U tồn tại 20 năm mới phát bệnh
U quái buồng trứng phát triển âm ỉ trong khoang bụng, gần như không có triệu chứng. Vì thế nhiều trường hợp không hề biết mình có u, cho tới khi đạt kích thước khá lớn hoặc gặp phải biến chứng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã phẫu thuật thành công u buồng trứng nặng gần 3,3kg cho bệnh nhân H.G.V. (77 tuổi, Yên Sơn, Tuyên Quang). Gia đình bệnh nhân chia sẻ, bệnh nhân thấy bụng to dần, thời gian gần đây thường đau tức bụng, khó đi đại tiện, gầy sút cân nên đã đi khám và phát hiện ra u buồng trứng.
Trong 2 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ bóc tách, gỡ dính và thành công lấy ra khối u buồng trứng kích thước khoảng 20x30cm, nặng 3,3kg, giải phóng chèn ép ổ bụng cho bệnh nhân, cắt toàn bộ tử cung phần phụ, cắt hoàn toàn mạc nối lớn cho bệnh nhân.
Trước đó, Trung tâm Sản nhi Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cũng đã phẫu thuật cắt u buồng trứng cho bà Trần Thị Đ. hơn 90 tuổi (ở Sông Lô, Vĩnh Phúc).
Người bệnh đi khám trong tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo, bụng chướng to. Kết quả thăm khám cho thấy người bệnh có khối u kích thước lớn 30x30cm, trọng lượng gần 4kg, nằm tại vị trí buồng trứng trái cắm sâu vào tiểu khung.
Một ê kíp các chuyên gia giỏi đến từ các khoa: phụ - ngoại - nội tiết, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên đây là một trong những ca bệnh đặc biệt khó bởi người bệnh đã cao tuổi, thể trạng sức khỏe yếu, tăng huyết áp và tiền sử đột quỵ.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công, khối u phức tạp, kích thước lớn của người bệnh đã được loại bỏ hoàn toàn. Đây là dạng u quái buồng trứng đã tồn tại trong cơ thể bệnh nhân cách đây 20 năm.
Tương tự, ngày 25-7, Bệnh viện Từ Dũ cũng phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng xoắn, tử cung hoàn toàn và hai phần phụ cho cụ bà 89 tuổi.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên, nguyên trưởng khoa ngoại - phụ khoa, Bệnh viện K, cho biết u buồng trứng chiếm 5% trong các loại ung thư ở nữ nhưng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư phụ khoa. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc chiếm khoảng 3,6 - 3,9/100.000 dân.
U buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ dậy thì và những phụ nữ trên 60 tuổi. U buồng trứng phần lớn là u nang, thường khó phát hiện sớm vì không có triệu chứng.
Phát triển cả u răng, tóc, xương... mà không có triệu chứng
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, trong các u tân sinh của buồng trứng thì có khoảng 10 - 20% là u quái loại biệt hóa (lành tính).
Nghiên cứu cho thấy u quái phát sinh từ mô phôi, nhiều chức năng có khả năng tạo các thành phần từ 3 lớp phôi. Vì thế, khác với u nang buồng trứng thường chứa đầy chất dịch bên trong thì u quái buồng trứng lại chứa các mô tuyến bã, da, tóc, xương…
U quái buồng trứng có nguồn gốc từ tế bào mầm. Các tế bào mầm phát triển và biệt hóa tạo thành u quái trưởng thành. Nếu các tế bào mầm không biệt hóa tốt sẽ là u quái không trưởng thành. Khoảng 95% các u quái là u quái trưởng thành.
U quái buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là phụ nữ lớn tuổi. Khối u có vỏ bọc bên ngoài và bên trong chứa dịch, răng, tóc, mỡ, da, cơ, mô nội tiết (tiết ra hormone). Thường phát hiện ở một bên buồng trứng, có 8 - 15% bị cả hai bên. Khối u cứ tồn tại và phát triển cho đến khi được phát hiện.
Thường người bệnh cảm thấy bụng to ra nên đi khám hoặc bị biến chứng. Các biến chứng của u quái buồng trứng gồm: xoắn, vỡ khối u, nhiễm trùng, xuất huyết trong khối u hoặc hóa ác tính.
Xoắn vặn khối u là một biến chứng thường gặp đưa đến tử vong, xảy ra ở 3,2 - 16% các trường hợp. Khi khối u càng to thì nguy cơ bị xoắn càng lớn.
U quái buồng trứng thường có chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ khối u, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Thông thường sẽ cắt bỏ toàn bộ buồng trứng có chứa khối u để giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát. Những khối u hóa ác tính thì tiên lượng xấu, tỉ lệ sống 5 năm chỉ khoảng 15 - 31%.
Các chuyên gia đều khuyên, thường khối u quái buồng trứng tồn tại không có triệu chứng gì, một số ít trường hợp có đau bụng, bụng hơi to ra, chảy máu tử cung bất thường. Đôi khi cũng có hội chứng bàng quang, đau lưng hoặc rối loạn tiêu hóa.
Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm là vô cùng quan trọng, giúp nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để có thể điều trị kịp thời.
Phần lớn u buồng trứng là dạng u nang lành tính (chiếm trên 90%). Chỉ có một số ít trường hợp là u ác tính (hay còn gọi là ung thư buồng trứng), nhưng cũng có một số trường hợp mới đầu là u lành tính, nhưng do không chữa trị sớm có thể dẫn đến u ác tính và dễ gây tử vong, đặc biệt ở hai nhóm tuổi: tuổi trẻ (10 - 12 tuổi) và tuổi sau mãn kinh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận