng trong tim người hâm mộ bóng đá Việt.
Từ đó, U-19 đã làm lu mờ mọi đội tuyển khác. Bất cứ trận đấu nào của U-19 cũng thu hút khán giả đến kín sân. Ngay cả khi họ thua tan nát (trước U-19 Nhật Bản hồi tháng 1-2014), người ta vẫn yêu thương, bởi tìm thấy ở đó một thứ bóng đá đẹp mắt và đầy cống hiến.
Tuy nhiên, khi tình yêu thăng hoa, lý trí rất dễ bị lu mờ. Đá ngang ngửa với U-19 Nhật Bản hôm 9-9, người ta reo vui: So với trận thua 0-7 hồi tháng 1 và bây giờ chỉ thua 2-3, đội U-19 VN đã tiến bộ vượt bậc!
Họ quên rằng U-19 Nhật Bản đang có mặt tại Hà Nội chỉ là đội hình hai. Những bàn thắng đẹp của Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Long... đã được ví với Messi, Bergkamp... Số đông đã lao vào tung hô mà quên mất ta đang đá với ai.
Một tập thể ăn tập cùng nhau bảy năm trời chơi hay hơn một đội bóng chỉ mới có hai năm gắn bó với nhau là chuyện bình thường. Hay một lợi thế to lớn là sự cuồng nhiệt của 40.000 khán giả trên sân Mỹ Đình cũng đã không được tính đến...
Nhân câu chuyện U-19, tôi chợt nhớ đến một anh bạn có cậu con trai học rất giỏi. Thằng bé toàn vào những trường nổi tiếng ở TP.HCM, từng đoạt giải quốc gia và dễ dàng lấy một suất học bổng vào trường danh tiếng ở Mỹ.
Tôi nhiều lần thuyết phục anh cho viết bài giới thiệu cậu con trai nhưng anh một mực từ chối.
Anh bảo: ”Tôi luôn dặn đi dặn lại với con mình rằng cuộc đời con người chẳng khác nào một cuộc thi marathon 42km. Chục kilômet đầu như là 12 năm đèn sách phổ thông, học sinh Việt ăn đứt bạn bè các nước. Lên đại học - 5km tiếp theo - họ rút ngắn khoảng cách với mình. Nhưng sau đại học - 10km tiếp nữa - họ bắt kịp và qua mặt. Và đặc biệt, khi bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu, làm việc - gần nửa đoạn đường đua marathon còn lại - thì phần lớn người Việt mình hụt hơi. Vì vậy, đừng thấy thành công ban đầu ở bậc phổ thông, đại học mà hồ hởi. Cuộc đời hơn thua nhau lúc bắt đầu cống hiến”.
Từ câu chuyện này, tôi chợt nghĩ đến U-19 VN hiện nay. Có lẽ họ chỉ mới là tốt nghiệp trung học phổ thông...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận