U Hiển thăm Lê Văn Minh khi anh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Đức Hiếu |
Gặp chúng tôi một sáng đầu thu, u Hiển khấp khởi vui mừng thông báo căn nhà thứ 10 bà vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp cùng xây dựng cho một gia đình nghèo đã hoàn thành.
U vẫn nghĩ đã làm phúc thì không được đòi hỏi, vì hạnh phúc của người được mình giúp đỡ chính là hạnh phúc của mình |
Bà TRƯƠNG THỊ HIỂN |
“U Hiển sinh ra con lần nữa!”
Phòng bệnh số 8 khoa ngoại là nơi Lê Văn Minh đang nằm điều trị, chuẩn bị cho ca phẫu thuật tái tạo hậu môn. Ngoài chân trái, một nửa thân dưới của anh đã không còn. Vừa thấy bà Hiển, ánh mắt mệt mỏi của Minh chợt sáng lên. 30 tuổi, anh từng có tất cả rồi cũng mất tất cả.
Năm 2008, trong một lần đi làm than về nhà, Minh bị tàu lửa tông, kéo rê đến 50m. Tai nạn kinh hoàng khiến thân thể anh nát bươm, máu ướt đầm chiếc áo công nhân màu xanh nước biển. Vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chỉ định tháo khớp nguyên chân phải và cắt bỏ một số bộ phận khác, chân trái anh cũng bị cắt mất bàn chân.
Từ trụ cột kiếm tiền trong gia đình, bỗng chốc Minh trở thành người tàn phế. Rồi vợ anh cũng đưa con nhỏ về ngoại, lấy chồng khác, bầu trời như sụp đổ trước mắt anh.
“Đã ba lần tôi định tìm đến cái chết nhưng gia đình đều phát hiện, ngăn cản. Chết là sự giải thoát nhanh nhất tôi nghĩ đến” - Minh nói.
Những tưởng cuộc sống đã chấm hết với chàng trai trẻ thì năm 2011 trong một lần tình cờ, bà Hiển biết thông tin và tìm đến tận nhà. Nhìn căn phòng của Minh xập xệ, vữa bong từng mảng, còn chàng trai xanh xao như tàu lá rũ, bà Hiển quyết tâm phải làm điều gì đó cho người này.
Hằng tuần bà xuống nhà trò chuyện cùng Minh, truyền nghị lực cho anh bằng những câu chuyện sưu tầm về gương người tật nguyền vượt khó.
Rồi Minh “cụt” cũng dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống, bà Hiển lại tất tả ngược xuôi vận động các câu lạc bộ từ thiện, doanh nghiệp góp kinh phí, xin UBND phường Cẩm Sơn cho phép xây dựng nhà mới cho Minh.
Đầu năm nay, căn nhà mới của Minh đã hoàn thành. Được ủng hộ dàn máy tính, anh tự lần mò làm công việc trên mạng Internet, công làm việc lúc vài trăm, lúc cả triệu đồng. Minh nói: “Con cảm ơn u Hiển, người mẹ đã sinh ra con một lần nữa”.
Kêu gọi giúp đỡ... người dưng
Trong cuốn album của bà Hiển lưu giữ hàng chục tấm ảnh của những người bà từng giúp đỡ. Dừng lại ở hình ảnh một phụ nữ mặt biến dạng vì sẹo do bỏng, bà Hiển nhớ lại để giúp đỡ chị Quý này, bà đã phải nhờ đến dân xã hội đen.
Chị Quý phẫn chí với chồng, tẩm xăng vào người tự tử nhưng không chết, cả người và mặt bị sẹo. Khi sẹo co lại kéo giãn giác mạc, nguy cơ bị mù là rất cao. Lúc đó không ai chịu giúp vì cho rằng chị này dại dột.
“Liều mình u mới bốc máy gọi cho anh T.L., người làm nghề xã hội đen cộm cán. Gọi điện xong, u mang cả ảnh chị Quý gặp anh T.L. để chứng minh. Anh này giúi vào tay u xấp tiền, nói góp một phần cho ca phẫu thuật chỉnh hình” - bà Hiển kể.
Cầm xấp tiền trên tay, bà Hiển vừa run vừa mừng, suốt cả đoạn đường đếm đi đếm lại được 20 triệu đồng - một nửa kinh phí điều trị cho chị Quý.
Lần khác, cũng bằng uy tín cá nhân mình, bà Hiển đã thuyết phục “đàn anh” D.P. phát tâm 50 triệu đồng xây nhà cho gia đình chị Vũ Thị Hà ở phường Cẩm Đông. Cầm số tiền này, chị Hà òa khóc.
Nhà xây được vài năm, vợ chồng chị Hà lần lượt ra đi vì căn bệnh AIDS. Căn nhà tình nghĩa này tiếp tục che chở hai người con của họ lớn lên và trưởng thành.
10 năm bén duyên với việc thiện nguyện là 10 năm u Hiển vất vả “đánh trống” kêu gọi giúp đỡ người dưng. “Bạn của u toàn người tâm thần, tàn tật, nghiện ngập” - u Hiển tổng kết.
Bà Đoàn Thị Hoa, nguyên chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Cẩm Phả, cho biết: “Tôi vẫn hay nói với mọi người cô Hiển tốt như bồ tát sống vậy. Cô Hiển rất tích cực làm công tác từ thiện, nghe ở đâu có người gặp khó khăn, hoạn nạn là cô ấy đến tận nơi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận