PGS.TS Hà Kim Trung đang thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh: T.Đạt
Căn bệnh vô cùng nguy hiểm này có thể chèn ép vào tủy sống gây liệt và tử vong.
Triệu chứng phổ biến của bệnh u tủy là tình trạng đau cổ hay đau lưng tùy vị trí u. Các cơn đau thường xảy ra vào ban đêm, khi người bệnh nghỉ ngơi và đau nhiều hơn khi bệnh nhân hoạt động
Dễ chẩn đoán nhầm
Cách đây 5 tháng, bà Phạm Thị N. (63 tuổi, trú Cầu Giấy, Hà Nội) bị đau cột sống thắt lưng, tê bì chân, đi lại khó khăn. Bà đi khám và bác sĩ kết luận thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh nên được chỉ định điều trị bằng châm cứu, bấm huyệt, sóng radio... Bệnh có thuyên giảm nhưng rất ít.
Sau đó, chân bà lại bị tê dần từ mào chậu xuống ngón, bó chặt, khó cử động và không đi lại được. Bà tiếp tục đi khám, chụp cộng hưởng từ ở Bệnh viện Việt Xô, Bệnh viện Bạch Mai... và được cho điều trị theo hướng xương khớp, thoát vị. Thấy điều trị nội khoa không đỡ, bà vào khám tại Bệnh viện E thì bất ngờ phát hiện u tủy ngực nằm trong ống tủy. Bà được chỉ định phẫu thuật vi phẫu lấy u. Sau 1 ngày mổ bà tỉnh táo, chân đạp được mạnh, bớt đau.
Còn chị Nguyễn Thị H. (27 tuổi, trú Hưng Yên) thì ngược lại. Chị phát hiện đau lưng từ cách đây chừng 6 tháng. Nghĩ do công việc văn phòng ngồi nhiều, tuổi còn trẻ nên chủ quan chỉ xoa bóp, bấm huyệt. Bệnh không đỡ mà ngày càng nặng, đi lại khó khăn nên chị tìm tới bệnh viện khám.
Lúc đầu bác sĩ kết luận chị bị thoát vị đĩa đệm nhưng kết quả chụp cộng hưởng từ lại cho thấy bệnh nhân bị khối u tủy sống lưng, kích thước 6cm. Do u của chị nằm ở vùng tủy sống và đuôi ngựa với rất nhiều dây thần kinh quan trọng như vận động, cảm giác, điều khiển chức năng đại tiện, tiểu tiện... nếu mổ sẽ rất nguy hiểm. Nhưng nếu không mổ chị không chỉ liệt mà còn có thể tử vong do không đại tiểu tiện được.
Cần khám kỹ bước lâm sàng
PGS.TS Hà Kim Trung - phó giám đốc Bệnh viện E - cho biết tình trạng không tìm ra bệnh và điều trị sai trong u tủy không phải là hiếm.
Nguyên nhân đau trong u tủy dễ nhầm với đau rễ thần kinh do các căn nguyên khác như viêm đa rễ thần kinh; viêm dây thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm hoặc do lao, do thoái hóa cột sống; viêm dây thần kinh liên sườn... Vì thế cần phải khám kỹ lâm sàng và chẩn đoán đúng mới tìm ra bệnh.
Cũng theo PGS Kim Trung, thực tế có rất nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm bởi biểu hiện của cả hai bệnh này đều là đau, co cứng các cơ và chèn ép rễ thần kinh. Dấu hiệu nhận biết duy nhất để phân biệt là biểu hiện rối loạn vận động và không đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường.
Trường hợp bà Phạm Thị N. khi khám tại các cơ sở không chuyên khoa nên chỉ nghĩ tới thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nên chỉ chụp cộng hưởng từ nhiều lần cột sống thắt lưng không phát hiện ra. Chỉ khi khám lâm sàng mới thấy bệnh nhân có biểu hiện liệt kín, nghĩ tới u tủy, cho chụp thêm cộng hưởng từ cột sống ngực mới phát hiện.
Không bỏ qua dấu hiệu đầu tiên
Đa số các u nội tủy có triệu chứng khởi phát khá kín đáo và tiến triển chậm, dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Vì đa số u lành tính trong ống cột sống phát triển chậm ở giai đoạn đầu nên thời gian này thường kéo dài khá lâu, đôi khi có thể tới vài năm hoặc lâu hơn. Các triệu chứng lâm sàng khi phát hiện bệnh của u trong tủy sống gồm đau và các rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn cảm giác, vận động, cơ vòng (gây tiểu khó, táo bón), co cứng cơ, teo cơ và rối loạn hô hấp...
PGS Hà Kim Trung cho biết u tủy nằm bên trong ống cột sống khi chèn ép tủy sẽ làm giảm chức năng và đe dọa nghiêm trọng khả năng vận động của người bệnh. Bệnh u tủy sống có thể hình thành ở bất kỳ thành phần nào trong cấu trúc của tủy sống và cột sống: cột sống cổ, ngực hoặc thắt lưng... Nó có thể là u nguyên phát, tự hình thành và phát triển ở một vị trí trong cột sống, tủy sống hoặc do di căn từ những nơi khác đến như ung thư vú, ung thư phổi...
U tủy sống cổ thì có thể gây yếu 2 tay hoặc nghiêm trọng hơn là làm tê liệt tay lẫn chân. U tủy sống ngực và thắt lưng thì có thể gây yếu, tê bì, mất cảm giác ở tay chân hoặc vùng ngực...
Điều trị phẫu thuật u nội tủy qua kính hiển vi đã được áp dụng tại các cơ sở chuyên khoa cho kết quả tốt. Bởi u có độ ác tính thấp, nếu được chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời thì sau mổ tình trạng lâm sàng của người bệnh sẽ dừng lại giống như ở mức trước mổ hoặc tốt hơn (hơn 80%), nguy cơ tái phát ít và thời gian sống gần như người bình thường.
Lưu ý khi có cảm giác tê chân tay
PGS.TS Hà Kim Trung cảnh báo: đau và rối loạn vận động hoặc rối loạn cảm giác như tê, yếu tay chân là dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhưng mọi người hay bỏ qua khi còn nhẹ, đến khi đau nhiều hoặc tê liệt không vận động được mọi người mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn rất khó hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận