Nhưng ngoài suy đoán đó ra, còn rất nhiều hướng suy đoán khác. Vấn đề này phức tạp hơn nhiều người tưởng.
Xu hướng bắt chước
Vào những năm 2000, sự thành công của các nhà làm phim độc lập Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong đã có ảnh hưởng rất sâu sắc tới các nhà làm phim Việt Nam.
Những đạo diễn châu Á như Giả Chương Kha, Thái Minh Lượng, Hầu Hiếu Hiền, Vương Gia Vệ… với những bộ phim phản ánh đời sống của con người bình thường, các nhóm yếu thế, ngoài lề xã hội đã chỉ ra hướng đi mới cho những người làm phim trẻ Việt Nam vốn có quá ít cơ hội làm phim trong các hệ thống sản xuất phim nhà nước hay tư nhân…
Bộ phim "Một thành phố khác" của nhà làm phim độc lập Phạm Ngọc Lân từng được tranh giải tại Liên hoan phim Berlin, là những lát cắt tâm trạng buồn bã, u sầu của nhiều nhóm người trong xã hội hiện đại - Ảnh: ĐPCC
Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2014 những bộ phim theo khuynh hướng tác giả như: Bi, đừng sợ!, Cha con và… (Phan Đăng Di); Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên); Lạc lối (Nhuệ Giang); Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp); Đó hay đây?, Homostratus (Síu Phạm)… ra đời đã cho thấy một cái nhìn rất khác về hiện thực đời sống xã hội Việt Nam.
Họ đã góp phần xác lập vị trí của dòng phim tác giả tại Việt Nam. Thành công của một số đạo diễn tại các liên hoan phim quốc tế đã mở rộng tầm ảnh hưởng của phim tác giả, có tác động mạnh tới các khuynh hướng sáng tác của giới trẻ.
Không thể phủ nhận phim tác giả là một khuynh hướng sáng tác mới. Sự u tối trong phim tác giả thể hiện cảm nhận của chính các nhà làm phim về xã hội Việt Nam đương đại.
Các nhà làm phim độc lập khước từ làm phim để tô hồng hiện thực, mà phản ánh một cách trực diện, trần trụi nhất. Phim của họ thường đề cao việc tạo ra cảm giác, thể hiện những phức cảm của thời hiện đại, hơn là gây ấn tượng bằng những câu chuyện có mở đầu, kết thúc với thắt nút, mở nút rõ ràng.
Sự ảnh hưởng của các nhà làm phim độc lập tới các nhà làm phim trẻ là rất rõ nét, vì họ đã tạo được ra những đồng cảm nhất định với giới trẻ ngày nay.
Ông Hoàng Phương, cán bộ giảng dạy tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh cho biết:
"Rất nhiều bạn ảnh hưởng sâu sắc từ những nhà làm phim độc lập Việt Nam như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp và nhà làm phim Đài Loan như Thái Minh Lượng, Hầu Hiếu Hiền… Các bạn phải làm phim thứ hai, thứ ba mới bứt ra được".
"Hầu hết các bạn đang đi học chưa phải làm phim vì sức ép thương mại. Nhiều bạn quan tâm đến phim nghệ thuật, muốn bắt chước làm phim nghệ thuật, hoặc phim độc lập nhưng phần lớn chưa tiêu hóa hết kiến thức nên làm không ra.
Các bạn mới làm nghề thích thể hiện những câu chuyện tăm tối, siêu thực, đi vào vấn đề tâm thần học. Muốn làm những thứ này thì phải có kiến thức nền cơ bản, phải xem nhiều phim, không thì chỉ cho ra sản phẩm minh họa, ngây ngô".
Nhà báo Lê Hồng Lâm
Sự tác động của xã hội tới các nhà làm phim
Ngoài việc các nhà làm phim trẻ bị ảnh hưởng bởi phong cách của các nhà làm phim độc lập, thì nhiều người cho rằng những bộ phim u ám mà họ làm ra phản ánh chân thực nhận thức của họ về xã hội Việt Nam đương đại.
Ông Hoàng Phương cho rằng: "Xã hội bây giờ có nhiều vấn đề quá. Việc các nhà làm phim trẻ lựa chọn những đề tài bạo lực, kinh dị, những câu chuyện u ám cho thấy nhãn quan của họ bị ảnh hưởng từ xã hội rất nhiều".
Một giảng viên đang giảng dạy tại Đại học Sân khấu -điện ảnh Hà Nội cũng cho rằng phim của giới trẻ còn cho thấy họ đang gặp "khủng hoảng mềm" về tư tưởng và niềm tin.
Tuổi Trẻ Online đã phỏng vấn nữ đạo diễn trẻ Hồ Thanh Thảo, người vừa đem phim Muộn tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Singapore 2017, để hiểu tại sao cô lại chọn làm một bộ phim u ám về người trẻ đô thị.
"Các bạn trẻ ở nước mình không có những chỗ thật sự đẹp đẽ để hẹn hò. Họ có gì đâu ngoài mấy quán nhậu, quán trà sữa. Họ có một khoảng thời gian tuổi trẻ vô cùng bất an. Họ không thể và không biết yêu nhau một cách đẹp đẽ. Đó chính là vấn đề em đặt ra trong Muộn.
Em mới làm phim nên các phim làm đều như là luyện tập và thử nghiệm. Đồng thời cũng để biết mình thực sự quan tâm cái gì".
Nhà làm phim trẻ Hồ Thanh Thảo
"Cô gái đến từ hôm qua", một bộ phim tình yêu tuổi học trò hồn nhiên, tươi sáng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - Ảnh: ĐPCC
Trao đổi với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, anh cho biết anh không quá bi quan về việc người trẻ chọn những đề tài u ám.
Về những bộ phim bạo lực, giết người, tôi nghĩ một phần vì sự lệch lạc trong nhận thức về điện ảnh của các bạn làm phim. Ngoài ra, phải kể tới trách nhiệm của thầy cô, họ đã không có định hướng tốt cho sinh viên.
Ngoài ra, tôi cho rằng không nên đánh đồng việc làm phim bạo lực, giết chóc với việc làm phim về nỗi buồn, sự hoang mang của giới trẻ, vì đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc các bạn trẻ làm phim về nỗi buồn, nỗi hoang mang, sống không mục đích là chuyện rất đỗi bình thường và chẳng có gì phải lo lắng cả.
Giới trẻ thời nào, ở đâu mà chẳng có nỗi buồn, chẳng có sự hoang mang, và luôn đặt ra những câu hỏi về mục đích sống của họ.
Với tôi, ngay cả nỗi buồn, sự hoang mang cũng có vẻ đẹp của nó, quan trọng là cách bạn thể hiện cảm giác ấy như thế nào qua phim ảnh mà thôi.
Đáng tiếc là tôi chưa thấy nhiều phim về nỗi buồn, sự hoang mang, cũng như các phim bạo lực, kinh dị, hay phim trong sáng, giải trí khiến tôi đồng cảm, bị cuốn hút theo cảm xúc nhân vật. Mà tôi mới chỉ thấy phần nhiều là những bộ phim yếu kém về cách kể, nhạt nhẽo, chán chường và hời hợt.
Với vai trò người từng tổ chức tiệc phim ngắn và làm giám khảo cho các liên hoan phim ngắn ở Việt Nam, tôi thấy không ít phim ngắn của các bạn trẻ về những đề tài tươi sáng, vì thế chúng ta cũng đừng quá bi quan về việc chọn lựa đề tài của các bạn trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận